Bộ sách Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới gồm 2 tập: Tập I: 716 trang; Tập II: 628 trang, tập hợp các bài viết, phát biểu, tham luận của đồng chí Phạm Quang Nghị, phản ánh nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, toàn diện những vấn đề của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những tìm tòi, suy nghĩ và định hướng của Đảng ta cùng những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Tập I của bộ sách gồm ba phần:
Phần thứ nhất: Chủ nghĩa xã hội: Ước mơ và hiện thực, phản ánh thực tiễn hết sức phong phú và sinh động công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Những bài viết khẳng định giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như những quan điểm, định hướng tư tưởng, chính trị, sự kiên định về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách của những năm 90 thế kỷ XX, khi mà hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.
Phần thứ hai: Ý Đảng - lòng dân, gồm những bài viết về chủ đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của một người lãnh đạo, một đảng viên đối với Đảng trong quá trình xây dựng Cương lĩnh, văn kiện và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, tác giả cũng gửi gắm một tình yêu sâu nặng và những trăn trở đối với Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến qua nhiều bài viết sâu sắc về quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô.
Phần thứ ba: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, gồm những bài viết, phát biểu, tham luận phân tích, đánh giá của tác giả với tư cách một nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý công tác văn hóa - thông tin - tư tưởng viết về vấn đề văn hóa, văn nghệ cũng như công tác quản lý văn hóa, văn nghệ trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta, nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tập II của bộ sách gồm hai phần:
Phần thứ tư: Những kỷ niệm không còn là của riêng gồm những bài viết của đồng chí Phạm Quang Nghị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước... Đó là những tấm gương sáng, có sức ảnh hưởng lớn đến nhận thức, tư tưởng cũng như phong cách lãnh đạo của đồng chí Phạm Quang Nghị. Những ấn tượng sâu sắc về những người thầy, những bậc tiền bối mà tác giả có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc, học hỏi, được tác giả chia sẻ một cách chân thực.
Trên suốt chặng đường công tác, dù lúc thuận lợi hay khó khăn, đồng chí Phạm Quang Nghị luôn tâm niệm cố gắng làm tròn nghĩa vụ của một công dân hết lòng yêu nước, một đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng. Trong công việc, ông là người “nói đi đôi với làm”, luôn cố gắng giải quyết mọi việc thấu tình đạt lý, với sự cầu thị và lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Với óc quan sát tỉ mỉ, tinh tế, ông là người biết kết hợp trong mình ba phẩm chất: nhà chính trị, nhà khoa học cùng tâm hồn cảm thông thấu đáo những việc rất đời thường của một nghệ sĩ.
Phần thứ năm: Mở một trang sách, thấy một con người là những dòng cảm nhận của những người bạn, đồng chí, đồng nghiệp, bạn đọc, của những người từng tiếp xúc và làm việc cùng ông. Ngoài ấn tượng về nhân cách của đồng chí Phạm Quang Nghị, các tác giả còn chia sẻ những xúc cảm và suy nghĩ đọng lại khi đọc các tác phẩm của ông như: Nơi ấy là chiến trường, Đi tìm một vì sao, Xin chữ... qua đó cho thấy chân dung tác giả cuốn sách với một tâm hồn đầy tính nhân văn, một trái tim nghệ sĩ, với sự nhạy cảm, da diết hướng về cái đẹp, khao khát hoàn thiện những điều phải làm và mong muốn chia sẻ những điều tốt đẹp ấy với mọi người, một nhà lãnh đạo luôn sâu sát thực tiễn đời sống xã hội, không bị gò bó, khô cứng trong cách nghĩ, cách tư duy, nắm bắt, thấu hiểu mọi cung bậc buồn vui của mọi người.