Công tác đề tài và xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 26/01/2016 - 07:01

Để phát huy những thành quả đạt được trong 70 năm xây dựng và phát triển, xứng đáng là cơ quan xuất bản sách lý luận chính trị, pháp luật hàng đầu của Đảng và Nhà nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tiếp tục làm tốt công tác đề tài và xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập - một khâu then chốt trong quá trình đổi mới, phát triển.

Cong tac de tai-chu Ha

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật không ngừng phấn đấu, vươn lên và đã giành được nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp xuất bản, đóng góp tích cực vào công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ghi nhận những thành tích đóng góp của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Nhà xuất bản Huân chương Lao động (do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng), Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân. Đặc biệt vinh dự cho tập thể cán bộ, công chức, viên chức Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (5-12-1945 - 5-12-2015), Đảng và Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Nhà xuất bản. Đây là sự ghi nhận, nguồn động viên to lớn đối với tập thể cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ cán bộ biên tập, lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong công tác xuất bản.

Nhớ lại năm đầu tiên mới ra đời (1945-1946), Nhà xuất bản Sự thật mới xuất bản được 34 đầu sách, đến tháng cuối năm 2015 số đầu sách biên tập - xuất bản trong năm đã lên đến gần 800 (chưa kể số đầu sách in tái bản, in nối). Trong những năm qua, Nhà xuất bản đã cho ra mắt bạn đọc nhiều bộ sách quý, quy mô đồ sộ, được tổ chức biên tập công phu, in ấn và trình bày đẹp như: C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập; V.I. Lênin Toàn tập; Hồ Chí Minh Toàn tập; Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử; Văn kiện Đảng Toàn tập; bộ Văn kiện Quốc hội; bộ sách viết về các nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam; bộ sách tổng kết kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam; những bộ hồi ký của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, địa chí các tỉnh, thành phố, lịch sử đảng bộ các địa phương; sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn; sách pháp luật; Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, v.v..

Trong những năm gần đây, công tác đề tài, cộng tác viên, công tác biên tập của Nhà xuất bản đã có nhiều cố gắng, đổi mới, cải tiến. Nhà xuất bản đã cung cấp cho bạn đọc nhiều đầu sách “cầm tay, chỉ việc”, “dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ” như bộ sách thuộc Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, bộ sách khổ nhỏ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách luật theo dạng hỏi - đáp, v.v.. Sách lý luận chính trị, pháp luật của Nhà xuất bản đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ biên tập, không ngừng phát triển và trưởng thành. Hiện nay Nhà xuất bản đã có gần 300 cán bộ, công nhân viên, với gần 100 thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên viên cao cấp và biên tập viên cao cấp, được tổ chức thành 17 đầu mối đơn vị cấp vụ, gồm các ban biên tập, vụ chức năng và tương đương. Ngoài trụ sở chính ở Hà Nội, Nhà xuất bản còn có các chi nhánh ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trung tâm phát hành sách ở Huế, Quảng Ngãi, Nha Trang. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các đơn vị, trong đó có ban biên tập được chú trọng đầu tư.

Bên cạnh những bước phát triển, những thành tựu đã đạt được, công tác đề tài, xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập của Nhà xuất bản còn một số mặt hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Mặc dù Nhà xuất bản đã có nhiều cố gắng làm phong phú thể loại và cơ cấu đề tài, song việc đi sâu nghiên cứu phương thức làm sách phục vụ từng đối tượng bạn đọc (công nhân, nông dân, thanh niên...) và vùng miền (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ,...), nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn hạn chế.

Nhìn chung, thể loại sách tổng kết thực tiễn, chuyên đề, sách tra cứu, sách hỏi - đáp còn ít. Vẫn còn hiện tượng chạy theo số lượng, xuất bản những cuốn sách chưa xác định rõ đối tượng phục vụ, địa chỉ tiêu thụ, hoặc số lượng in chỉ vài trăm bản. Một số luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng hạn chế nhưng do ban biên tập, biên tập viên còn thiếu đề tài và định mức nên vẫn biên tập, xuất bản với số lượng ít. Có đơn vị phát hành của Nhà xuất bản thường xuyên đạt số lượng phát hành rất thấp. Nhiều đầu sách bạn đọc có nhu cầu, nhưng những đơn vị này thường xuyên chỉ đặt 20-30 cuốn, thậm chí chỉ 5 đến 10 cuốn/đầu sách. Số lượng bản in ít dẫn đến nhuận bút cho cộng tác viên thấp, không động viên và thu hút cộng tác viên, gây lãng phí về thời gian, sức lao động, khiến giá thành cuốn sách cao…

Về nội dung, sách của Nhà xuất bản luôn giữ vững định hướng chính trị, “không sai”, nhưng chưa có nhiều những bộ sách lý luận chính trị chứa đựng những luận chứng tư duy mới, sáng tạo, thông tin phong phú, hấp dẫn và thuyết phục bạn đọc, giải đáp kịp thời hoặc có sức thuyết phục cao một số vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Nhà xuất bản còn ít những bộ sách đấu tranh sắc bén, trực diện chống lại hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút phẩm chất đạo đức, ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng đang có chiều hướng phát triển trong xã hội.

Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân như Đảng ta đã nêu trong Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016): “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn còn bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra...”.

Bài viết này tập trung chủ yếu vào nguyên nhân chủ quan, đó là yếu tố con người, đội ngũ cán bộ biên tập - “nhân vật” trung tâm của Nhà xuất bản. Nhà xuất bản có hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hay không, số đầu sách, số lượng bản in được xuất bản nhiều hay ít, chất lượng, hiệu quả cao hay thấp phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ cán bộ biên tập.

Trong những năm qua, lãnh đạo, Đảng ủy Nhà xuất bản đã có nhiều chủ trương và giải pháp, thường xuyên quan tâm, chú trọng khâu lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ xuất bản cho đội ngũ cán bộ biên tập. Song có thể thấy, đội ngũ cán bộ biên tập của Nhà xuất bản còn những bất cập. Lực lượng biên tập viên ở các ban biên tập về cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, nhưng còn hạn chế về chất lượng, còn thiếu biên tập viên có tay nghề cao, chuyên gia trong công tác biên tập. Có một số biên tập viên khi vào Nhà xuất bản làm việc chưa thấu hiểu hết những khó khăn, yêu cầu về nhiều mặt của nghề biên tập sách lý luận, chính trị, nhất là trong điều kiện quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế của đất nước ta được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Hiện nay, cán bộ biên tập của Nhà xuất bản ít có điều kiện tiếp xúc, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm sách của các nước, còn thiếu kinh nghiệm và yếu về ngoại ngữ, tin học để có thể chủ động tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản. Có một bộ phận cán bộ biên tập không theo kịp, chưa nắm bắt được tình hình mới, chưa thực sự trăn trở với công việc, tâm huyết với nghề nghiệp để có tư duy và phương pháp làm việc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trong điều kiện ngành xuất bản và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật có nhiều thời cơ, thuận lợi, đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, công tác đề tài, xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập cũng đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có bước chuyển mạnh mẽ, phải có phương cách làm việc mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa để tránh rơi vào tình trạng khó khăn và bị tụt hậu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đây là vấn đề lớn đã và đang được lãnh đạo và Đảng ủy Nhà xuất bản rất quan tâm. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm một số điểm.

Về đề tài, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện bộ sách “đi cùng năm tháng” như: bộ sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; bộ sách viết về các nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam; những bộ hồi ký về các đồng chí lãnh đạo cấp cao; bộ sách tổng kết kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, v.v.. Tăng cường và mở rộng quan hệ với các địa phương, bộ, ban, ngành để tham gia phối hợp xuất bản địa chí các tỉnh, thành, lịch sử đảng bộ các bộ, ban, ngành địa phương; thực hiện tốt việc tổ chức đề tài sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn; sách pháp luật; Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam, v.v.. Khẩn trương hoàn thiện kế hoạch đề tài sách nghiên cứu, quán triệt Đại hội XII của Đảng.

Bên cạnh những bộ sách lớn, công trình nghiên cứu chuyên sâu, cần chú trọng mảng sách chính trị phổ thông, nội dung sinh động, “dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ” phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Cần tập trung vào loại sách chính trị phổ thông mỏng, mang tính chất giải thích, tra cứu, hướng dẫn thực hành.

Phải xác định nội dung sách nhằm phục vụ từng đối tượng cụ thể, như loại sách dành cho nông dân, công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, v.v.. Đặc biệt, cần triển khai làm thí điểm một số bộ sách lý luận chính trị (theo từng vấn đề, dạng hỏi - đáp), pháp luật phổ thông (bộ sách Luật sư của bạn, sách luật theo dạng hỏi - đáp, pháp điển hóa, v.v.). Nội dung và hình thức sách phải phù hợp với từng địa bàn, như sách phục vụ đồng bào Tây Nguyên, đồng bào Khmer, nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phù hợp với từng lứa tuổi thanh thiếu niên, v.v..

Trong xây dựng kế hoạch đề tài và triển khai thực hiện kế hoạch, cần chú ý phân loại rõ hơn, quản lý tốt hơn từng mảng sách: sách đặt hàng của Nhà nước; sách của các ngành và các địa phương; sách liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước; sách phục vụ nhiệm vụ chính trị phải bù lỗ, v.v.. Cần gắn chặt việc phục vụ nhiệm vụ chính trị với hiệu quả kinh tế để các ấn phẩm vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội vừa bảo đảm lợi ích kinh tế. Cần xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể và có tính khả thi cao (kế hoạch biên tập, in, phát hành, tài chính).

Cần nghiên cứu kỹ thị trường và nhu cầu của các đối tượng bạn đọc để xây dựng kế hoạch đề tài hợp lý. Trong công tác đề tài, cùng với vai trò quan trọng của “bà đỡ”, ý tưởng và những đề xuất của cộng tác viên - những nhà khoa học, chuyên gia theo từng lĩnh vực, hết sức quan trọng.

Hiện nay, công nghệ thông tin truyền thông phát triển rất nhanh, cùng với sách in truyền thống, cần chú trọng triển khai mảng sách điện tử, nhất là những đề tài được bạn đọc quan tâm.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ biên tập. Trước hết, cán bộ biên tập phải quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác xuất bản như Chỉ thị 20-CT/TW, Chỉ thị 42-CT/TW, v.v.. Cần tích cực nghiên cứu, nắm vững quan điểm, chủ trương, nhận thức mới của Đảng được thông qua tại Đại hội XII. Đó là những định hướng quan trọng đối với công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Trên cơ sở đó triển khai kế hoạch đề tài phục vụ hiệu quả, thiết thực việc nghiên cứu, học tập, vận dụng nghị quyết Đại hội XII cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Người cán bộ biên tập cần phải nâng cao trách nhiệm công việc, lương tâm nghề nghiệp, tích cực học tập lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, nắm vững nghiệp vụ xuất bản, ngoại ngữ, tin học. Công việc biên tập sách lý luận chính trị đòi hỏi phải có sự say mê nghề nghiệp, phải thường xuyên học tập lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có sự “nhạy cảm chính trị”. Đây cũng chính là yêu cầu quan trọng đòi hỏi biên tập viên phải nỗ lực đi sâu nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức, trình độ lý luận chính trị, bản lĩnh chính trị để trở thành “bà đỡ” khéo cho ra đời những ấn phẩm đáp ứng yêu cầu cao của bạn đọc.

Trong những năm qua, Nhà xuất bản đã có nhiều cố gắng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả ở trong nước và ngoài nước, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các cán bộ biên tập “đầu đàn”, các “chuyên gia” theo từng lĩnh vực chuyên môn trong các ban biên tập và thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên có thể chủ động làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học viết tốt, tổ chức tốt công việc và sử dụng được ít nhất là một ngoại ngữ ở mức độ thông thường. Hiện nay trong các ban biên tập, số cán bộ trẻ về tuổi đời và tuổi nghề chiếm tỷ lệ khá cao. Phần đông trong số này được đào tạo cơ bản, tích cực công tác và học tập, đóng góp quan trọng vào công tác biên tập. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác cho thấy, để làm tốt công việc biên tập sách lý luận chính trị, ngoài nắm vững lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, người cán bộ biên tập còn cần phải trải qua một thời gian thử thách nhất định để có điều kiện học tập, trau dồi nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, để có đủ kiến thức và bản lĩnh làm việc độc lập với các cộng tác viên, nhất là các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các nhà lý luận, phát hiện và tổ chức được những đề tài hay, đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc. Đây cũng là một vấn đề cấp thiết được đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập của Nhà xuất bản trong thời gian tới. Trình độ và bản lĩnh của người cán bộ biên tập được thể hiện rõ qua sự “gác cổng” quan điểm đường lối của Đảng, sự “nhạy cảm chính trị” trong công tác đề tài, công tác cộng tác viên và biên tập nội dung bản thảo.

Trong công tác lãnh đạo, quản lý, Nhà xuất bản cần làm tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập có đủ phẩm chất và năng lực, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Rà soát lại đội ngũ, từng bước điều chỉnh, bố trí đúng người đúng việc; tích cực đào tạo và đào tạo lại số người chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đây là công việc không đơn giản, đòi hỏi phải có thời gian và dễ nảy sinh mâu thuẫn nhưng không thể không làm.

Cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh quy chế tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ cán bộ; có cơ chế tuyển chọn được người giỏi, có trình độ, trước hết là những cán bộ trẻ, có năng lực, bản lĩnh, phẩm chất phù hợp với nghề biên tập. Có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; mạnh dạn lựa chọn một số cán bộ trẻ tích cực phấn đấu, có triển vọng để đào tạo (kể cả ở nước ngoài), nhằm tạo nguồn sử dụng lâu dài.

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật rất tự hào về những thành tích to lớn đã đạt được, đồng thời cũng ý thức rất rõ về những khó khăn, thách thức đang đặt ra; cố gắng khắc phục những hạn chế và yếu kém, tích cực xây dựng và chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ biên tập để có thể đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

TS. HOÀNG PHONG HÀ

 Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

 

*****

1. Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 170.

 

Bình luận