Diệp Minh Châu - người nghệ sĩ, chiến sĩ tài năng

Ngày đăng: 05/03/2019 - 16:03

Diệp Minh Châu là một trong những gương mặt lớn của nền hội họa Việt Nam hiện đại. Không chỉ là một họa sĩ thành công với đề tài Bác Hồ, đề tài miền Nam, Diệp Minh Châu còn là nhà điêu khắc tên tuổi trong giới nghệ thuật tạo hình. Nhiều tác phẩm của ông đã đi vào lịch sử, trở thành tài sản quý của nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn trong nước và thế giới. Với những cống hiến và hy sinh không mệt mỏi, Diệp Minh Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I năm 1996).

Họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002)

Diệp Minh Châu (1919-2002) sinh tại làng Nhơn Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình nông dân nghèo. Từ khi học tiểu học, cậu bé Châu đã nổi tiếng vẽ giỏi. Theo nhiều người kể lại và hồi ký của nghệ sĩ thì cậu có biệt tài vẽ những đồ vật giống y như thật. Năm 15 tuổi, vì cảnh nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược và gia cảnh nghèo khó nên cậu đành thôi học, về nhà làm ruộng nhưng khao khát được vẽ vẫn cứ lớn lên theo năm tháng. May mắn cậu được gặp họa sĩ Hoàng Tuyển, tác giả của bức tranh Tứ thời nổi tiếng thời ấy. Hoàng Tuyển đã trở thành người thầy đầu tiên mở ra cho cậu bé Châu chân trời nghệ thuật mới lạ, đầy hấp dẫn.

Năm 1940, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng thanh niên Diệp Minh Châu hào hứng ra Hà Nội, thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - một trong hai trường mỹ thuật nổi tiếng nhất châu Á thời bấy giờ và đỗ đầu kỳ thi tuyển. Anh tìm đến xin gặp họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân. Anh nhớ mãi cái bắt tay thật chặt của người thầy lớn mặc dù bàn tay cậu học trò còn đang lấm bụi và nói “Bàn tay này đáng bắt lắm!”.

Từ một người nông dân Nam Bộ chính hiệu ra sống và học tập ở Hà Nội phồn hoa nên mọi sinh hoạt rất khó khăn. Sau này, chính họa sĩ đã kể với Bác Hồ về những năm tháng gian khổ ấy: “Hồi trước cháu học ở Hà Nội. Cháu nghèo lắm, từ trong Nam ra một mình vì mê nghề, muốn tìm học tập nghệ thuật. Cháu đi vẽ cho các gánh hát, họ hát xong mới lấy chỗ rạp trống, bày đồ ra vẽ, đêm chỉ ngủ một vài giờ mà ăn thì chẳng bữa nào no”1.

Với năng khiếu, niềm say mê và sự khổ luyện, một số tranh vẽ của Diệp Minh Châu được chú ý, trong đó có tác phẩm Trăng thu, Nhớ mong, Hương sắc… Một số tác phẩm được giải thưởng cao về mỹ thuật, như Văn Miếu (Huy chương Đồng - 1942), Cầu nguyện (Huy chương Bạc - 1943). Chàng thanh niên Diệp Minh Châu vừa học vừa vẽ và tích cực tham gia vào phong trào sinh viên yêu nước. Anh tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ của thanh niên, vẽ bìa cho các bản nhạc yêu nước của Lưu Hữu Phước, thiết kế mỹ thuật cho các đêm diễn yêu nước của Tổng hội sinh viên Hà Nội. Cuộc đời nghệ thuật đang mở ra với chàng họa sĩ trẻ thì bất ngờ Nhật đảo chính Pháp. Diệp Minh Châu phải trở về quê nhà. Nhưng với tài năng và ý chí của người thanh niên yêu nước, anh tiếp tục sáng tác và có đủ tranh để tổ chức triển lãm tại Bến Tre và Mỹ Tho với mục đích lấy tiền giúp những người gặp nạn đói ở miền Bắc năm Ất Dậu (1945). Cách mạng Tháng Tám đến, anh vào Thanh niên tiền phong và tham gia giành chính quyền tại thị xã Bến Tre, được giao nhiệm vụ là Trưởng ban trừ gian huyện Châu Thành.

Tượng "Bác Hồ với thiếu nhi" của họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu được đặt trước trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1946, anh về công tác ở khu Tám với chức danh phóng viên mặt trận. Ở cương vị mới, anh có dịp đi theo những đơn vị Vệ quốc đoàn trực tiếp hòa mình vào cuộc sống kháng chiến vùng Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Đồng Tháp Mười. Người thanh niên yêu nước dũng cảm ấy thay vì trực tiếp cầm súng đã cầm cây cọ, lấy đó làm vũ khí để ghi lại một cách sinh động cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân. Các tác phẩm nổi tiếng ra đời trong thời kỳ này như Phong cảnh Đồng Tháp Mười, Lớp học bình dân trong lán ven rừng, Qua rừng Lá, Du kích qua làng, Chiến sĩ rẽ lau… Nhìn những bức tranh ấy người xem như nhìn thấy ngày chiến thắng sắp đến gần vì sự tươi mới, ấm áp và lạc quan. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của Diệp Minh Châu là bức ký họa Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong (1947) được vẽ tại Vàm Nước Trong (Mỏ Cày) bằng chính máu của người chiến sĩ ấy, ngay trên trận địa đang còn khói súng và vang tiếng súng. Bức tranh nổi tiếng này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội.

Năm 1949, để phát huy năng khiếu và làm tốt hơn nhiệm vụ, Diệp Minh Châu được phân công về công tác tại Viện Văn hóa kháng chiến Nam Bộ. Năm 1950, anh được ra Việt Bắc để tiếp tục học tập và công tác. Ở Việt Bắc, một may mắn lớn cũng là cơ hội hiếm có là anh được sống cùng Bác Hồ để vẽ về Người. Hình ảnh Bác Hồ vĩ đại và giản dị, anh minh và nhân hậu, cao khiết nhưng vô cùng gần gũi đã đi vào những bức tranh của anh thật mộc mạc, chân tình, gần gũi và cũng rất tinh tế, lắng đọng. Anh say mê vẽ Bác từ nhiều góc độ, vẽ bằng tất cả sự kính trọng, tin yêu, quý mến để cố gắng lột tả những nét đẹp thiêng liêng. Những bức tranh đẹp và quý đã đáp lại công lao và tấm lòng anh ra đời: Bố cục nhà Bác trên đồi (tranh lụa, 1951), Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc (tranh sơn dầu, 1951), Bác câu cá bên bờ suối (tranh sơn dầu, 1951), Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác (tranh sơn dầu, 1951)…

Được gặp và làm việc cùng Bác Hồ, chất lượng sáng tác của anh càng được nâng cao. Nhà nghệ sĩ nhớ mãi lời dặn của Bác: “Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ được”2. Vâng lời Bác, dù khi đang học tập ở nước ngoài hay sáng tác ở trong nước, dù ở miền Bắc hay miền Nam anh luôn hướng sáng tác của mình vào sự nghiệp giải phóng chung của dân tộc mà cụ thể là phản ánh, ca ngợi và khẳng định sự tất thắng của cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Những tác phẩm tranh, tượng nổi tiếng của nghệ sĩ đã đi vào lòng người, gieo ở họ niềm tin và hy vọng hòa bình: Võ Thị Sáu, Lòng người miền Nam, Căm thù Phú Lợi, Hương sen (tượng), Miền Nam bất khuất, Miền Nam thành đồng, Người mẹ Việt Nam (tranh lụa), v.v.. Sau này, Diệp Minh Châu sáng tác điêu khắc về đề tài Bác Hồ nhiều hơn, các tác phẩm để đời của nghệ sĩ như: Bác Hồ ở Việt Bắc (tượng đồng), Tượng đài Bác Hồ (đá hoa cương, nặng 180 tấn, dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, là tượng chân dung lớn nhất Việt Nam), Bác Hồ bên suối Lênin (tượng tròn thạch cao), Bác Hồ với thiếu nhi (tượng đồng)... đã trở thành tài sản văn hóa chung của nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại. Ông còn là tác giả của Tượng đài Trương Định (đá hoa cương, nặng 80 tấn)…

Mỗi nghệ sĩ lớn luôn có tuyên ngôn nghệ thuật riêng, nhà điêu khắc - họa sĩ Diệp Minh Châu ngay từ khi còn trẻ đã thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của mình trong bức thư độc đáo, đặc biệt gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9/1947. Đáng quý là suốt đời ông đi theo tuyên ngôn đó một cách nhất quán. Nội dung lá thư phần nào cho thấy bối cảnh ra đời cũng thật đặc biệt:

“Kính gửi Cha già Hồ Chí Minh!

Kính Cha,

Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn khu Tám. Cách mạng Tháng Tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay, trong cảnh vĩ đại của ngày Lễ Độc lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe lời Tuyên ngôn Độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha và Lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn Thiếu sinh Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em Trung Nam Bắc đương xúm đầu lại dưới chòm râu của Cha trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch, đã chiếm lấy ở trận Giồng Dừa hồi 4/1947…

Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con đây lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha già đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo cho thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh cho cuộc cách mạng phát triển dân tộc.

Kính chào Cha

Khu Tám, 2/9/1947”3.

Về sau, anh em văn nghệ sĩ Nam Bộ và cả nước coi lá thư này nói thay tấm lòng của họ với Bác Hồ, với cách mạng trong thời kỳ cả nước đánh đuổi thực dân Pháp. Lá thư cũng trở thành tuyên ngôn nghệ thuật cho rất nhiều văn nghệ sĩ quyết đem nghệ thuật “thành lợi khí đấu tranh” để giải phóng dân tộc và cũng giải phóng cho chính sự nghiệp sáng tạo của mình.

Bức họa máu mà người họa sĩ trẻ Diệp Minh Châu gửi lên Bác Hồ có tên Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung - Nam - Bắc trở thành tài sản vô giá của nền nghệ thuật Việt Nam cũng như của cả cuộc cách mạng Việt Nam. Sau này, họa sĩ kể lại cụ thể hơn địa điểm vẽ bức tranh ấy là ở Đồng Tháp Mười, sau buổi Lễ kỷ niệm Độc lập 02/9/1947. Suốt đời ông, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù ở miền Nam hay miền Bắc, dù ở chuyên ngành hội họa hay điêu khắc cũng luôn hết sức mình sáng tạo vì sự nghiệp cách mạng. Cũng rất tự nhiên, hình tượng Bác Hồ là một trong những đề tài sáng tạo chủ yếu của nghệ sĩ. Ông xứng danh là một nghệ sĩ - chiến sĩ, hơn nữa một nghệ sĩ lớn, một chiến sĩ dũng cảm suốt đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Để nói về phong cách hội họa Diệp Minh Châu thời kỳ trước năm 1951, có lẽ trích lời nhận xét của Bác Hồ là đúng hơn cả, vì chính Bác cũng là một họa sĩ lớn. Anh kể, lần ấy anh đánh bạo xin Bác phê bình tranh của mình, “Bác xem tranh, lại nhìn sang anh Trường Chinh và anh Phạm Văn Đồng rồi cười nói: - Chú Châu vẽ có cái lạ… không đề tên cũng nhận được người”4. Bác nhận xét hóm hỉnh mà tinh tế, khen mà như không khen nhưng đã khẳng định cái riêng, cái cá tính của họa sĩ, đó là tiền đề của phong cách, làm nên phong cách mà không phải người cầm cọ nào cũng có thể làm được.

Tháng 5/1951, Diệp Minh Châu được cử đi học ngành điêu khắc ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật Tiệp Khắc. Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, trước khi hoàn thành khóa học ông còn xin đến Liên Xô, Ấn Độ học tập, nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc tượng đài. Năm 1957, ông quay lại Ấn Độ tu nghiệp một thời gian ngắn. Cũng từ đây, cái tên Diệp Minh Châu được bạn bè thế giới biết đến không chỉ là một họa sĩ nổi tiếng mà còn là một nhà điêu khắc tài năng. Từ khi về nước (1956-1975), Diệp Minh Châu làm giảng viên tại trường Mỹ thuật Việt Nam, truyền đạt những hiểu biết và kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật cho các thế hệ học trò.

Hơn 60 năm sáng tạo nghệ thuật, Diệp Minh Châu là tác giả của hàng ngàn bức tranh, tượng, là nghệ sĩ có nhiều triển lãm, nghệ sĩ sáng tác nhiều về Bác Hồ với hơn 200 tác phẩm. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ, bảo quản và trưng bày ở các bảo tàng lớn trong nước và nước ngoài như Liên Xô, Ấn Độ, Tiệp Khắc… Tên tuổi, sự nghiệp của ông được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư châu Âu.d

1, 3. Nhiều tác giả: Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh. Nxb. Hội Nhà văn, t. 1, tr. 209, tr. 200-201.

2, 4. Nhiều tác giả: Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Sđd, t. 1, tr. 202.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú

ThS. Đinh Thanh Hương

 

Bình luận