Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu chiến lược của Đảng ta trong suốt 80 năm qua, đường lối đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng nước ta. Trong nhiều văn kiện của Đảng ta, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) đã nêu rõ: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng của nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”. Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, khi tổng kết những bài học chủ yếu của 15 năm đổi mới đã chỉ rõ bài học thứ nhất là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Chính vì vậy mà chúng ta nhận thức được rằng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, mà còn là động lực, là niềm tin sắt son của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trên cơ sở hiện thực cách mạng Việt Nam, cuốn sách Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - Mục tiêu chiến lược và con đường tiếp cận của PGS, TS. Đinh Trần Dương sẽ giúp chúng ta hiểu biết và hiểu rõ về vấn đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nêu lên được những mục tiêu và con đường tiếp cận nó. Tác giả đã đi sâu phân tích thực tế lịch sử nước ta qua các thời kỳ, nêu rõ những đặc điểm, diễn biến của cách mạng Việt Nam, trình bày một cách khoa học những quan điểm và đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Cuốn sách gồm có bốn phần:
Phần thứ nhất: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” - Khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.
Phần thứ hai: Đảng Cộng sản Việt Nam - Khởi đầu từ chủ nghĩa yêu nước.
Phần thứ ba: Sự kiểm chứng của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Phần thứ tư: Nhìn lại chính mình, tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế “để đi tới xã hội cộng sản”.