Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do tập thể các nhà khoa học, các giảng viên có kinh nghệm của một số trường đại học biên soạn. Với cách viết mang tính lý luận khoa học, cuốn sách thể hiện rõ là giáo trình đáp ứng được yêu cầu mới của thực tiễn giảng dạy và học tập hiện nay của học sinh, sinh viên. Cuốn sách đã xác định được đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu môn đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài chương mở đầu, cuốn sách còn gồm tám chương:
Chương I: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Chương này trình bày cụ thể hoàn cảnh lịch sử ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; hội nghị thành lập Đảng; cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và ý nghĩa lịch sử sự ra đời của Đảng.
Chương II: Đường lối đấu tranh giành chính quyền (1930-1945). Thời kỳ 1930-1945, đây là thời kỳ Đảng vận động, giáo dục, tổ chức quần chúng, chuẩn bị lực lượng, nắm bắt thời cơ, phát động toàn dân khởi nghĩa, do vậy chương này tập trung nói đến vấn đề chủ trương đấu tranh từ năm 1930 đến năm 1945, trong đó có trình bày rõ những hoàn cảnh lịch sử trong nước và quốc tế, những chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng,…
Chương III: Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975). Chương này trình bày chủ trương xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, quá trình hình thành, nội dung và ý nghĩa của đường lối, kết quả, ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm.
Chương IV: Đường lối công nghiệp hóa trình bày mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nội dung và định hướng công nghiệp hóa; những kết quả, ý nghĩa, hạn chế và nguyên nhân thực hiện đường lối.
Chương V: Đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề cập quá trình đổi mới nhận thức về kinh tế thị trường, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chương VI: Đường lối xây dựng hệ thống chính trị. Chương này tập trung trình bày đường lối xây dựng hệ thống chính trị thời kỳ trước đổi mới và thời kỳ đổi mới.
Chương VII: Đường lối xây dựng, phát triển nền văn hóa và giải quyết các vấn đường lối đề xã hội. Chương này sẽ bàn đến vấn đề đường lối xây dựng, phát triển nền văn hóa trong thời kỳ trước đổi mới và đổi mới, trong đó tập trung vào vấn đề quá trình đổi mới tư duy về xây dựng và phát triển nền văn hóa cũng như quan điểm chỉ đạo và chủ trương về vấn đề này; việc giải quyết các vấn đề trong xã hội.
Chương VIII: Đường lối đối ngoại, trình bày bao quát các nội dung đường lối từ năm 1975 cho đến những năm gần đây, trong đó bao gồm nhiều vấn đề: mục tiêu, nhiệm vụ và tư tưởng chỉ đạo, một số chủ trương, chính sách lớn, thành tựu, ý nghĩa, hạn chế và nguyên nhân.
Trong thực tiễn mới của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, quán triệt đường lối về đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng và chủ trương cải cách công tác giảng dạy, học tập bậc đại học và cao đẳng nói chung, cuốn sách sẽ là tài liệu cần thiết cho các giảng viên, sinh viên.
Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do tập thể các nhà khoa học, các giảng viên có kinh nghệm của một số trường đại học biên soạn.