Hội nghị Học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI)

Ngày đăng: 17/10/2014 - 16:10

Ngày 17-10-2014, tại trụ sở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, toàn thể đảng viên, biên tập viên, chuyên viên Nhà xuất bản đang công tác tại Hà Nội đã nghe GS.TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phổ biến nội dung Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Những nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã được GS. TS. Phùng Hữu Phú khái quát, chọn lọc trình bày hết sức sinh động thông qua hai nội dung lớn: sự cần thiết ban hành Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) và những điểm mới của Nghị quyết này so với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

HN quan triet NQ 10-2014 1

GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phổ biến nội dung Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

Những năm gần đây, nhận thức về văn hóa đã có nhiều thay đổi, ngày càng phong phú hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Càng ngày người ta càng nhận thấy văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững; văn hóa chính là nhân tố quan trọng cấu thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia; văn hóa không đơn thuần là sức mạnh tinh thần, mà còn là sức mạnh vật chất, văn hóa ngày càng thấm sâu vào kinh tế, trở thành sức mạnh bên trong kinh tế; văn hóa ngày càng trở thành nhân tố cạnh tranh quyết liệt, được coi là sức mạnh mềm, có tác động bền vững và sâu lắng...

Cùng với những đổi mới trong nhận thức về văn hóa như vậy, đời sống văn hóa thế giới có những biến chuyển nhanh chóng, Ở trong nước, nhu cầu về văn hóa ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng, thực trạng văn hóa vẫn còn quá nhiều bất cập, như: sự xuống cấp về tư tưởng, lối sống, đạo đức; tư duy về văn hóa quá lạc hậu; đời sống văn hóa phát triển đi lên nhưng không đồng đều; quản lý, lãnh đạo văn hóa còn nhiều bất cập… Trước tình hình đó, làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa nhân loại, làm giàu thêm các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời có sức đề kháng trước những nguy cơ về văn hóa, để nền văn hóa không bị xói mòn, hòa tan là vấn đề rất cần được giải quyết trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" được ban hành chính là để giải quyết những vấn đề bức xúc đó.

So với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) thể hiện một số điểm mới: 1) Mới về cách tiếp cận. Cách tiếp cận mới và nổi bật của Nghị quyết lần này chính là việc xây dựng và phát triển văn hóa được đặt trong quan hệ chặt chẽ, biện chứng với con người; 2) Mới trong tư tưởng chỉ đạo. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) kế thừa có chọn lọc 5 quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và bổ sung thêm nhiều nội dung, trong đó có một số quan điểm mới; 3) Mới trong việc định hướng các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp, trong số đó có những nhiệm vụ tích hợp nhiều nhiệm vụ trước đây và bổ sung mới 2 nhiệm vụ, giải pháp.

HN quan triet NQ 10-2014

Toàn cảnh Hội nghị

Nhìn chung, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) có một số điểm nổi bật như: Một là, định hướng xây dựng con người phát triển toàn diện. Đây là điểm trung tâm, nổi bật của Nghị quyết. Nghị quyết nói về con người đậm đà, sâu sắc trên nhiều khía cạnh, về đức (xây dựng, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc; trách nhiệm với toàn dân, gia đình, Tổ quốc; tôn trọng, yêu thương con người…), trí (tri thức văn hóa, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sáng tạo), thể (chăm lo bồi dưỡng thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, chăm lo sức khỏe và tuổi thọ để chỉ số con người được nâng cao), mỹ (xây dựng năng lực và trình độ cảm thụ thẩm mỹ, chăm lo bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm của con người)… Hai là, xây dựng văn hóa trong chính trị. Xây dựng môi trường văn hóa trước hết trong các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể; xây dựng mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những con người văn hóa… Ba là, xây dựng văn hóa trong kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa và từng bước hoàn thiện thị trường văn hóa. Phải làm sao để đưa những giá trị văn hóa ngày càng thấm sâu vào quy trình sản xuất, kinh doanh, phải có chính sách kinh tế trong văn hóa, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từng bước xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam…

Qua Hội nghị lần này, cán bộ, đảng viên trong Nhà xuất bản đã được trang bị những hiểu biết cơ bản nhưng đầy đủ, súc tích về nội dung của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), góp phần nắm vững những vấn đề lý luận, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những thông tin thời sự quốc tế và trong nước nhằm nâng cao kiến thức, phục vụ tốt công tác chuyên môn.

Giao Linh






Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả