Hội nghị nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành - các tỉnh, thành phố phía Bắc

Ngày đăng: 08/04/2013 - 08:04

Sáng 03-4-2013, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành - các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Các đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương;  Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; Hoàng Phong Hà, Phó Giám đốc Thường trực - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương); Cục Tài chính và Quản lý đầu tư, Vụ Tổng hợp (Văn phòng Trung ương); Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông); Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh); đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, lãnh đạo Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy các tỉnh phía Bắc; các đồng chí Lãnh đạo Nhà xuất bản; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Nhà xuất bản.

Dong chi Nguyen The Ky phat bieu

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong 10 năm qua có bước phát triển rõ rệt. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất với lịch sử toàn Đảng, song cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương. Các ấn phẩm đã tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử chung của toàn Đảng và lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng đảng bộ nói riêng và của toàn Đảng nói chung. Kết quả Hội nghị này sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng từ góc độ công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành cho việc tổng kết Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản ViệtNam.

Hội nghị đã nghe đồng chí Hoàng Phong Hà trình bày dự thảo Báo cáo công tác biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành, trong đó nêu rõ: Từ năm 2002 đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã phối hợp với các cấp bộ đảng, chính quyền các địa phương, các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức xuất bản 365 công trình lịch sử địa phương, ban, ngành, đoàn thể, trong đó có 254 đầu sách lịch sử đảng bộ địa phương, tăng 2,73 lần so với khoảng thời gian 9 năm trước đó. Sách xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật luôn bảo đảm chất lượng về nội dung khoa học, về tính chính xác, phản ánh chân thực, khách quan, thống nhất các sự kiện lịch sử Đảng, không có sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng; hình thức trình bày đẹp, trang trọng; thời gian biên tập và xuất bản đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của các địa phương, thiết thực góp phần giáo dục tư tưởng, chính trị, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Toan canh Hoi nghi

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo 8 ban tuyên giáo tỉnh, thành ủy các tỉnh phía Bắc đã phát biểu tham luận. Các tham luận tập trung đánh giá thực trạng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW năm 2002 đến nay và thống nhất đề nghị:

Một là, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh sớm có hướng dẫn các địa phương, ngành tổ chức công tác tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư; Đồng thời chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền nhằm phát huy tác dụng của các công trình lịch sử đảng bộ các địa phương, các ngành, các cấp.

Hai là, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các tỉnh, thành ủy có kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng; hướng dẫn quy trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định lịch sử đảng bộ.

Ba là, Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở các cấp, có chế độ, chính sách động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử (thẩm định tài liệu, bồi dưỡng chế độ phụ cấp độc hại…).

Bốn là, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật chủ động phối hợp với các địa phương, ngành trong việc tổ chức biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ; nghiên cứu, đề xuất với Ban Bí thư có cơ chế hỗ trợ kinh phí xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp; rút ngắn thời gian ra sách nhưng vẫn bảo đảm chất lượng biên tập.

Năm là, để bảo đảm chất lượng biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, trong báo cáo tổng kết Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư, cần đề xuất Ban Bí thư giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật tổ chức, hướng dẫn công tác nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp, các ngành. Ở địa phương nên giao cho Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ địa phương; có quy định cụ thể về kinh phí cho công tác thẩm định để xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp, các ngành.

Nguyễn Thúy

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả