Tác giả: Tiến sĩ Mai Thị Thanh
Số trang: 248 trang
Giá tiền: 35.000đ
Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi hình thức nhà nước cho thích hợp, chúng ta đã nhận thức được rằng nhà nước pháp quyền là mô hình nhà nước chứa đựng nhiều giá trị phổ biến, là hình thức nhà nước có khả năng thực hiện tốt nhất dân chủ. Nhận thức được điều đó, Đảng đã chủ trương đổi mới Nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền. Đó là một bước đột phá trong đổi mới tư duy chính trị của Đảng, đồng thời cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới Nhà nước ở nước ta.
Khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng, đó là cơ sở quan trọng cho việc đổi mới Nhà nước ở nước ta hiện nay, Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra :“Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.” Sau 25 năm đổi mới, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta thời gian qua, đã và đang xuất hiện những vấn đề hết sức phức tạp cần phải làm sáng tỏ và nỗ lực cao mới có thể giải quyết được. Do đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vẫn là nhiệm vụ đã và đang đăt ra trước đất nước.
Nội dung cuốn sách còn đề xuất, phân tích ba phương hướng cần quán triệt trong quá trình xây dựng Nhà nước dưới hình thức nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà nước đảm bảo sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong đều kiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước làm cơ sở xã hội vững chắc cho nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đào Nga My