Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”

Ngày đăng: 29/08/2024 - 23:08

Chiều 28/8/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”. Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản". Trong đó, “đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu ra trong Chỉ thị số 42-CT/TW. Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết tham luận, trong đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn 68 bài viết có chất lượng của lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn để đăng kỷ yếu Hội thảo.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo đề dẫn Hội thảo.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo đề dẫn Hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các ban, bộ, ngành, ở Trung ương và địa phương, các cơ quan xuất bản, in, phát hành trao đổi, nghiên cứu, thảo luận nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay; làm rõ những vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới. PGS.TS. Vũ Trọng Lâm đề nghị, với sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thông tin, các bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và nhiều giải pháp mới, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó tập trung thảo luận, làm rõ 3 vấn đề chủ yếu: Cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ các thành tựu, hạn chế và phân tích nguyên nhân, làm rõ những vấn đề đặt ra; đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. 

Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu. Dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau các bài tham luận đã luận giải, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn, thể hiện tầm nhìn rộng và chiều sâu tư duy, đồng thời, đã đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục hoàn thiện về lý luận, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam. Nhận định chung của nhiều đại biểu là: Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản tại Việt Nam cần phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới. Bởi lẽ, sự tồn tại và phát triển của ngành, nhất là khi ngành xuất bản vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc, vừa phải thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết Hội thảo.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, ý kiến của các nhà khoa học và các đại biểu sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần định hướng cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo sẽ là cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các cơ quan, ban, ngành đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, đồng thời xây dựng đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý, cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực xuất bản nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả