Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”

Ngày đăng: 15/01/2025 - 23:01

Chiều 15/01/2025, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Hội thảo. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố; nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, nhà khoa học, nhà quản lý.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, văn hóa trong Đảng là sự tổng hòa các giá trị truyền thống, tư tưởng, đạo đức, quy tắc, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc, cách thức vận hành, hành vi ứng xử của tổ chức Đảng và các đảng viên trong hoạt động lãnh đạo, trong tổ chức và sinh hoạt của Đảng.

Văn hóa trong Đảng là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - tư tưởng của Đảng; là yếu tố để củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng. Xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò hệ trọng, quyết định đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Đồng thời, hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền. Cùng với đó, giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Văn hóa trong Đảng còn là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng, văn hóa trong Đảng với vai trò là hồn cốt, sự kết tinh sâu sắc của văn hóa chính trị Việt Nam còn có vai trò định hướng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp từ trong Đảng ra toàn hệ thống chính trị và xã hội, góp phần để văn hóa thật sự trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vai trò của văn hóa trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nơi, có lúc chưa được coi trọng và phát huy đúng mức. Nội dung, phương thức xây dựng văn hóa trong Đảng chưa được chú trọng xứng tầm. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng văn hóa trong Đảng lại càng trở nên quan trọng, là nhiệm khó khăn hơn, liên quan đến nhiều chủ thể, với nhiều nội dung mới, nhiều khía cạnh khác nhau.

Trong đó, cần tiếp tục xây dựng, gìn giữ và phát huy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn trong mọi hoạt động của các tổ chức đảng, trong nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên, trong mối quan hệ ứng xử tốt đẹp giữa những người đồng chí và giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, tạo sức ảnh hưởng sâu rộng của Đảng đối với toàn xã hội. Đặc biệt là gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng văn hóa trong Đảng với xây dựng văn hóa chính trị; giữa xây dựng văn hóa trong Đảng với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Hội thảo.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tham luận tại Hội thảo.

GS.TS. Mạch Quang Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Thiếu tướng, PGS.TS.NGND. Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phụ trách Nhóm Chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 90 tham luận, phản ánh sự quan tâm, đóng góp trí tuệ của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới hiện nay. Cụ thể, nhìn lại các chặng đường lịch sử qua 95 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong đó có 40 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, làm rõ cơ sở khoa học để thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa trong Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa chính trị và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng thời, tổng kết, đánh giá những nhiệm vụ cụ thể trong việc triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng, chỉ ra được những thành tựu quan trọng và cả những hạn chế, bất cập; khoảng cách giữa việc xây dựng, tuyên truyền các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong Đảng với việc thực hành của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị mục tiêu, phương hướng và cách thức xây dựng văn hóa trong Đảng phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt là đổi mới cách thức xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng, văn hóa chính trị...

Cùng với đó là tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa “xây” và “chống”; phát huy tính chủ động sáng tạo gắn với phân cấp, phân quyền. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Đảng...

Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị; tinh thần nghiêm túc, khoa học, tâm huyết của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Hội thảo thực sự là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề lý luận và thực tiễn; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền toàn diện và sâu sắc hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc và của Đảng; về vị trí, vai trò, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định rõ, xây dựng văn hóa trong Đảng là sự nghiệp của Đảng, là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên; có ý nghĩa căn bản, cấp thiết, cần phải được triển khai đồng bộ, khoa học, thường xuyên, liên tục.

Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thi, kết luận, văn bản của Đảng liên quan đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng. Thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng và thực hành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên…

Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp trong triển khai xây dựng văn hóa trong Đảng. Thu hút sự tham gia, đóng góp hiệu quả hơn nữa của nhân dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong công tác xây dựng văn hóa trong Đảng…

Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa trong Đảng, về công tác xây dựng văn hóa trong Đảng. Kịp thời biểu dương những mô hình tốt, cách làm hay và phê phán những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng, của từng đảng viên…

Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại. Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đảng chính trị trên thế giới về xây dựng văn hóa chính trị để chắt lọc, ứng dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả