Đời sống mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã gắn chặt với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam đều sáng ngời những tư tưởng của Người. Cũng như ở các lĩnh vực khác, trong quá trình kiến tạo đời sống văn hoá mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giữ một vai trò đặc biệt to lớn. Người không chỉ vạch ra đường lối có tính chiến lược mà còn chỉ đạo việc thực hiện và chính Người là hiện thân của đường lối ấy. Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cùng với việc viết tác phẩm Sửa đối lối làm việc, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Đời sống mới. Ngày nay trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư hiện nay nói riêng, thì tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn.
Tác phẩm được ra đời nhằm giáo dục cho cán bộ, Nhân dân nếp sống mới, yêu nước, cần kiệm liêm chính, đồng thời bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu cũng như các thói hư tật xấu. Cuốn sách được trình bày dưới dạng hỏi đáp, với cách đặt vấn đề và giải thích vấn đề mang tính thiết thực, lối viết vắn tắt, rõ ràng, dễ hiểu, đã nêu lên được sự cần thiết phải xây dựng đời sống mới, cũng như nội dung, cách thức tiến hành và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xây dựng đời sống mới.
Ngay trong lời tựa cuốn sách, Người đã lý giải vì sao phải viết tác phẩm này, đồng thời đánh giá tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hành đời sống mới. Người đã viết: "Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Anh Tân Sinh viết quyển Đời sống mới một cách vắn tắt, rõ ràng, thiết thực, dễ hiểu. Đó là một quyển sách nhỏ, chỉ rõ bước đường đời sống mới. Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới. Như thế, chúng ta nhất định sẽ tiến bộ hơn". Từ đó, hàng loạt các câu hỏi và vấn đề như: sao lại gọi là đời sống mới, đời sống mới bắt đầu từ đâu, đời sống mới và việc tăng gia sản xuất có quan hệ với nhau như thế nào, đời sống mới trong một nhà, một làng, trường học là thế nào,... đã được Người trình bày, giải thích một cách cụ thể, rõ ràng.
Theo Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống mới phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất nhưng cũng đơn giản nhất mà mọi người đều phải thực hành. Và thực hành đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính. Cần, kiệm, liêm, chính như cách trình bày của Người trong tác phẩm không phải là cái gì xa lạ, không khó khăn. Nếu mỗi người đều cố gắng sẽ thực hiện được một cách hiệu quả. Nói về đạo đức mới, Người giải thích rằng không phải là gạt bỏ mọi cái cũ mà phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách... Thực hành đời sống mới là công việc của mọi người dân, bắt đầu từ cội nguồn là mỗi người, gia đình, làng xã. Trong tác phẩm, Người cũng dành một phần nói về văn hóa gia đình. Trong gia đình, thực hiện đời sống mới thì trên thuận, dưới hòa, bình đẳng, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, không thiên tư, thiên ái; về vật chất từ ăn mặc, đến việc làm đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp; cưới hỏi, giỗ, tết nên đơn giản tiết kiệm; quan tâm tới con cái, đến việc tu dưỡng học hành, kỷ cương nền nếp; giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng.
Để Nhân dân nhận thức đúng và thực hành tốt đời sống mới, theo Người, cần coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, mà cách tốt nhất là "miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước".
70 năm đã qua đi nhưng những lời dạy của Người trong tác phẩm Đời sống mới vẫn còn nguyên vẹn giá trị và ý nghĩa to lớn của nó. Đặc biệt khi đất nước đang đứng trước nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đọc tác phẩm Đời sống mới, chúng ta lại có dịp ôn lại những bài học của Bác Hồ về xây dựng đời sống mới. Đó cũng là cách trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sống dậy tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới hôm nay. Từ đó góp phần to lớn vào quá trình xây dựng một đất nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y