Khảo sát tình hình thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn tại tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư về việc tiếp tục triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2015, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan có liên quan tổ chức đoàn khảo sát thực tế tìm hiểu nhu cầu sách ở cơ sở và tình hình quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án tại tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng, từ ngày 31-3 đến ngày 4-4-2015. Đoàn khảo sát do đồng chí Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Trưởng Ban Tổ chức thực hiện Đề án làm trưởng đoàn.
Tại tỉnh Hưng Yên, Đoàn công tác đã có các buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy Phù Cừ và Thành ủy Hưng Yên; trực tiếp khảo sát việc tiếp nhận, quản lý, khai thác sử dụng sách và các tài liệu được cấp phát tại một số xã, phường: xã Đình Cao (huyện Phù Cừ), xã Bảo Khê và phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên). Trong quá trình khảo sát, Đoàn đã đến thăm mô hình thư viện gia đình ông Bùi Đình Thăng, thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ.
Đoàn khảo sát làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên
Triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, từ năm 2011 đến nay,10 huyện, thành phố của tỉnh Hưng Yên đã nhận đầy đủ số sách trang bị theo Đề án với tổng số trên 80 nghìn đầu sách. Căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 211/QĐ-TU ngày 21-6-2011 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng sách trang bị cho cơ sở; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có công văn hướng dẫn các huyện, Thành ủy chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả sách trang bị cho cơ sở, bảo đảm đúng mục đích. Các xã, phường, thị trấn đã bố trí tủ sách, phòng đọc, phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng để phát huy hiệu quả sách, tài liệu của Đề án.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 01 thư viện cấp tỉnh với gần 13 vạn đầu sách, 170 loại báo chí; 10 thư viện huyện, thành phố với trên 5 vạn đầu sách, trung bình có 13 loại báo chí, mỗi năm thu hút khoảng 4 vạn lượt người đọc; có 5 thư viện xã (xã Long Hưng, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang; xã Phú Thịnh, xã Nhân La, huyện Kim Động; xã An Vĩ, huyện Khoái Châu); 161/161 xã, phường, thị trấn có tủ sách; 760 thư viện, tủ sách thôn, làng, khu phố; 02 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, gồm: thư viện gia đình ông Bùi Đình Thăng (thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ) với trên một vạn đầu sách, báo, tạp chí; thư viện gia đình ông Luyện Ngọc Thanh (thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ). Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã hỗ trợ tích cực, có hiệu quả cho hoạt động của nhiều thư viện, tủ sách, thu hút nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đến khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu kiến thức...
Đồng chí Trần Quốc Dân , Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, tặng sách cho thư viện gia đình ông Bùi Đình Thăng
Tại thành phố Hải Phòng, Đoàn khảo sát đã làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Huyện ủy Kiến Thụy và trực tiếp khảo sát tại xã Đoàn Xá; trao đổi thảo luận về việc tiếp nhận, quản lý, khai thác sử dụng sách của Đề án với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Huyện ủy quận Hồng Bàng, phường Dư Hàng Kênh và phường Minh Khai.
Đoàn khảo sát làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng
Theo báo cáo của của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, 15 quận, huyện, thành phố đã nhận đầy đủ số sách trang bị theo Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn với tổng số trên 113 nghìn đầu sách. Để quản lý, sử dụng sách của Để án, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã có Hướng dẫn số 14-HD/BTG ngày 25-8-2011 về việc quản lý và sử dụng sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hải Phòng khi tiếp nhận sách của Đề án đều bố trí tủ sách, phòng đọc sách, phân công cán bộ quản lý, đưa tiêu chí này vào nội dung thi đua hằng năm và bình xét khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ; chỉ đạo xây dựng và ban hành nội quy khai thác, sử dụng sách theo quy định của Nhà nước về quản lý tài sản công. Nhiều xã, phường, thị trấn quan tâm trích nguồn ngân sách kết hợp huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị cho phòng đọc, mua bổ sung thêm sách, báo.
Kiểm tra thực tế việc quản lý, khai thác sử dụng sách của Đề án tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng
Tại các cuộc làm việc ở tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng, các ý kiến đều đánh giá sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn có nội dung phù hợp, rất thiết thực đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần hỗ trợ cho nhiều thư viện, tủ sách hoạt động tốt, thu hút nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đến khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu kiến thức để áp dụng trong thực tiễn quản lý, tổ chức sản xuất và đời sống,... Những ý kiến phát biểu cũng như báo cáo của các địa phương được khảo sát đều thống nhất kiến nghị Ban Bí thư tiếp tục triển khai Đề án và tăng số lượng sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn; đề nghị Hội đồng chỉ đạo, Ban Tổ chức Đề án cần trang bị thêm các đầu sách về đề tài xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, công tác mặt trận, đoàn thể; sách phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giới thiệu những mô hình làm kinh tế giỏi ở nông thôn; sách dành cho chi bộ phục vụ công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết và học tập nghị quyết, giải đáp chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
Đoàn khảo sát đã trao đổi thống nhất với lãnh đạo các địa phương về các biện pháp nhằm rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án. Để bảo đảm Đề án được thực hiện có hiệu quả, các xã, phường, thị trấn cần làm tốt hơn việc niêm yết các đầu sách tại các thôn, xã để nhân dân có nhu cầu tìm đọc tại thư viện xã, phường, thị trấn; có cách làm mới nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đọc sách, qua đó cập nhật các thông tin mới nhất về các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước trên từng lĩnh vực, nâng cao nhận thức của người dân thông qua việc đọc sách.
Qua chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Hưng Yên và thành phố Hải Phòng, Đoàn đã tìm hiểu, nắm bắt cụ thể hơn về nhu cầu đọc sách của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở cũng như tình hình quản lý, khai thác sử dụng sách của Đề án, từ đó tham mưu cho Hội đồng chỉ đạo Đề án lựa chọn những đề tài sách phù hợp, đổi mới trong biên soạn nội dung, hình thức trình bày, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đề án cũng như các biện pháp trong công tác quản lý, khai thác sử dụng sách ở các địa phương.
P.V
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và gặp mặt trước khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ
- Công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật