Khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc từ Đại thắng mùa Xuân 1975 - Tiếng vọng từ các diễn đàn trí tuệ trẻ
Những ngày tháng Tư lịch sử này, khắp nơi trên cả nước vang dậy hai tiếng “tự hào”, “yêu nước”, tất cả đều hướng về Thành phố Hồ Chí Minh, nơi vào mùa Xuân năm 1975, sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng đã được nhân dân ta phát huy cao độ để rồi làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX. Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức xuất bản và cho ra mắt bạn đọc hơn 20 ấn phẩm về chủ đề này; đồng thời tổ chức, phối hợp với các học viện, trường đại học trên địa bàn Hà Nội tổ chức các buổi tọa đàm giao lưu, thiết thực cùng cả nước ôn lại truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân ta. Các buổi tọa đàm không chỉ là nơi ôn lại lịch sử mà còn là không gian lan tỏa cảm hứng, khơi dậy lòng yêu nước và lý tưởng sống cao đẹp trong thế hệ trẻ hôm nay.
Diễn đàn kết nối giữa lịch sử và khát vọng hiện tại
Tọa đàm - diễn đàn truyền lửa cho khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.
Chiều 21/4/2025, tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, buổi Tọa đàm với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với nhà trường tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Đại diện Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tặng hoa tri ân các vị khách mời đã tham gia buổi Tọa đàm ngày 21/4/2025.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: “Đây là dịp để mỗi sinh viên thấm nhuần tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của dân tộc, từ đó xây dựng lý tưởng sống vì cộng đồng, vì Tổ quốc”.
Không khí buổi Tọa đàm thêm phần xúc động khi những cựu chiến binh - những nhân chứng sống của lịch sử xuất hiện và chia sẻ trực tiếp. Những câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Đại tá Lê Hạt, Đại tá Nguyễn Đức Nghinh, đặc biệt là của Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên - người trinh sát vẽ bản đồ trận Xuân Lộc đã mở ra trước mắt thế hệ trẻ một thế giới chân thực và cảm động của chiến tranh cách mạng, nơi mà lòng quả cảm và trí tuệ dân tộc hòa quyện tạo nên thắng lợi vang dội.
Những tấm bản đồ vẽ tay tỉ mỉ, những phút giây cận kề cái chết, sự kiên cường và tình đồng đội sâu sắc, tất cả được kể lại bằng những câu chuyện, những kỷ niệm, hồi ức của những nhân chứng lịch sử đã may mắn trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn còn nguyên sức nặng của sự thật lịch sử. Qua đó, thế hệ sinh viên hôm nay không chỉ hiểu về chiến tranh, mà còn cảm được trách nhiệm và sứ mệnh của chính mình trong thời đại hòa bình.
Sáng 23/4/2025, không khí hào hùng, xúc động ấy lại một lần nữa vang lên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Buổi tọa đàm lần này tiếp tục chứng kiến sự hội tụ của các tướng lĩnh, những nhân chứng lịch sử mùa Xuân 1975 và hàng trăm sinh viên - những người mang trong mình khát vọng nối tiếp niềm tin từ lịch sử cách mạng dân tộc.
Tại Tọa đàm, PGS.TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhấn mạnh: “Hiểu đúng và trân trọng những giá trị lịch sử vĩ đại của dân tộc chính là nền tảng để thế hệ trẻ nuôi dưỡng bản lĩnh, lý tưởng và trách nhiệm công dân”.
Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trao tặng PGS.TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền và TS. Đàm Duy Thiên cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Gia đình, bạn bè và đất nước”, tại Tọa đàm ngày 23/4/2025.
Tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ loạt ấn phẩm có giá trị mà Nhà xuất bản ra mắt bạn đọc nhân dịp này nhằm đóng góp vào niềm vui chung của cả nước. Đồng chí nhắc tới một số cuốn sách đang được đông đảo bạn đọc quan tâm như: Đại thắng mùa Xuân 1975 - Bản hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh; Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa; Về đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn; Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm - Mỹ và số phận Nam Việt Nam… Đặc biệt, cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hay cuốn Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm là những ấn phẩm được rất nhiều bạn trẻ tìm đọc, đã được xuất bản với số lượng “kỷ lục”. Đây là cơ hội để sinh viên và bạn trẻ tiếp cận nguồn tư liệu sống động, hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, độc lập và trách nhiệm dựng xây đất nước hôm nay.
Đặc biệt, sự có mặt của các cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một không khí vừa trang nghiêm, vừa gần gũi. Những ký ức về chiến trận Xuân Lộc - “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn - và vai trò của công tác trinh sát bản đồ đã được khắc họa sinh động qua lời kể của Tiến sĩ Đàm Duy Thiên, mang lại cảm xúc đặc biệt cho đông đảo sinh viên dự Tọa đàm.
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông và Tiến sĩ Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giao lưu, trao đổi tại Tọa đàm, ngày 25/4/2025.
Chiều 25/4/2025, tại Hà Nội, chương trình Tọa đàm “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa” được tổ chức tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Cuốn sách được Nhà xuất bản phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông xuất bản lần đầu năm 2019, tái bản năm 2022. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản quyết định xuất bản lần thứ ba cuốn sách hấp dẫn này.
Tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận định, bên cạnh các sự kiện, nhân chứng lịch sử đã từng tham gia cuộc chiến, những tư liệu, tài liệu tuyệt mật, hồ sơ của Lầu Năm Góc, tài liệu lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ… về sự can dự chính trị - quân sự của Mỹ ở Việt Nam là những nội dung rất thu hút độc giả yêu thích tìm hiểu về lịch sử thế giới hiện đại. “Cuốn sách công bố những tư liệu có giá trị đặc biệt, giúp người đọc hiểu rõ hơn về diễn biến chính trị, quân sự phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”, đồng chí Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản cho biết.
Những câu chuyện truyền lửa
Tại các buổi tọa đàm, đại biểu, cán bộ, viên chức, người lao động Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, các thầy cô giáo, các bạn sinh viên và bạn đọc yêu sách tại các trường đại học, học viện đã cùng giao lưu, trải qua những phút giây vô cùng xúc động, đáng nhớ với những vị khách mời của chương trình. Họ là những tướng lĩnh, cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia các chiến dịch quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người nghiên cứu, am hiểu lịch sử, đại diện cho đơn vị tổ chức bản thảo các cuốn sách và lãnh đạo Nhà xuất bản, đơn vị có rất nhiều ấn phẩm hay, giá trị cung cấp nguồn tài liệu tham khảo cho bạn đọc trong dịp này. Đó là: Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Phó Chánh Văn phòng, Quân ủy Trung ương; Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát, người làm công tác đồ bản thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341-Sông Lam, nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ 4 Ban Tổ chức Trung ương; Đại tá Lê Hạt, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương, Học viện Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Đức Nghinh, Cựu chiến binh Sư đoàn 341; Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông; Tiến sĩ Nguyễn Công Dũng, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Qua đó, cán bộ Nhà xuất bản, giảng viên, sinh viên các học viện, nhà trường hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975, giúp họ tìm hiểu lịch sử, học lịch sử bằng hình thức sống động, không chỉ qua những con chữ mà còn qua những câu chuyện, kỷ niệm được khắc sâu trong trái tim và ký ức của những nhân chứng sống bước ra từ một thời hoa lửa. Từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp trong mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Trong các buổi tọa đàm, có một vị khách mời đặc biệt đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về một trong những công tác quan trọng góp phần giúp chúng ta giành chiến thắng trong các trận chiến - công tác vẽ đồ bản. Ông là cựu chiến binh Đàm Duy Thiên - nguyên chiến sĩ trinh sát, làm công tác vẽ đồ bản thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 - Sông Lam - người đã vẽ tấm bản đồ tác chiến giúp quân ta “mở cánh cửa thép” phòng tuyến Xuân Lộc, mở đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định năm 1975. Bằng những câu chuyện, những hồi ức xúc động và chân thực, ông đã đưa người nghe trở về những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi từng nét vẽ trên bản đồ có thể định đoạt sự sống còn của hàng nghìn chiến sĩ.
Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”, tổ chức ngày 21/4/2025 tại Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.
Ông Đàm Duy Thiên nhập ngũ cuối năm 1972 khi mới 17 tuổi, mang theo hành trang là lòng yêu nước và năng khiếu hội họa. Nhờ trí nhớ tốt và khả năng ghi nhận địa hình xuất sắc, ông được giao trọng trách vẽ bản đồ chiến thuật, đặc biệt là trong trận đánh then chốt tại Xuân Lộc - “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn.
Tại Tọa đàm ở Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, ông chia sẻ: “Sai một ly trên bản đồ, ngoài thực địa có thể lạc 12 km. Nét vẽ của tôi là sinh mạng của đồng đội”. Bản đồ ông vẽ đã giúp chỉ huy Trung đoàn 266 xác định chính xác từng hướng tấn công, góp phần làm nên thắng lợi quyết định tại Xuân Lộc, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Còn tại buổi giao lưu ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên chia sẻ thêm từ những ngày hành quân xuyên Trường Sơn với thể lực gầy gò chỉ 40kg, đến những đêm thức trắng vẽ bản đồ dưới hầm tránh bom, bằng ánh sáng leo lắt của đèn pin. “Đi là xác định hy sinh, nhưng điều lo nhất là không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ ảnh hưởng đến cả đơn vị”, ông Thiên nhớ lại.
Tham dự với vị trí là khách mời của chương trình Tọa đàm “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa”, Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất chính là độc lập, tự do - không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đó không chỉ là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là tinh thần xuyên suốt của cả dân tộc Việt Nam, của Đảng ta, được hun đúc qua bao thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Tinh thần ấy đã trở thành khẩu hiệu thiêng liêng, ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Mỗi khi đất nước gặp hiểm nguy hay biến cố, tinh thần yêu nước ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đó là truyền thống quý báu có thể đẩy lùi mọi thế lực xâm lược và phản bội. Vì vậy, tôi tin rằng: không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Nhịp cầu nối giữa các thế hệ
Trong không khí trang nghiêm nhưng đầy cảm xúc của các buổi tọa đàm, niềm tự hào dân tộc như lan tỏa khắp hội trường. Các vị khách mời, đại biểu và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên đã cùng nhau sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng - từ những trận đánh cam go, quyết liệt ở Xuân Lộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975. Những câu chuyện được chia sẻ không chỉ tái hiện lịch sử một cách chân thực, sống động, mà còn khiến lịch sử như “bước” ra khỏi trang sách giáo khoa, trở nên gần gũi, chạm đến trái tim người nghe. Qua từng lời kể của các nhân chứng lịch sử, các thế hệ đi sau không chỉ hiểu hơn về một thời kỳ kháng chiến gian khổ mà còn được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ tinh thần quật cường và lòng yêu nước bất diệt của cha ông.
Hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Nhịp cầu nối giữa các thế hệ.
TS. Vũ Hoài Phương, Giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ tình cảm trân trọng và đặt câu hỏi với các diễn giả tại buổi tọa đàm.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên.
Các buổi tọa đàm một lần nữa khẳng định tầm vóc lịch sử và giá trị trường tồn của Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 - mốc son chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Không chỉ là dịp để tri ân quá khứ, chuỗi hoạt động của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật còn góp phần khơi dậy trong thế hệ trẻ hôm nay ngọn lửa yêu nước, khát vọng vươn lên và tinh thần cống hiến, tiếp nối truyền thống cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất
- Giải mã những biên bản tuyệt mật tại Nhà Trắng: Hé lộ sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa dưới góc nhìn Mỹ
- Ngành Xuất bản, In và Phát hành tăng tốc chuyển đổi số, khắc phục hạn chế, xây dựng ngành kinh tế hiện đại
- Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản dự Lễ giới thiệu đợt thông tin đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Báo Nhân dân
- Đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ
- Tọa đàm “Đại thắng Mùa xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia triển lãm sách tại Đài Tiếng nói Việt Nam
- Sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến với bạn đọc qua các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư
- Hội thảo khoa học “50 năm nền văn học Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”
- Thắp sáng tri thức - Lan tỏa văn hóa đọc vì một xã hội học tập suốt đời
- Trao tặng cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” tới tác giả - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
- Công an nhân dân phát triển văn hóa đọc và đẩy mạnh học tập suốt đời trong kỷ nguyên số