Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất
Sáng 25/4/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: BTC
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội; các đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương: Phạm Tất Thắng, Ngô Đông Hải, Lê Quốc Minh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; đại diện các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương…
PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (đầu hàng thứ 2) và các đại biểu dự Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có các đồng chí: PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập; TS. Võ Văn Bé, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập.
Tại Hội nghị, các tham luận đã tập trung khẳng định những thành tựu nổi bật của văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, đồng thời đề xuất nhiều chủ trương, chính sách mang tính chiến lược nhằm phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Hội nghị ghi nhận VHNT Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc trong bối cảnh đất nước đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
Thông qua tham luận, các đại biểu nhấn mạnh, trong nửa thế kỷ qua, VHNT Việt Nam đã nhập cuộc, đồng hành cùng dân tộc trong bước chuyển mình, tạo nên tiếng nói, sức mạnh, động viên và dự báo cho sự phát triển. Bối cảnh đó đã tác động sâu sắc đến thực tiễn sáng tạo của văn nghệ sĩ, thúc đẩy VHNT Việt Nam từng bước tiếp cận với các xu hướng tiến bộ của VHNT thế giới, đi sâu vào hiện đại hóa, đạt được những kết quả bước đầu đáng quý.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương bày tỏ sự trân trọng các thế hệ văn nghệ sĩ, đội ngũ làm công tác VHNT cả nước đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền VHNT Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc và trong suốt 50 năm qua.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: BTC
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: 50 năm sau ngày non sông thu về một mối, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã không ngừng phát triển, đổi mới và hội nhập. Văn học, nghệ thuật thực sự là một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc, là nguồn động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các tổ chức hội thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội VHNT ở Trung ương và địa phương, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. “Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang với Tổ quốc và nhân dân bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm, để ươm trồng hạt giống về cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm VHNT chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; mở cánh cửa tương lai tươi sáng của cả dân tộc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan Triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc”. Ảnh: BTC
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương về vị trí, vai trò của VHNT trong sự nghiệp phát triển đất nước. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao cả về nội dung và nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cuốn sách “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
* Cuốn sách 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025): Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển là công trình khoa học có giá trị tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tiến trình phát triển của VHNT Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, kể từ thời điểm đất nước hoàn toàn thống nhất.
Nội dung cuốn sách tập trung phân tích những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực như: văn học, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc..., đồng thời chỉ ra những hạn chế tồn tại và những vấn đề lý luận - thực tiễn đang đặt ra. Bên cạnh việc nhìn lại chặng đường phát triển, cuốn sách còn đưa ra các định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy VHNT phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời kỳ mới gắn với công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với cách tiếp cận toàn diện, đa chiều cùng sự tham gia đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà lý luận và văn nghệ sĩ có uy tín, cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác hoạch định chính sách, nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực VHNT.
Cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1: Bối cảnh lịch sử tác động đến nền VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước.
Phần 2: Thực trạng nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước.
Phần 3: Những vấn đề đặt ra, nhiệm vụ và giải pháp phát triển VHNT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các bài viết trong cuốn sách được lựa chọn từ các tham luận trong Hội thảo khoa học quốc gia “50 năm nền văn học Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”.
Với tinh thần nhìn lại để vững bước đi lên, Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước là dịp để tôn vinh các giá trị truyền thống, đồng thời khơi dậy khát vọng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Giải mã những biên bản tuyệt mật tại Nhà Trắng: Hé lộ sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa dưới góc nhìn Mỹ
- Ngành Xuất bản, In và Phát hành tăng tốc chuyển đổi số, khắc phục hạn chế, xây dựng ngành kinh tế hiện đại
- Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản dự Lễ giới thiệu đợt thông tin đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Báo Nhân dân
- Đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ
- Tọa đàm “Đại thắng Mùa xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia triển lãm sách tại Đài Tiếng nói Việt Nam
- Sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến với bạn đọc qua các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư
- Hội thảo khoa học “50 năm nền văn học Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”
- Thắp sáng tri thức - Lan tỏa văn hóa đọc vì một xã hội học tập suốt đời
- Trao tặng cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” tới tác giả - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
- Công an nhân dân phát triển văn hóa đọc và đẩy mạnh học tập suốt đời trong kỷ nguyên số
- Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII