Lễ kỷ niệm 60 năm ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam
Sáng ngày 18-9-2012, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam. Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Bắc Son, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Vũ Ngọc Hoàng, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; lãnh đạo đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành, địa phương, đại sứ quán một số nước, hiệp hội, nhà xuất bản, công ty in, phát hành sách, các cán bộ lão thành ngành xuất bản - in - phát hành… Đồng chí Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tham dự buổi Lễ.
Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng bức trướng của Ban Bí thư cho đại diện lãnh đạo ngành xuất bản - in - phát hành sách Việt Nam
Tại buổi Lễ, đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đọc diễn văn kỷ niệm ôn lại truyền thống ngành xuất bản - in - phát hành. Trải qua 60 năm, bằng các mốc thời gian đánh dấu sự phát triển của ngành, ngành xuất bản đã vững bước phát triển, phục vụ sự nghiệp tư tưởng văn hóa của cả nước: thời kỳ thứ nhất (1952-1975), thời kỳ thứ hai (1976-1985), thời kỳ thứ ba (1986-2001) và thời kỳ thứ tư (2002-2012). Thời kỳ 2002-2012 là thời kỳ phát triển vượt bậc của ngành xuất bản. Các xuất bản phẩm đã phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, làm giàu thêm các giá trị văn hóa của Việt Nam. Từ những tổ chức nhỏ bé ban đầu ở chiến khu Việt Bắc, hiện nay cả nước đã có 64 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in và khoảng 13.700 nhà sách, hiệu sách, 119 công ty phát hành sách cấp tỉnh thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông, văn hóa, giáo dục, đào tạo, 75 công ty kinh doanh xuất bản phẩm. Sự phát triển nhanh về số lượng nhà sách, công ty phát hành sách trên phạm vi toàn quốc đã góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí về văn hóa đọc ngày càng đa dạng của xã hội. Trong thời kỳ này, toàn ngành đã xuất bản được 225.421 đầu sách với hơn 2,5 tỷ bản. Từ một quốc gia thiếu sách vào những năm 80 - 90 thế kỷ trước, Việt Nam đã vươn lên cung cấp đủ sách cho nhu cầu học tập, đáp ứng ngày càng tốt hơn văn hóa đọc đa dạng của nhân dân đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Trần Văn Phượng, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản đã phát biểu ôn lại những sự kiện đáng nhớ trong quá trình phát triển của ngành xuất bản - in - phát hành và đề nghị xây dựng một phòng truyền thống lưu trữ những kỷ vật của ngành... Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ đại diện cho thế hệ những người làm xuất bản - in - phát hành hiện nay đã phát biểu bày tỏ lòng tự hào trước truyền thống vẻ vang của ngành 60 năm qua và tri ân các thế hệ đi trước đồng thời xác định trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải kế thừa, phát huy truyền thống này…. Đồng chí Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản đã phát biểu tri ân các thế hệ đi trước và cam kết phấn đấu xây dựng ngành xuất bản - in - phát hành ngày càng phát triển.
Quang cảnh buổi Lễ
Tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Bắc Son thừa ủy quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng trao tặng bức trướng của Ban Bí thư cho đại diện lãnh đạo ngành xuất bản - in - phát hành.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đã chúc mừng những thành tựu đã đạt được của ngành xuất bản - in - phát hành trong suốt 60 năm qua. Đồng chí khẳng định: Đảng ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản, coi đây là lực lượng chủ lực và tiên phong trong công tác tư tưởng, tuyên truyền lý luận của Đảng. Trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế, ngành xuất bản đã thể hiện rõ vai trò quản lý Nhà nước của ngành trong việc quản lý, điều hành, chỉ đạo hoạt động xuất bản, in và phát hành phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động xuất bản, in, phát hành ngày càng phát triển trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Lan Hương
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và gặp mặt trước khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ
- Công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật