Lễ tổng kết công tác xuất bản và công bố các sản phẩm Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007)
Sáng 19-10-2012, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức Lễ tổng kết công tác xuất bản và công bố các sản phẩm của Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007). Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí UKhăn SengKeomyxay, Phó Đại sứ nước CHDCND Lào tại Việt Nam đã đến dự Lễ công bố. Dự buổi Lễ còn có các đồng chí: Đào Việt Hưng, Bộ trưởng Văn phòng Chủ tịch nước; Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; các thành viên Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, Hội đồng Biên soạn, Hội đồng Chỉ đạo biên tập - xuất bản, Hội đồng Biên tập - Xuất bản; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương…
Sau hơn 4 năm khẩn trương triển khai thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào về hợp tác nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư của hai Đảng cùng với sự lao động miệt mài, nghiêm túc và đóng góp tích cực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các thế hệ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào…, đến nay, công trình khoa học có giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử quan trọng này đã hoàn thành và ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012. Công trình đã được Bộ Chính trị hai Đảng phê duyệt, cho phép xuất bản bằng 3 thứ tiếng: Việt, Lào, Anh, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng, gìn giữ hòa bình của hai nước và phục vụ bạn đọc trên thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm của Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007)
Có thể khẳng định rằng, đây là công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tương xứng với tầm vóc lớn lao của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; là công trình đồ sộ, được nghiên cứu, biên soạn công phu, nghiêm túc, quy tụ một lực lượng đông đảo các nhà khoa học, quản lý, nhân chứng lịch sử của hai nước với nguồn tư liệu to lớn, đa dạng, được khai thác từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có nhiều tư liệu lần đầu tiên được công bố.
Công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007) gồm 6 sản phẩm: Sản phẩm chính; Văn kiện (5 tập); Biên niên sự kiện (2 tập); Hồi ký (3 tập); Sách ảnh và bộ phim Bản anh hùng ca quan hệ Việt - Lào, phản ánh sâu sắc, sinh động, phong phú mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực cố gắng của hai Ban Chỉ đạo, các ban biên soạn, các bộ, ban, ngành, cơ quan có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, thành viên tham gia Dự án của cả hai nước Việt Nam, Lào. Đồng chí nhận định, việc hoàn thành công tác biên soạn, xuất bản toàn bộ công trình là một thành công lớn, một dấu mốc quan trọng. Đề cập nhiệm vụ hiện nay, đồng chí cho rằng, cần khai thác, phát huy các giá trị khoa học, lịch sử to lớn của công trình đồng thời phối hợp với bạn Lào tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng công trình, chuẩn bị cho việc tái bản sau này. Để làm được điều đó, đồng chí đề nghị các cơ quan chức năng của hai nước cần tập trung làm tốt 5 công việc:
Một là, tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung của công trình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước.
Hai là, đưa nội dung của công trình vào trong các chương trình giáo dục, đào tạo ở các cấp học, trường học, lớp học ở cả hai nước để giáo dục thế hệ trẻ.
Ba là, các cấp, các ngành, các địa phương nghiên cứu để giữ gìn, phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt ViệtNam- Lào trong hoạt động của ngành mình, cấp mình, địa phương mình.
Bốn là, nghiên cứu những nội dung thích hợp, tổ chức thông tin rộng rãi với bạn bè quốc tế về lịch sử quan hệ đặc biệt ViệtNam- Lào.
Năm là, phối hợp với các bạn Lào tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những sự kiện, nhân chứng lịch sử, những nội dung khoa học mới, chính xác hóa các sự kiện… để công trình được tái bản với chất lượng tốt hơn, hoàn chỉnh hơn.
P.V
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và gặp mặt trước khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ
- Công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật