Một tác phẩm có giá trị về văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại
Ngay sau khi thành lập (năm 1930) và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đặc biệt coi trọng phát triển văn hóa. Năm 1943, khi cuộc vận động chính trị và chuẩn bị đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc vào thời điểm cao trào và nóng bỏng nhất, Đảng đã cho ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Ba luận điểm nổi bật của bản Đề cương được trình bày súc tích nhưng hàm chứa giá trị khai phá mở đường, khẳng định tính nguyên tắc và trách nhiệm của Đảng đối với văn hóa, thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của Đảng ta. Đề cương nhấn mạnh: "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động; không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả"1. Hơn 85 năm qua, tư tưởng chiến lược đó đã được quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả. Nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung và làm phong phú thêm, trong đó có luận điểm cơ bản: "Văn hóa Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung"2. Tại Đại hội III của Đảng (năm 1960) luận điểm trên đã được điều chỉnh và phát triển thành "phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc" để làm rõ hơn đặc trưng tổng quát của nền văn hóa. Năm 1987, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (khóa VI) đã điều chỉnh lại thành "xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc" nhằm tô đậm và khắc sâu hơn tính dân tộc của văn hóa Việt Nam. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, cụm từ "văn hóa xã hội chủ nghĩa" đã được thay thế bằng "văn hóa tiên tiến" và giữ lại cụm từ "đậm đà bản sắc dân tộc". Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội"3, đồng thời cho thấy sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và là sự kế thừa khoa học Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và một số văn kiện khác.
Quang cảnh buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm Văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, cùng với sự phát triển về kinh tế; yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quá trình toàn cầu hóa, trong đó có toàn cầu hóa về văn hóa, đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trước yêu cầu đó, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) năm 2014 đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã kế thừa và phát triển những luận điểm đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và bổ sung những nhận thức mới về văn hóa, không chỉ đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn mà còn là những định hướng lớn, mang tính chiến lược lâu dài xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm tài liệu để tìm hiểu, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 85 năm qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Tuyển chọn các bài viết 1966-2014) của GS. TS. Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Cuốn sách có hai tập, gồm 736 bài viết bao quát thời gian từ năm 1966 đến 2014.
Tập I gồm 38 bài viết, được chia thành ba phần:
Phần thứ nhất: Văn hóa, văn học, nghệ thuật trong tầm nhìn Hồ Chí Minh và trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: tập trung phân tích những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa - văn nghệ; tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình Việt hóa các tư tưởng lớn của thế giới. Phần này, tác giả còn cố gắng làm rõ những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ, vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển văn hóa thời kỳ mới...
Phần thứ hai: Suy nghĩ từ thực tiễn vận động và phát triển văn hóa Việt Nam đương đại: tập trung luận bàn về xu thế vận động của văn hóa Việt Nam hiện nay; thực trạng và giải pháp về một số vấn đề bức xúc trong lối sống đạo đức... Trong phần này, tác giả còn có một số bài viết về văn hóa với thanh niên, thanh niên với văn hóa; văn hóa và văn hóa doanh nghiệp; vấn đề nuôi dưỡng, phát triển văn hóa nhân cách cho sinh viên...
Phần thứ ba: Một số vấn đề lý luận văn hóa, văn nghệ: đi sâu phân tích mối quan hệ biện chứng, nội sinh và ngoại sinh tạo thành sức mạnh của dân tộc và của sự phát triển; giữ gìn, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa; xây dựng môi trường văn hóa vì sự phát triển nhân cách và phẩm giá con người; vai trò của văn hóa văn nghệ trong phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên...
Tập II gồm 35 bài viết, cũng được chia thành ba phần:
Phần thứ nhất: Những vấn đề về văn học, nghệ thuật: quan điểm của một số nhà kinh điển như Mác, Lênin... về văn hóa, văn học, nghệ thuật; về tính quy luật trong sự phát triển của văn học, nghệ thuật; văn học nghệ thuật với hiện thực của đất nước hôm nay; về chủ thể của công việc bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học, nghệ thuật, v.v..
Phần thứ hai: Văn học với đề tài chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc: thông qua một số tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn nổi tiếng như Hòn đất của Anh Đức, "Một ánh cầu vồng" trong tiểu thuyết Dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn, Đất nước của Hữu Mai,... để làm rõ thêm về cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ và thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã viết nên bản anh hùng ca vĩ đại ca ngợi đất nước và con người Việt Nam.
Phần thứ ba: Một số vấn đề xuất bản - báo chí Việt Nam hiện nay: đề cập vai trò, thực trạng của hoạt động báo chí - xuất bản, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động báo chí - xuất bản trong giai đoạn hiện nay.
Để có được những bài viết trong cuốn sách này, tác giả đã dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết trong việc nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn văn hóa, văn học, nghệ thuật đương đại. Với khoảng 900 trang sách, tác giả đã phác họa bức tranh sinh động những vấn đề nóng bỏng, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật của đất nước trong gần 50 năm qua. Qua đó thể hiện sự trăn trở, tìm tòi, suy ngẫm và trách nhiệm của tác giả - vốn đã từng là người thầy đứng trên bục giảng, người lính, sĩ quan cao cấp trong quân đội, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa. Trên cương vị là người đã từng nhiều năm tham gia phụ trách công tác báo chí - xuất bản, tác giả đã có những đóng góp thiết thực đối với sự nghiệp phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà. Nhiều bài viết của GS. TS. Đinh Xuân Dũng hấp dẫn người đọc không chỉ do hàm chứa nội dung khúc chiết, luận chứng sâu sắc, mà còn do thông tin tư liệu phong phú và được chắt lọc, lối hành văn giản dị. Cuốn sách Văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Tuyển chọn các bài viết 1966-2014) (tập I và II) của GS. TS. Đinh Xuân Dũng thực sự bổ ích và có ý nghĩa thiết thực, cung cấp thêm tài liệu có giá trị trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.
TS. HOÀNG PHONG
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)
*****
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi (Văn kiện của Đảng về văn hóa), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 7, 89.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y