Tác giả: TS. Nguyễn Huy Động
Số trang: 224 trang
Giá tiền: 39.000
Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập của dân tộc ta, núi rừng Trường Sơn luôn giữ vai trò là địa bàn chiến lược quan trọng. Dựa vào thế núi rừng hiểm trở của Trường Sơn, dân tộc Việt Nam cùng một bộ phận nhân dân các bộ tộc của nước bạn Lào và Campuchia đã xây dựng thành căn cứ kháng chiến. Và cũng từ đó, nhiều lối mòn, con đường đã xuất hiện như những mạch máu lưu thông, vận chuyển sức người, sức của vào các hướng chiến trường của cả ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1945 -1954), các con đường giao liên men theo dãy Trường Sơn đã được hình thành, nối liền các khu căn cứ kháng chiến của ta trên cả ba miền Bắc- Trung- Nam, nối liền các khu căn cứ kháng chiến ở vùng Trung - Hạ - Lào và vùng Đông Bắc Campuchia, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc của ba nước Đông Dương, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đế quốc Mỹ đã hất cẳng thực dân Pháp, ra sức phá hoại Hiệp định, dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng đã thi hành các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng với các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt, mị dân, đi đến đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. Trước hành động điên cuồng của đế quốc Mỹ, nhân dân miền Nam đã kiên quyết đứng lên chống lại chúng. Con đường cách mạng cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, đòi hỏi miền Bắc phải chi viện cho miền Nam
Trước âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai muốn xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, Đảng ta chỉ đạo: « lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân ». Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam và đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm – tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng.
Trước yêu cầu cấp bách của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị quyết định xây dựng tuyến đường Trường Sơn thành căn cứ hậu cần, chỗ dựa trực tiếp cho chiến trường miền Nam và chiến trường các bạn Lào và Campuchia. Đó là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quyết tâm sắt đá của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là nhân tố hàng đầu, có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ đội Trường Sơn đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào xây dựng tuyến đường Trường Sơn. Với quyết tâm « xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước », bộ đội Trường Sơn đã không quản khó khăn, gian khổ, anh dũng mở đường, biến dãy Trường Sơn hùng vĩ thành một mạng đường chiến lược ngày càng mở rộng, vươn dài. Lúc đầu, tuyến đường Trường Sơn mới chỉ là những lối mòn, đường giao liên để vận chuyển vật tư, vũ khí bằng phương thức vận tải thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, sau này đã phát triển thành một hệ thống vận tải chiến lược, liên hoàn, bền vững, thông suốt bao gồm nhiều hệ thống trục dọc, trục ngang, trở thành hậu phương tại chỗ, thành căn cứ vững chắc của cách mạng nước ta và cách mạng Lào và cách mạng Campuchia.
Để giúp bạn đọc có một cái nhìn khái quát, toàn diện về vai trò của Đảng trong việc lãnh đạo xây dựng tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Đảng lãnh đạo xây dựng tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1959-1975 của TS. Nguyễn Huy Động. Cuốn sách đã trình bày tính tất yếu khách quan của việc xây dựng tuyến đường Trường Sơn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng nước ta; phân tích, luận giải, làm rõ chủ trương, sự chỉ đạo của Đảng trong xây dựng, củng cố, phát triển và phát huy vai trò của tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; rút ra những kinh nghiệm có giá trị tham khảo, vận dụng vào quá trình xây dựng tuyến đường Trường Sơn trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay.