Nghiệm thu cấp ban Đảng (cấp Bộ) Đề tài “Truyền thông giao lưu văn hóa với vấn đề bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa quốc gia”, mã số KHBĐ (2013)-26

Ngày đăng: 02/01/2014 - 14:01

Chiều 31-12-2013, tại trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức nghiệm thu cấp ban Đảng (cấp bộ) Đề tài “Truyền thông giao lưu văn hóa với vấn đề bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa quốc gia”, mã số KHBĐ (2013)-26 do TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật làm Chủ nhiệm. GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

IMG 8362

Tại buổi nghiệm thu, thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, TS. Vũ Trọng Lâm đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài, trong đó nêu rõ: Truyền thông giao lưu văn hóa là vấn đề cốt lõi cần được đặt ra đối với việc quản lý và phát triển các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại. Để thúc đẩy truyền thông giao lưu văn hóa mạnh mẽ trong giai đoạn mới, nhất là khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 về hội nhập quốc tế; nhằm tiếp thu hiệu quả tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nghiên cứu về vấn đề truyền thông giao lưu văn hóa hướng tới mục tiêu vì lợi ích, an ninh văn hóa quốc gia trở thành một vấn đề cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đề tài tập trung đánh giá thực trạng truyền thông giao lưu văn hóa với vấn đề bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển truyền thông giao lưu văn hóa với bảo vệ lợi ích, an ninh văn hóa quốc gia trong tình hình mới.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, đề tài gồm có 4 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về truyền thông giao lưu văn hóa, lợi ích văn hóa quốc gia và an ninh văn hóa quốc gia;

Chương 2: Kinh nghiệm của một số nước về truyền thông giao lưu văn hóa với vấn đề bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa quốc gia;

Chương 3: Thực trạng truyền thông giao lưu văn hóa với vấn đề bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa ở Việt Nam;

Chương 4: Phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển truyền thông giao lưu văn hóa gắn với bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa quốc gia.

Nhận xét về đề tài, các thành viên trong Hội đồng, đặc biệt là các phản biện đều đánh giá đây là một đề tài có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tính thực tiễn cao. Với những yêu cầu đặt ra, đề tài đã triển khai các nội dung đúng hướng. Kết quả nghiên cứu của đề tài thể hiện tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, công phu trong nghiên cứu khoa học của các tác giả. Đề tài sẽ là tài liệu học tập, tham khảo hữu ích đối với ai quan tâm đến vấn đề truyền thông giao lưu văn hóa gắn với bảo vệ lợi ích và an ninh văn hóa quốc gia. Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, GS. TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là một đề tài khó, được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc; nội dung và thể thức của đề tài đạt chất lượng tốt. Để đề tài được hoàn thiện hơn, Ban Chủ nhiệm cần tiếp thu, chỉnh sửa nội dung đề tài theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng như: cần phân tích sâu hơn kinh nghiệm một số nước về truyền thông giao lưu văn hóa; trình bày rõ hơn đặc điểm của truyền thông giao lưu văn hóa ở nước ta; chuẩn hóa các số liệu và điều chỉnh một số tiểu mục...

Hội đồng nghiệm thu cấp ban Đảng nhất trí đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc.

Nguyễn Thúy

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả