Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức quán triệt, góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày đăng: 16/03/2013 - 09:03

Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2012/QH13, ngày 23-11-2012 của Quốc hội về việc tổ chức góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Công văn số 146-CV/TW ngày 22-2-2013 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã xây dựng kế hoạch tổ chức góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hoi thao quan triet du thao su doi HP

Việc tổ chức góp ý trong Nhà xuất bản được tiến hành theo các bước sau: phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức Nhà xuất bản; tổ chức góp ý tại các đơn vị trong Nhà xuất bản; tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị trong Nhà xuất bản về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thực hiện kế hoạch trên, ngày 14-3-2013, Nhà xuất bản đã tổ chức Hội nghị quán triệt, góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan. GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, Thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới dự, báo cáo nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là những điểm mới của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, cũng như giải đáp, làm rõ những vấn đề mà cán bộ, công chức, viên chức Nhà xuất bản quan tâm.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hùng - Giám đốc, Tổng Biên tập đề nghị lãnh đạo các đơn vị và tất cả cán bộ, công chức, viên chức Nhà xuất bản nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Sau hội nghị này, Nhà xuất bản sẽ tổ chức họp lấy ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, viên chức trong từng đơn vị và thành lập tổ giúp việc để tổng hợp các ý kiến góp ý trình lãnh đạo Nhà xuất bản. Lãnh đạo Nhà xuất bản sẽ họp thông qua các ý kiến và gửi lên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Việc tổ chức góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, nhằm huy động trí tuệ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp, đồng thời phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của đất nước.

NAM PHONG 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả