Nhật ký Trường Sa (Kể về chuyến đi thăm Quần đảo Trường Sa của Đoàn cán bộ Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật)
Tháng 4 năm 2011
Đọc bảng thông báo ở cơ quan, nó thấy có đoàn đi Trường Sa nhưng không có tên mình. Buồn so! Không biết đến bao giờ mình mới được đi Trường Sa…
Cuối tháng 3 năm 2012
Anh Lâm - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập gọi điện hỏi: "Em có đi Trường Sa không?", nó vội vàng trả lời ngay, như thể nếu không nhanh sẽ mất quyền trả lời vậy: "Có ạ. Em có đi ạ".
Sau khi biết tin nó đi Trường Sa, ai cũng ái ngại, mọi người trong ban biên tập bảo: trông như cò hương thế kia, chưa ra đến biển đã bị sóng đánh bật vào bờ rồi, đi Trường Sa sao nổi; đi Trường Sa mệt lắm em ạ, say sóng khủng khiếp lắm, người bị vật lên, vật xuống, khoẻ như mấy người đi năm ngoái mà còn nằm bẹp lép như con gián; em thử ngồi lên ghế, nhờ người khác quay tít 100 vòng rồi bước xuống, nếu giữ được thăng bằng thì ok…
Nghe vậy, nó chỉ cười, nó biết đi sẽ say sóng, sẽ rất mệt, thậm chí sẽ sút cân (điều mà nó sợ nhất!) nhưng không gì ngăn cản nổi quyết tâm đi Trường Sa của nó. Nó vẫn hăm hở, háo hức chờ đợi.
Đài báo khu vực quần đảo Trường Sa đang có bão, sóng mạnh cấp 8, cấp 9… Nó dán mắt vào màn hình tivi mỗi khi đến chuyên mục dự báo thời tiết. Lạy trời, bão qua nhanh!
Đầu tháng 4 năm 2012
Anh Lâm báo tin, do điều kiện thời tiết nên thời gian xuất phát sẽ lùi lại vài ngày. Nó lo lắng, hy vọng là không vì cơn bão mà chuyến đi bị huỷ bỏ, mong chờ lắm… Trường Sa ơi!
Ngày 3 tháng 4 năm 2012
Nó cùng 5 người khác trong đoàn đáp chuyến bay từ Hà Nội vào thành phố Cam Ranh, Khánh Hoà. Lên máy bay nó mới thở phào nhẹ nhõm cho những lo lắng việc tạm dừng chuyến đi. Sau hơn một giờ bay, trước mắt nó hiện ra là cái nắng chang chang của miền Nam Trung Bộ, là những cồn cát trắng với những cây phi lao xanh ngút ngàn, là làn da rám nắng của những anh bộ đội hải quân nhiệt tình ra tận sân bay đón tiếp và cả màu xanh thăm thẳm, mát rượi của biển mênh mông. Với một người yêu biển mê đắm như nó, đây quả là những trải nghiệm thực sự ngọt ngào.
Đêm ngày 4 tháng 4 năm 2012
Sau bữa ăn tối đầu tiên trong Nhà khách Hải quân vùng 4, cả đoàn rủ nhau ra bờ biển ngồi chơi, đàn hát với mấy anh bộ đội cùng đoàn. Đêm trước rằm, trăng sáng vằng vặc. Có lẽ, chỉ ở những nơi biệt lập hẳn với ngọn đèn cao áp trong thành phố, ánh trăng mới thực sự có giá trị. Đẹp quá! Nó chỉ có thể thốt lên câu ấy và say sưa thả hồn, uống từng ngụm cảm xúc ngọt ngào mà trăng, mà biển ban tặng cho nó.
Mọi người dường như cũng cảm nhận được những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng, nên chỉ hát khe khẽ, nói khe khẽ và uống… dịu dàng.
Trời càng về khuya, trăng lên càng cao, ánh sáng càng đằm thắm, trải rộng mênh mông; sóng biển vẫn ì oạp vỗ bờ, những con sóng trắng mải mê chơi trò đuổi bắt dưới ánh trăng. Giá như, nó cứ được ngồi mãi như thế, thư thái biết bao!
Sáng ngày 5 tháng 4 năm 2012
Sau bữa sáng, mọi người quần áo chỉnh tề để chuẩn bị vào Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 họp đoàn trước khi ra khơi. Hôm nay, nó mặc chiếc váy hoa nền nã. Nó dường như quên hết tuổi tác, những ràng buộc và ưu phiền trong cuộc sống, tung tăng, cười nói vui vẻ như đứa trẻ chuẩn bị được bố mẹ đưa đi chơi. Vui quá!
Đoàn đại biểu Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đến thăm và làm việc tại Quần đảo Trường Sa
Trưa
Mọi người trong đoàn tranh thủ ngủ lấy sức để chiều lên tàu, nó đứng ngoài lan can phòng nghỉ, phóng tầm mắt và thả hồn lang thang cùng nắng, gió và màu xanh của trời và biển. Nó yêu màu xanh, từ khi còn nhỏ tí, cũng không thể lý giải được vì sao nó lại yêu màu xanh đến thế, nhưng sao có thể không yêu cho được, khi trước mắt nó, bây giờ, là vòm trời trong xanh không một gợn mây, là mặt biển thăm thẳm như một tấm thảm xanh mát khổng lồ…
Thảo, đứa em cùng đoàn nhắc nhở, kéo nó về thực tại: "Mình uống thuốc chống say đi chị, em sợ say lắm!". Ừ, chắc cũng phải đề phòng. Nó lôi trong ba lô ra một củ gừng tươi to, hai chị em loay hoay tìm cách giã gừng, đứa giữ, đứa dùng thanh gỗ mắc màn làm chày giã cồm cộp lên nền phòng. Giã xong, hai chị em lại hì hụi pha trà và uống hối hả. Nóng, cay, nhưng vẫn phải nhắm mắt, nhắm mũi uống. Hy vọng, ở hiền gặp lành, sóng sẽ nhẹ nhàng và nó sẽ không say…
Bốn giờ chiều
Cả đoàn tập trung lên tàu. Lần đầu tiên được đi trên con tàu to như thế, nó sung sướng, nhảy chân sáo từ tầng nọ đến tầng kia. Phòng nó đây rồi, IIIE 36. Sắp xếp đồ đạc xong, nó lại ngoi lên cầu cảng, tranh thủ chụp vài tấm hình trước giờ xuất phát. Các anh bộ đội vẫn hối hả bốc xếp đồ đạc từ xe ô tô lên tàu, ai cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng khuôn mặt vẫn tươi rói. Bộ đội Cụ Hồ là thế!
Năm giờ chiều
Những hồi còi dài rúc lên, thú vị thật. Nó lạ lẫm trước sự kiện đó, một người đứng bên cạnh giải thích, các tàu chào nhau đấy, hãy tưởng tượng những hồi còi đó là những lời chúc ra khơi bình an. Hay thật! Vậy là, tạm biệt đất liền, con tàu từ từ quay mũi hướng ra biển cả mênh mông.
Tối
Buổi tối đầu tiên trên tàu. Sau khi dùng bữa tối, gạt bỏ những cảm giác chòng chành trong đầu, nó rủ mọi người lên trên hóng gió vì dưới phòng chật và hơi ngột ngạt. Quên béng lời dặn của anh Dân - Chánh Văn phòng cơ quan, người đi Trường Sa năm ngoái, là phải nằm yên trên giường đêm đầu tiên trên tàu để làm quen dần với không gian trên tàu, trên biển, nó nhào lên boong. Chao ơi là đẹp! Trăng vẫn sáng vằng vặc, tròn vành vạnh, mặt biển lặng sóng như được dát bạc. Nó ngồi ở mũi tàu, thả hai chân xuống phía biển, nghêu ngao hát cùng mọi người trong Đoàn. Trời ạ! Nếu nhớ lời dặn của anh Chánh Văn phòng, có phải nó sẽ bỏ mất một đêm tuyệt vời này không!
Dường như mọi người cũng nhận thấy vị trí đắc địa nó đang chiếm giữ nên số người ngày một đông. Đang vui vẻ thì một đồng chí thuyền viên đến nhắc nhở, đề nghị mọi người quay trở lại boong vì lý do an toàn. Nó luyến tiếc đứng dậy, trên trời, trăng vẫn dịu dàng toả sáng, mặt biển vẫn mênh mông, chỉ nghe tiếng động cơ của tàu, tiếng nước đang bị mũi tàu rẽ sóng…
Ngày 6 tháng 4 năm 2012
Một ngày dài nhất trong hành trình đi Trường Sa đối với nó. Nó và Thảo nằm mãi trên giường vẫn không hết cảm giác chòng chành, lắc lư. Hai chị em mê mệt, người cứ như bị ai đó nhấc bổng lên rồi lại quật xuống, đầu quay quay, chân tay mỏi rã rời. Không lẽ, mình say sóng thật?
Ngoài boong không một bóng người vì nắng, nắng chói chang, trong phòng cũng nóng, hơi lạnh phả ra từ lỗ điều hoà thông gió bé tí teo không đủ để xua đi bầu không khí oi bức trong phòng. Thảo rủ: hay mấy chị em mình lên bếp giúp các anh ấy nhặt rau đi, như thế thời gian sẽ trôi nhanh hơn. Nó gật đầu nhất trí, thế là ba chị em trong Đoàn (nó, Thảo và chị Phương, vì chị Linh đang… ngủ) lúp xúp kéo nhau lên mạn phải của tàu, gần bếp. Thấy một anh đang nhặt rau cải, ba chị em sà xuống, líu ríu như lũ chim sâu, vừa nhặt rau vừa trò chuyện cho quên cảm giác say sóng. Song, nửa tiếng sau, nó lại là người đầu hàng đầu tiên vì không thể chịu nổi cảm giác dập dềnh, mắt hoa lên, chân tay lóng ngóng, nó đành bỏ dở việc, đứng dậy, đi về giữa tàu, tự điều chỉnh cảm giác. Thế là không thể lấy việc giúp các anh nuôi để quên cảm giác say sóng mất rồi! Thời gian ơi, trôi nhanh lên!
Đ/c Vũ Trọng Lâm - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật (bên phải) trao tặng sách
cho các chiến sĩ Trường Sa
Những ngày tiếp sau
Đây mới thực sự là những ngày đáng nhớ trong chuyến đi Trường Sa của nó. Nó được đến thăm những đảo chìm, đảo nổi, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính đảo, để nó tự thốt lên với lòng mình rằng: Cảm ơn Trường Sa, nơi tôi tự soi mình!
Đảo đầu tiên nó đặt chân lên là đảo Song Tử Tây, một trong những hòn đảo nổi có diện tích lớn nhất. Lần đầu tiên di chuyển từ tàu lớn xuống xuồng chuyển tải, nó không đến nỗi quá lóng ngóng như nàng dâu mới trước cặp mắt săm soi của mẹ chồng. Trang phục gọn gàng, đầu đội mũ cối, chân đi dép rọ quân nhân, mặc áo phao xong, nó nhanh nhẹn bước xuống chiếc thang nối giữa tàu và xuồng chuyển tải. Biển êm nên việc đưa người xuống xuồng chuyển tải cũng không gặp nhiều khó khăn. Mọi người đều vui vẻ, háo hức được đặt chân lên đảo.
Vừa từ xuồng chuyển tải lên đảo, nhìn xung quanh, nó thực sự xúc động. Bốn bề là nước biển mênh mông, níu bước chân người đến là những vệt cát trắng, những bụi cây phong ba lúp xúp, những tán tra, bàng vuông xanh mát rợp bóng và cả những anh bộ đội với làn da cháy nắng, đen nhẻm, mướt mát mồ hôi những vẫn tươi cười chào đón mọi người. Mỗi bước chân đi, với nó, là một trải nghiệm mới. Nó cùng mọi người trong Đoàn sải những bước dài trên con đường bê tông bao quanh đảo. Đây là hội trường, kia là tượng đài Hưng Đạo Vương, gần sát bờ biển là ngôi chùa mới xây, đi thêm một quãng là những căn nhà của người dân trên đảo.
Ở trên đảo cả ngày, nó không còn chút cảm giác bồng bềnh như khi trên tàu nữa. Thật khoan khoái, dễ chịu. Mọi người trong Đoàn, mỗi khi gặp gỡ, ai cũng cười cười, nói nói vui vẻ. Những cảm giác xa lạ dần biến mất, thay vào đó là sự gần gũi, chan hoà, cởi mở.
Ngày hôm sau, nó tỉnh giấc từ lúc 4 giờ 30 phút sáng. Nhìn ra ngoài, trời vẫn lờ mờ tối. Sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, nó lên boong tàu để đón bình minh trên biển. Ông mặt trời như còn đang ngái ngủ, ẩn mình sau những vệt mây ráng mỡ gà. Trước mặt nó là đảo Nam Yết.
Điều đọng lại sâu sắc nhất với nó ở hòn đảo này là… nghĩa trang liệt sĩ. Sau khi hoạt động trong hội trường đảo kết thúc, các đoàn toả ra đi thăm đảo. Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn nó là nghĩa trang liệt sĩ. Trong suy nghĩ của nó, thời bình hôm nay, sẽ không còn những tờ giấy báo tử, không còn cảnh những đứa trẻ được lưu trong danh sách con em gia đình thương binh, liệt sĩ nữa. Nhưng, khi đọc những dòng chữ ghi trên bia mộ, nó mới ngộ ra rằng, những hiểu biết của nó còn quá phiến diện. Trong số năm phần mộ liệt sĩ nằm lại ở nghĩa trang này, chỉ có duy nhất một người hơn tuổi nó, còn lại đều là những chiến sĩ, hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, có cả những ngôi mộ mới dựng, cỏ chưa kịp xanh. Nghẹn ngào, xúc động, nó không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt xót xa, thương cảm lăn dài trên má nó, mọi người trong Đoàn đều rất xúc động. Các anh rời xa quê nhà, bố mẹ, người thân ra làm nhiệm vụ ở vị trí tiền tiêu của đất nước và rồi mãi mãi nằm lại nơi này, hoá thân vào những cồn cát trắng, những cây phong ba hiên ngang trước gió bão, yên nghỉ mãi mãi trong lời ru của lớp lớp sóng biển vỗ bờ. Các anh hãy yên lòng, thanh thản nhé! Đồng đội vẫn ở bên các anh, những người con đất mẹ Việt Nam từ đất liền ra đây vẫn nhớ tới các anh!
Những ngày tiếp theo, nó cùng mọi người trong Đoàn đến đảo Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa lớn. Mỗi điểm đảo đều để lại trong nó những xúc cảm không thể nào quên. Ở đảo nổi, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn hạnh phúc hơn nhiều so với cuộc sống ở những điểm đảo chìm, bởi không gian rộng hơn, số lượng người nhiều hơn, lượng công việc nhiều hơn, điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ hơn. Còn ở những điểm đảo chìm, tuy đã được trang bị khá đầy đủ nhưng cuộc sống của các anh vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan quá! Nhìn từ xa, điểm đảo nổi lên như một chiếc chòi canh giữa mênh mông biển nước. Ở đó, vỏn vẹn chỉ hơn chục con người, cùng sống, cùng làm việc, canh giữ biển trời, đối mặt với sóng gió, bão tố, với nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, nhớ bàn tay, hơi ấm của người thương tưởng chừng không thể vượt qua, không gì bù đắp nổi. Nó muốn mở rộng lòng mình hơn, muốn tươi cười nhiều hơn, muốn ca hát nhiều hơn, muốn trò chuyện nhiều hơn, để các anh vơi bớt nỗi buồn, nỗi nhớ đất liền, nhớ nhà, nhớ quê hương, để các anh có thêm điểm tựa, thêm sức mạnh tinh thần giữ gìn phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cuốn sổ nhỏ trong túi nó chi chít những dòng địa chỉ, đi đến đâu nó cũng muốn mời chiến sĩ chụp ảnh, xin địa chỉ và hứa rằng, sẽ rửa ảnh và gửi theo địa chỉ cho gia đình, người thân của các anh. Nó muốn mình đóng góp một phần nho nhỏ, san sẻ với các anh những nhọc nhằn trong cuộc sống tinh thần. Nó muốn để các anh cảm nhận được rằng, hậu phương, đất liền vẫn hằng ngày, hằng giờ dõi theo và thương nhớ các anh.
Cũng không thể quên được hai buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Thiêng liêng và thành kính, xúc động và nghẹn ngào là không khí và cảm xúc của nó trong hai buổi lễ tưởng niệm đó. Bốn chị em trong Đoàn, không ai bảo ai, cứ lúc rảnh rỗi lại lấy giấy ra gấp thành những con hạc trắng, những bông hoa trắng, với hy vọng, khi thả xuống, linh hồn các anh sẽ theo cánh hạc bay về với gia đình, với quê hương. Nó có một tình yêu sâu rộng với biển, chỉ cần đứng trước biển, bao ưu tư, nhọc nhằn của nó như biến mất. Và sau chuyến đi này, nó biết rằng, tình yêu biển của nó sâu lắng hơn, bởi trong làn nước biển trong xanh ấy có cả những linh hồn, có cả phần máu thịt của các chiến sĩ dũng cảm chiến đấu, hy sinh và gửi thân xác mình vào lòng đại dương mênh mông.
Điểm đến cuối cùng của đoàn là nhà giàn DK1/2 và DK1/18. Thiếu tướng Phạm Ngọc Chấn - Chuẩn Đô đốc Hải quân cũng phải thừa nhận, chưa có một đoàn công tác nào lại có thể lên nhà giàn thuận lợi như đoàn công tác này. Biển vẫn rất êm, xuồng chuyển tải nhanh chóng đưa đoàn công tác từ tàu vào nhà giàn. Đến với Trường Sa, phải đến thăm nhà giàn mới thấu hiểu những khó khăn của chiến sĩ hải quân. Các anh kể, những ngày có bão, sóng to đánh lên cả tầng hai của nhà giàn, những chậu rau xanh được các anh nâng niu, chăm sóc hằng ngày đặt xung quanh nhà giàn cũng bị sóng đánh tơi tả, cả nhà giàn rung lắc như bị động đất, hiểm nguy luôn rình rập. Gian khổ là thế, khó khăn là thế, nhưng không một ai tỏ ra nao núng, chán chường, các anh vẫn vui vẻ ca hát, giao lưu với đoàn công tác, vẫn tươi cười như để động viên chúng tôi. Nó chợt nhớ ra câu nói rất thấm thía của nhạc sĩ Đỗ Huấn - một thành viên trong Đoàn cán bộ của Nhà xuất bản: Tôi thấy, chuyến đi này, tôi phải cảm ơn các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, nhà giàn. Chính họ đã thăm tôi chứ không phải tôi thăm họ. Chính họ đã trở thành những chiếc gương để tôi soi mình vào, để tôi hiểu rằng, vì sao tôi sống.
Đoàn cán bộ Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật chụp ảnh kỷ niệm với các chiến sĩ Trường Sa
Vâng, phải đến với Trường Sa, tận mắt chứng kiến và tự mình trải nghiệm mới thấu hiểu được phần nào cuộc sống của các chiến sĩ trên đảo. Ở đó, không có sự ngăn cách, không có sự xa lạ, không có cạm bẫy, không có thù hằn, không có đố kị, chỉ có một tình yêu đất nước nồng nàn, chỉ có tình đồng đội sẵn sàng sống chết vì nhau, chỉ có tình người son sắt, đậm sâu. Ở đó, mỗi người là một thành trì, cùng chung ý chí, quyết tâm giữ biển, giữ đảo. Đến với các anh, nó mới thấu hiểu những bộn bề trong công việc và cuộc sống của nó chẳng thấm tháp vào đâu so với những nhọc nhằn trong cuộc sống vật chất và tinh thần của các anh. Đến với các anh, nó mới có cơ hội soi lại mình, hiểu giá trị của sự sống, của tình yêu thương. Đến với Trường Sa, nó mới hiểu "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…".
…
Ngày 15 tháng 4 năm 2012
Khép lại chuyến đi là buổi liên hoan chia tay tại Bộ Tư lệnh Hải quân trong thành phố Hồ Chí Minh. Khi tàu cập quân cảng Cát Lái, chẳng ai muốn rời tàu, ai cũng muốn níu kéo thời gian, ai cũng muốn mũi tàu quay ngược lại và hướng ra biển. Nó líu ríu chân, mãi không kéo nổi chiếc va ly của mình ra khỏi tàu, mọi người trong phòng nhìn nhau, mọi người trong Đoàn nhìn nhau, không ai nói câu nào, nhưng ai cũng hiểu, thật khó khăn để trải qua giờ phút chia tay này. Tuy chuyến đi chỉ vỏn vẹn 11 ngày, nhưng chất chứa biết bao tình cảm, biết bao sự trìu mến, mọi người trở nên thân thiết như anh em một nhà. Nó lập cập bước xuống tàu, chần chừ không muốn lên xe về Bộ Tư lệnh. Nó và Thảo chỉ kịp chụp chung một tấm ảnh với các anh thuỷ thủ trên tàu. Những cánh tay giơ lên, những lời tạm biệt, nó không nén nổi cảm xúc, chui tọt vào xe ô tô và…khóc. Bốn chị em cùng im lặng, cùng khóc như chưa bao giờ được khóc. Nó hơn ba mươi rồi mà, sao lúc này, lại chỉ như đứa trẻ lên mười!
"Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…" Câu hát đó được nó và mọi người hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần trong cuộc liên hoan chia tay. Ai cũng nghẹn ngào, không muốn chia xa. Trước chuyến đi, trong nó, ấn tượng về các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là không có. Nhưng, ấn tượng đó hoàn toàn thay đổi sau hành trình Trường Sa lần này. Nó nhìn các anh, ngưỡng mộ, tự hào và rất đỗi thân thương… Nhìn những giọt nước mắt nóng hổi, đọng trên khoé mắt đã nhiều vết chân chim, lăn dài trên hai gò má đã lấm chấm đồi mồi của chú Chấn - một người đã dạn dày kinh nghiệm đi biển, đã tham gia biết bao đoàn công tác ra Trường Sa, nó hiểu rằng: vì sao Việt Nam kiên quyết bảo vệ Trường Sa, vì sao Hải quân Nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, vì sau Trường Sa là Tổ quốc Việt Nam, là triệu triệu con tim cùng chung ý chí, quyết tâm giữ biển, giữ đảo; vì sau các anh là muôn triệu tấm lòng son sắt, là vạn vạn cánh tay kết đoàn, tạo thành sức mạnh hậu phương không gì đánh đổ.
Trường Sa ơi! Các chiến sĩ Hải quân ơi! Chúng tôi, nhân dân Việt Nam vẫn mãi mãi sát cánh bên Người!
Cù Thị Thúy Lan
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và gặp mặt trước khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ
- Công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật