Phát động phong trào đọc sách lý luận, chính trị
Ngày 06/12/2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc cùng sách” và Cuộc thi “Viết lời giới thiệu sách”. PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã có bài phát biểu tổng kết hai cuộc thi và phát động phong trào đọc sách lý luận, chính trị. Trang thông tin điện tử của Nhà xuất bản xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu.
Kính thưa các quý vị đại biểu và các bạn!
Ngày 05/12/2021 là ngày kỷ niệm 76 năm truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, sự kiện tổng kết và công bố trao giải cuộc thi “Khoảnh khắc cùng sách” và cuộc thi “Viết lời giới thiệu sách” là hành động thiết thực nhất để chào mừng Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Thay mặt Lãnh đạo Nhà xuất bản, tôi xin chúc mừng các thí sinh và các tác giả đạt giải; cảm ơn các thí sinh đã tích cực, chủ động tham gia để hai cuộc thi thành công tốt đẹp; cảm ơn các tác giả, thí sinh đã đến dự Lễ tổng kết và trao giải hôm nay dù đường sá xa xôi, đi lại khó khăn do tình hình đại dịch Covid. Chúng tôi cũng biểu dương nỗ lực của Ban Tổ chức cuộc thi và các đơn vị, cá nhân của Nhà xuất bản, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, bộ phận công nghệ thông tin của Nhà xuất bản đã tích cực chuẩn bị, tổ chức một cách bài bản, khoa học để hai cuộc thi thành công tốt đẹp; cảm ơn Ban giám khảo cũng đã công tâm, khách quan, đã dành thời gian quý báu của mình để lựa chọn, đánh giá những bài dự thi có chất lượng.
Kính thưa các đồng chí,
Cuộc thi “Khoảnh khắc cùng sách” và cuộc thi “Viết lời giới thiệu sách” vừa được tổng kết và công bố là hoạt động thiết thực để đưa Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị đi vào cuộc sống. Điều này càng có ý nghĩa khi tỷ lệ đọc sách nói chung và sách lý luận, chính trị nói riêng ở nước ta còn rất thấp. Theo một khảo sát quốc tế tiến hành gần đây, thì Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng đọc sách, đáng chú ý là có tới 26% dân số rất ít đọc sách. Theo số liệu từ Hội Xuất bản Việt Nam tính đến cuối năm 2020, lượng sách lý luận, chính trị xuất bản trong 10 năm qua là khoảng 60.000 đầu sách, với trên 200 triệu bản, chiếm 6-8% số đầu sách và 8-10% số bản sách hằng năm. Con số này cho thấy tỷ lệ sách lý luận, chính trị trong cơ cấu sách xuất bản vẫn còn rất thấp.
Kính thưa các đồng chí,
Cuộc thi “Khoảnh khắc cùng sách” và “Viết lời giới thiệu sách” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát động nhằm giới thiệu, quảng bá những cuốn sách hay, sách đẹp, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc cho người Việt. Hai cuộc thi đã được lan tỏa với tốc độ nhanh chóng và trên phạm vi rộng lớn, thu hút được rất nhiều thí sinh quan tâm tham dự, nhiều độc giả theo dõi, bình chọn. Kết quả của cuộc thi đã vượt ra khỏi ranh giới một cuộc thi đơn thuần, nó cho thấy và cũng đồng thời thúc đẩy, khích lệ, thu hút mọi tầng lớp độc giả, từ các đồng chí cán bộ đã nghỉ hưu, các bác lớn tuổi cho đến các độc giả nhí trên khắp mọi miền đất nước tham gia.
Từ xưa tới nay, đã có rất nhiều tấm gương cao đẹp, đáng trân trọng trong việc đọc sách, lan tỏa tinh thần yêu sách, trân trọng, nâng niu giá trị của sách, mà tấm gương cao đẹp nhất, gần gũi nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sách, báo và rất ham đọc sách, báo. Người từng nói: Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Những người từng làm việc, từng phục vụ và giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thán phục trước sự ham đọc sách báo như một nhu cầu, nếp quen trong sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu của Bác. Trả lời một nhà báo nước ngoài, Bác cho biết: Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thuỷ, đọc sách làm vườn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ: Về văn hóa: Tôi chỉ học hết lớp tiểu học... Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađio lần đầu tiên... Xuất phát điểm như vậy, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt tới trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn, đáng khâm phục mà nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới phải thừa nhận là “hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được” như lời nhận xét của nhà nghiên cứu người Nga Vasiliep, đó là nhờ quá trình Người đã không ngừng nỗ lực học và đọc.
Với Hồ Chí Minh, đọc sách mang mục đích cao cả, không chỉ đơn thuần là để nâng cao hiểu biết, mà chủ yếu là để phục vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do.
Cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc sách cũng là một điều đáng để chúng ta học hỏi. Với những sách báo quan trọng, có những từ hoặc vấn đề không hiểu, Người có thể đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi. Người thường vừa đọc vừa ghi chép, lưu ý, đánh dấu.
Đọc sách báo là một công việc nhiều người có thể làm được, nhưng đọc để nắm được cái thần của sách, chắt lọc được những ưu điểm và hạn chế của sách báo, đọc sâu hiểu kỹ và áp dụng được vào thực tế cuộc sống thì không phải ai cũng làm được.
Không chỉ là một người ham đọc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tạo mọi điều kiện để quần chúng nhân dân tiếp cận và hưởng thụ, làm giàu đời sống tinh thần qua sách báo.
Thưa quý vị đại biểu,
Trong điều kiện hiện nay, giữ gìn truyền thống yêu sách, trọng sách của cha ông ta, tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển, ngày càng lan tỏa văn hóa đọc là một yêu cầu, đòi hỏi bức thiết, là điều kiện quan trọng để đất nước phát triển, đi lên. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, nhận thức của Đảng về văn hóa đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đến Đại hội XIII của Đảng, phát triển văn hóa trở thành một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật. Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước.
Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, với mục tiêu bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, chú trọng trang bị cho mỗi người dân có kỹ năng học tập, kỹ năng nền tảng để giải quyết vấn đề, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, đổi mới, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lý luận, chính trị bảo đảm đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách, nhằm phổ biến rộng rãi sách lý luận, chính trị. Đặc biệt, quan tâm, chú trọng công tác số hóa, xuất bản, phát hành sách điện tử trên mạng internet.
Thứ ba, tăng cường các hình thức giao lưu, kết nối với độc giả, khích lệ, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm đến sách, mua sách, đọc sách và nghiên cứu sách thường xuyên, hình thành thói quen đọc sách.
Kính thưa các đồng chí,
Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc cùng sách” và cuộc thi “Viết lời giới thiệu sách” là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức rộng rãi ngoài xã hội, chắc chắn còn nhiều hạn chế và bất cập, nhiều ý tưởng cho buổi tổng kết trao giải hôm nay cũng đã không thể thực hiện do tình hình của dịch bệnh Covid. Rất mong các đồng chí, bạn đọc chia sẻ với những cố gắng, nỗ lực của Nhà xuất bản. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nữa trong cách thức tổ chức, nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào văn hóa, đặc biệt đọc sách, xây dựng xã hội học tập. Chúng tôi mong muốn đây là các cuộc thi mang tính chất thường niên, hằng năm và tiến tới nâng tầm thành cuộc thi quốc gia về hai chủ đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng cuộc thi này trên nền tảng số và thực hiện trên các mạng xã hội để nâng cao sức lan tỏa, hiệu quả của cuộc thi nhằm phát triển văn hóa đọc, góp phần tích cực vào xây dựng xã hội học tập một cách hiệu quả hơn.
Với tinh thần trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trân trọng đề nghị các cơ quan ở Trung ương, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tích cực tuyên truyền, quảng bá về sách lý luận, chính trị, tuyên truyền về hai cuộc thi nói riêng và phong trào đọc sách nói chung, để văn hóa đọc thực sự thấm nhuần vào đời sống, để việc đọc thực sự phát huy ích lợi:“Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” mà Cao Bá Quát đã từng nói cách đây 200 năm. Kết thúc bài phát biểu, xin trích câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Ngày sách Việt Nam năm 2019: Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc và sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, nhân dịp tổng kết và trao giải hai cuộc thi, thay mặt Lãnh đạo Nhà xuất bản, tôi xin phát động phong trào thi đua đọc sách lý luận, chính trị trong toàn Nhà xuất bản và các cộng tác viên để nâng cao hiệu quả việc xuất bản sách lý luận, chính trị. Đây là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả để khắc phục “căn bệnh ngại và lười” học tập lý luận chính trị mà rất nhiều văn kiện của Đảng đã chỉ ra.
Xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y
- Ra mắt sách Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt nội dung cốt lõi cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng