Phát huy vai trò nòng cốt của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong công tác xuất bản sách lý luận, chính trị của Đảng

Ngày đăng: 26/02/2021 - 11:02

1. Quá trình hình thành và phát triển của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời lại  lâm vào tình thế “thù trong giặc ngoài”; “ngàn cân treo sợi tóc”, cách mạng Việt Nam đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Vận dụng sách lược mềm dẻo, ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố “tự ý giải tán”, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, duy trì hình thức công khai là “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Báo Cờ giải phóng và Nhà xuất bản Cờ giải phóng - các cơ quan ngôn luận, tuyên truyền  của Đảng tuyên bố “đình bản” và “đóng cửa”. Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật - các cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương ra đời để kế tục sự nghiệp của các tổ chức tiền thân của mình. Trên báo Sự thật số đầu tiên ra ngày 05/12/1945, Nhà xuất bản Cờ giải phóng thông báo: “Vì báo Cờ giải phóng đình bản nên Nhà xuất bản Cờ giải phóng cũng tự ý đóng cửa. Những sách đã in ra, chúng tôi giao toàn quyền cho Nhà xuất bản Sự thật phát hành”. Từ đó, ngày 05/12/1945 trở thành Ngày truyền thống của Nhà xuất bản Sự thật, tiền thân của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ngày nay.
Ngay từ khi mới thành lập, được Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách, Nhà xuất bản đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ biên tập, xuất bản sách chính trị, lý luận và pháp luật, góp phần làm cho thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong buổi đầu thành lập, điều kiện hoạt động còn khó khăn, kinh nghiệm chưa nhiều, bối cảnh chính trị phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, ngay trong những năm 1945-1946, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản được 33 đầu sách trình bày những lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, những quan điểm đúng đắn về tình hình cách mạng thế giới. Cùng với các “binh chủng” khác trên mặt trận tư tưởng, sách của Nhà xuất bản Sự thật đã góp phần xác lập những tư tưởng và quan điểm Mác - Lênin một cách chính thức trong xã hội Việt Nam, làm chuyển biến tư tưởng của quần chúng cách mạng từ chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm dân tộc sang chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học. 
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), Nhà xuất bản Sự thật phải di chuyển, sơ tán ở nhiều nơi, song trong bất kỳ hoàn cảnh nào, công tác biên tập, xuất bản vẫn được chú trọng tiến hành đều đặn. Những tác phẩm được xuất bản trong thời kỳ này đã góp phần tích cực vào công tác chính trị, tư tưởng của Đảng, phục vụ đắc lực sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, Nhà xuất bản Sự thật đã đặt chi nhánh ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, để kịp thời đáp ứng nhu cầu về sách chính trị của bạn đọc ở các vùng, miền trong cả nước. Ngày 24/10/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 53-QĐ/TW kiện toàn Nhà xuất bản Sự thật, cơ quan trực thuộc Chính phủ (từ năm 1960) thành cơ quan xuất bản của Đảng, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, tạo vị thế mới cho Nhà xuất bản trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.  
Từ năm 1986, cùng với bước chuyển của đất nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Nhà xuất bản Sự thật bước vào giai đoạn phát triển mới, các ấn phẩm của Nhà xuất bản phản ánh sinh động sự mở đầu của công cuộc đổi mới, tập trung giới thiệu, làm sáng tỏ đường lối đổi mới toàn diện của Đảng do Đại hội VI đề ra và tiếp tục phát triển toàn diện ở các kỳ đại hội sau; làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh..., chống lại các tư tưởng và quan điểm phản động, lệch lạc, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác xuất bản sách chính trị, lý luận, pháp luật đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, ngày 20/11/1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 53-QĐ/TW thành lập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trên cơ sở hợp nhất bốn nhà xuất bản: Nhà xuất bản Sự thật trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nhà xuất bản Tư tưởng - Văn hóa trực thuộc Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Nhà xuất bản Thông tin lý luận trực thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Pháp lý trực thuộc Bộ Tư pháp. Sự hợp nhất trên đã tập trung đầu mối và nâng cao hiệu quả công tác xuất bản sách chính trị, lý luận, pháp luật, tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà xuất bản. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đại biểu tham quan Phòng truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ngày 03/12/2020, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản (05/12/1945 - 05/12/2020)  

Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, ngày 03/4/2003, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 68-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Quyết định nêu rõ: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị sự nghiệp Trung ương của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Bí thư, có chức năng là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước.
Với vị thế mới, Nhà xuất bản tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị và các sự kiện chính trị lớn của đất nước, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương kịp thời xuất bản sách, các tài liệu phục vụ việc học tập và triển khai nghị quyết các kỳ đại hội Đảng và các hội nghị Trung ương, tích cực phục vụ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sách của Nhà xuất bản luôn bảo đảm đúng định hướng chính trị của Đảng, bảo đảm chất lượng nội dung chính trị, lý luận và khoa học; thể loại sách ngày càng phong phú, đa dạng; hình thức sách có nhiều đổi mới đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Những năm qua, Nhà xuất bản đã tích cực chuyển đổi một phần hoạt động theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, sau đó là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, hoạt động xuất bản không chỉ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn phải mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm và nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn cơ quan. Trước những yêu cầu phát triển mới, Nhà xuất bản đã tập trung xây dựng và triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2009-2015, tầm nhìn đến năm 2020, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện các mặt hoạt động của Nhà xuất bản.
Ngày 16/4/2020, Chỉ thị số 44-CT/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị của Ban Bí thư đã nêu rõ: “Xây dựng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trở thành trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản sách lý luận, chính trị”.  
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy các nguồn lực, Nhà xuất bản chú trọng thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch hóa mọi hoạt động; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; củng cố, phát huy vai trò của tổ chức đảng và các đoàn thể trong cơ quan; tăng cường trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị. 
Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1962), được Đảng và Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1990 và năm 2000). Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Nhà xuất bản đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta (2005) và nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, Nhà xuất bản vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động (2015). 
2. Phương hướng đổi mới, phát triển Nhà xuất bản trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Nhà xuất bản xác định đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản; nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản sách chính trị, lý luận và pháp luật. Phấn đấu đến năm 2030, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị sự nghiệp Trung ương của Đảng, có chức năng là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước, trở thành Trung tâm xuất bản, phát hành sách chính trị, lý luận, pháp luật hiện đại, có bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và xu thế phát triển của lĩnh vực xuất bản trên thế giới.
Một là, đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ
- Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế theo hướng: Khối biên tập và nghiên cứu khoa học: Ổn định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, biên tập viên, bảo đảm số lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ; Khối tham mưu, phục vụ: bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Khối sản xuất, kinh doanh: chuyển đổi (có lộ trình) tổ chức và hoạt động sang mô hình doanh nghiệp, xã hội hóa các hoạt động in, phát hành.
- Đổi mới công tác cán bộ từ tuyển dụng đến quy hoạch, đào tạo, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm... Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng biên tập, xuất bản, in, phát hành, tiếp thị,... cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động; xây dựng ý thức, bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ biên tập viên của Nhà xuất bản.
Hai là, đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động
- Chú trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu, học tập sách chính trị, lý luận, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất bản, in và phát hành.
- Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế quản trị nội bộ, quản lý tài chính, tài sản nhằm điều chỉnh hoạt động của Nhà xuất bản phù hợp với quá trình đổi mới. Chuẩn hóa quy trình xuất bản, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật đi đôi với tạo môi trường để các đơn vị, cá nhân đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. 
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả sách giấy; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác biên tập, xuất bản hiện đại, phù hợp với xu thế mới; phát triển thêm một số sản phẩm in ấn mới, các dịch vụ sau in..., nhằm lan tỏa, nâng cao “giá trị gia tăng” xuất bản phẩm cả về ý nghĩa chính trị - xã hội và hiệu quả kinh tế.
- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch biên tập, xuất bản; kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Thực hiện cơ chế khoán doanh thu; xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính đối với các đơn vị. 
- Xây dựng các kênh truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các xuất bản phẩm theo hướng chủ động, năng động, chuyên nghiệp hóa. Tổ chức lại các đơn vị phát hành của Nhà xuất bản thành một hệ thống thống nhất trong toàn quốc, có nhiệm vụ phát hành, “bán buôn” cho mạng lưới các nhà sách “bán lẻ” và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đồng thời khai thác đề tài để đặt hàng lại cho các ban biên tập. Khắc phục tình trạng manh mún, cắt khúc, phân tán nguồn lực; tách bạch giữa chức năng đại diện của Nhà xuất bản tại địa phương với chức năng phát hành của các chi nhánh. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phát hành, trong đó tập trung xây dựng cơ sở phát hành, phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Mở rộng và đi vào chiều sâu, có hiệu quả hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế với các đơn vị xuất bản - truyền thông nước ngoài, nắm bắt công nghệ xuất bản, công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản hiện đại; trao đổi xuất bản phẩm và kinh nghiệm tổ chức xuất bản, in, phát hành.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện hai nhiệm vụ Bộ Chính trị giao
Biên tập, xuất bản
- Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch đề tài trên cơ sở chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung  ương, nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, sát hợp với thực tiễn đất nước, nhu cầu của nhân dân, yêu cầu, nhiệm vụ của hệ thống chính trị và đòi hỏi của thị trường sách, văn hóa phẩm. Tập trung triển khai có hiệu quả sách Trung ương, Nhà nước đặt hàng; sách theo đề án, dự án; sách liên kết xuất bản, phát hành; sách tự xuất bản, phát hành phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại; nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo, phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài; đồng bào dân tộc thiểu số; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
- Đổi mới công tác biên soạn, biên dịch, biên tập, xuất bản, in, phát hành sách chính trị, lý luận, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ tác giả, cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạt động thực tiễn có trình độ và kinh nghiệm tham gia biên soạn, biên dịch sách chính trị, lý luận, pháp luật. Nâng cao năng lực tổ chức bản thảo, tập trung đầu tư cho những bản thảo có chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ chính trị và gắn với nhu cầu của xã hội, của thị trường.
- Xây dựng cơ cấu sách hợp lý, đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản, phát hành sách chính trị, lý luận, pháp luật nhằm nâng cao chất lượng nội dung sách, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách, phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước; nội dung dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có hiệu quả và thuyết phục đối với từng đối tượng bạn đọc; đẩy mạnh xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng internet. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách chính trị, lý luận, pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet và các hình thức truyền thông khác. 
Nghiên cứu khoa học
- Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học xuất bản, phục vụ cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản; tổ chức nghiên cứu các đề tài, đề án gắn với nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư các vấn đề về lĩnh vực xuất bản sách lý luận, chính trị.
- Tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản.
- Tích cực tham gia nghiên cứu các chương trình quốc gia, đề tài khoa học xã hội cấp nhà nước, cấp ban, bộ, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề chính trị, lý luận, pháp luật, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử
- Tiếp tục quan tâm số hóa “tài nguyên” sách của Nhà xuất bản đã được xuất bản từ năm 1945 đến nay, làm cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng thư viện điện tử và xuất bản điện tử. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sách chính trị, lý luận, pháp luật.
- Nhanh chóng đẩy mạnh xuất bản điện tử, xuất bản số; xây dựng thư viện điện tử; tăng cường phát hành sách trên mạng internet; phát triển và cung cấp các dịch vụ khai thác nội dung thông tin về sách chính trị, lý luận, pháp luật trên mạng internet. 
- Chú trọng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ, năng lực về công nghệ thông tin, xuất bản điện tử, xuất bản số. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc phát triển xuất bản điện tử, xuất bản số.
- Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, công ty cung cấp các giải pháp về công nghệ, máy móc, trang thiết bị xuất bản điện tử, phần mềm quản lý xuất bản điện tử, song song với việc quản lý và kinh doanh có hiệu quả các nguồn sách điện tử của Nhà xuất bản.
Những thành tựu đạt được trong 75 năm qua đã đặt cơ sở vững chắc để Nhà xuất bản bước sang một thời kỳ phát triển mới với những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Những yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà xuất bản trở thành một trung tâm xuất bản hiện đại hàng đầu ở Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong việc xuất bản sách chính trị, lý luận, pháp luật, góp phần quan trọng trong việc giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, với mô hình đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên. Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế, phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy và cán bộ Nhà xuất bản, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 
Có thể khẳng định, thành tựu mà Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đạt được trên chặng đường 75 năm hoạt động và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban Bí thư, đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao trước nhiệm vụ chính trị được giao của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động, xứng đáng với vị trí là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước, với sự tin yêu của cán bộ, đảng viên, nhân dân, của các thế hệ bạn đọc.

Phạm Chí Thành

Nguyên Q. Giám đốc - Tổng Biên tập, nguyên Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận