Cuốn sách là một nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi. Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và thực trạng công tác phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, tác giả đã nêu phương hướng và hệ giải pháp nhằm phát triển nguồn cán bộ này một cách vững mạnh.
Nội dung cuốn sách gồm ba chương. Chương I tập trung nghiên cứu các khái niệm, cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Công tác phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số có vị trí chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong chiến lược cán bộ nói riêng. Phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số vừa là vấn đề lý luận cơ bản, vừa là một vấn đề thực tiễn cấp bách trong giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Chương II đi sâu phân tích thực trạng công tác phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Miền núi phía Bắc nước ta là một vùng lãnh thổ rộng lớn, gồm 15 tỉnh, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng cư trú, đồng thời cũng là một vùng mà tình hình phát triển kinh tế - xã hội còn gặp những khó khăn so với cả nước. Đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số ở đây phát triển không đều, nhiều địa phương thiếu cán bộ đến mức trầm trọng. Nghiên cứu thực trạng nhằm tìm ra giải pháp phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện khu vực, đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là một vấn đề rất cấp bách hiện nay.
Trong chương III tác giả đưa ra một số phương hướng và hệ giải pháp phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần từng bước xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.