Tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng
Ngày 28-12-2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo với chủ đề Kết quả 10 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Các đồng chí: Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Vũ Trọng Lâm, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có các đồng chí trong Ban Giám đốc; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản tại Hà Nội.
Tham dự còn có các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành ủy; phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội đã đến đưa tin về Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập, Bí thư Đảng ủy Nhà xuất bản nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30-7-2007 về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã được các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện đồng bộ, thống nhất, toàn diện, tương đối đa dạng về phương thức, thông qua các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; ban hành chỉ thị, nghị quyết nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... Báo cáo tổng kết của các ban đảng, đảng đoàn ở Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cho thấy, nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc – Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu chào mừng Hội thảo.
“Công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp tập trung những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, được đảng viên, quần chúng và dư luận quan tâm, những nơi có nguy cơ cao dễ xảy ra dấu hiệu vi phạm, trước hết là về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, sinh hoạt Đảng, quan liêu, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, bệnh thành tích, bao che cho cấp dưới vi phạm, thực hiện quy tắc ứng xử, về giữ gìn đạo đức, lối sống để chủ động phòng ngừa vi phạm từ khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, từ trong đảng bộ, chi bộ.” - đồng chí Đỗ Quang Dũng cho biết.
Đồng chí khẳng định: Các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đề cao tự kiểm tra của đảng bộ, chi bộ cơ sở, trước hết là tự kiểm tra của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Coi trọng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; việc phân tích chất lượng đảng viên, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức hằng năm của các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc đảng bộ cơ sở để bảo đảm thực chất. Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở một số nơi chưa kịp thời, chưa thường xuyên. Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; công tác kiểm tra, giám sát chưa gắn chặt, xuyên suốt việc “xây” và “chống”. Chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm ở một số địa phương chưa cao, chưa đồng đều, có biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh”. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng còn gặp nhiều khó khắn do cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thống nhất, còn nhiều bất cập. Chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng còn nhiều hạn chế, …
Hội thảo với chủ đề “Kết quả 10 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” có ý nghĩa quan trọng, nhằm lấy ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Tờ trình và Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.
Trong báo cáo đề dẫn của đồng chí Phạm Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại của Nghị quyết như:
Một là, trong ba mục tiêu quan trọng của Nghị quyết là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tránh nguy cơ quan liêu, xa dân của đảng cầm quyền, bảo thủ, trì trệ, cục bộ, bản vị, chống tham nhũng, tiêu cực” thực hiện có nội dung còn hạn chế, chưa góp phần tạo chuyển biến căn bản về công tác xây dựng Đảng; kiểm tra về tư tưởng chính trị bước đầu có kết quả nhưng chưa rõ nét.
Hai là, quan điểm “Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát” chưa thể hiện rõ trong thực tiễn. Một số nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp nêu trong Nghị quyết chưa thực hiện hoặc còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa coi trọng đúng mức việc phòng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều sai lầm, khuyết điểm của đảng viên chậm phát triển. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” có chuyển biến nhưng chưa đều ở các cấp.
Ba là, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức Nghị quyết cũng như tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát hoặc nhận thức được nhưng chưa chuyển biến thực sự thành hành động trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nên việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa cụ thể, chưa sát thực tiễn và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Bốn là, việc sửa đổi, ban hành một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn chưa đồng bộ, kịp thời; việc rà soát, thể chế hóa, cụ thể hóa nhằm liên thông, đồng bộ giữa văn bản của Đảng và của Nhà nước còn chậm, một số văn bản hướng dẫn chậm, chưa sát thực tiễn nên khó khăn trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật khi có khuyến điểm, vi phạm.
Năm là, một số ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy và cấp ủy cùng cấp do nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu kiên quyết, còn “nhẹ trên, nặng dưới” trong kiểm tra, giám sát và xem xét, xử lý. Nhiều trường hợp, ủy ban kiểm tra cấp trên và cấp ủy, nhất là người đứng đầu chỉ đạo, yêu cầu mới tiến hành kiểm tra. Nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm, nghiêm trọng được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nhưng chậm được kiểm tra, kết luận và xử lý.
Sáu là, công tác kiểm tra, giám sát của các ban của cấp ủy và của ban cán sự Đảng, đảng đoàn chưa có sự thay đổi căn bản nên hoạt động chưa thường xuyên, nền nếp chất lượng chưa được như mong muốn, một số ban cán sự đảng, đảng đoàn chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát...
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ chưa có nhiều đổi mới, chất lượng năng lực của một bộ phận cán bộ kiểm tra và cán bộ tham mưu của các ban của cấp ủy còn hạn chế, công tác đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, chương trình đào tạo chưa thống nhất, khó nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác kiểm tra…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến sôi nổi, thiết thực, bổ ích cho công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong thời gian tới có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa.
Một số kiến nghị giải pháp được đề ra trong thời gian tới như: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về hành động đổi mới với công tác kiểm tra, giám sát; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, xây dựng, ban hành đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức, đối tượng kiểm tra, giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ và tăng cường sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan; đổi mới công tác nghiên cứu lý luận và tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu bế mạc tại Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Tô Quang Thu gửi lời cảm ơn các đại biểu đã đến dự và đánh giá cao những ý kiến tại Hội thảo. Bên cạnh đó, đồng chí cho rằng: 11 ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng việc tổng kết Nghị quyết Trung ương năm, khóa X về Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là việc hết sức quan trọng và cần thiết. Đồng thời, khẳng định trong thời gian vừa qua Nghị quyết Trung ương năm đã đi vào cuộc sống, đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt làm chuyển biến về mặt nhận thức. Thống nhất mục tiêu, quan điểm và triển khai các nhiệm vụ và giám sát cũng cố lòng tin của người dân đối với Đảng. Những ý kiến đóng góp từ cơ sở sẽ giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng và hoàn thiện văn bản trình Bộ Chính trị.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Công bố quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
- Lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024
- Đoàn công tác Nhà xuất bản làm việc tại tỉnh Hà Giang
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia Hội chợ sách Xuân 2025
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia