Tổng kết thực tiễn là một trong những hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển lý luận nói chung, lý luận về chủ nghĩa xã hội nói riêng. Đánh giá vai trò của thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông”. Người xem việc tổng kết thực tiễn là một biện pháp cơ bản để thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, thông qua tổng kết thực tiễn mà nâng cao trình độ lý luận, khắc phục bệnh chủ quan, bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa. Chỉ có tổng kết thực tiễn mới cho phép chúng ta nắm bắt những vấn đề thực tiễn đặt ra và đánh giá được mức độ đúng, sai của lý luận, của chủ trương, đường lối, chính sách, qua đó mà kịp thời sửa chữa sai sót, hạn chế, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách cho phù hợp với yêu cầu do thực tiễn đặt ra.
Mặc dù tổng kết thực tiễn đóng vai trò quan trọng, nhưng trên thực tế việc tổng kết thực tiễn nói chung, tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn còn chưa được thực sự quan tâm. Cuốn sách Tổng kết thực tiễn với việc phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của PGS. TS. Trần Văn Phòng - Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành với mục đích tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa vai trò của tổng kết thực tiễn trong việc phát triển lý luận nói chung, lý luận về chủ nghĩa xã hội nói riêng ở nước ta hiện nay.
Nội dung cuốn sách được chia thành hai chương:
- Chương I: Tổng kết thực tiễn và sự phát triển lý luận. Chương này tập trung phân tích thực chất của tổng kết thực tiễn và những nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả tổng kết thực tiễn; lý luận và vai trò của tổng kết thực tiễn đối với lý luận.
- Chương II: Tổng kết thực tiễn với việc phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh việc tổng kết thực tiễn nhằm phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tác giả đưa ra một số giải pháp định hướng nhằm nâng cao hiệu quả tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.