Tố Hữu - Người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng

Ngày đăng: 15/12/2020 - 16:12

Đồng chí Tố Hữu là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, cán bộ lãnh đạo mẫu mực của Đảng với những đóng góp lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông còn được biết đến là một nhà văn hóa tài năng, “cánh chim đầu đàn của nền thi ca Việt Nam hiện đại”. Tổng kết quá trình hoạt động cách mạng qua gần 70 năm của đồng chí, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng suốt đời phấn đấu vì độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành cuốn sách Tố Hữu - Người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng.

Chắc chắn rằng, để có được gần 800 trang sách đến với độc giả, thể hiện một cách chân thực mà sống động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cũng như những cống hiến to lớn của đồng chí Tố Hữu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nền thơ văn cách mạng Việt Nam hiện nay, tác giả các bài viết - các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học - nghệ thuật và những người đã từng hoạt động, công tác cùng đồng chí Tố Hữu, bạn bè, người thân đã phải dành rất nhiều công sức, nhưng hơn tất cả, đó là tình cảm, là sự khâm phục, kính phục lớn lao đối với trí tuệ, tài năng, đạo đức của Tố Hữu.

Mỗi bài viết trong cuốn sách là những nét phác họa đa dạng, nhiều chiều về đồng chí Tố Hữu. Trong Lời điếu đồng chí Tố Hữu của Thủ tướng Phan Văn Khải; các bài viết của các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh, Trương Tấn Sang, Lê Ðức Anh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Ðồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Ðức Bình, Nguyễn Khoa Ðiềm, ... các vị lãnh đạo Ðảng qua các giai đoạn khác nhau, nhưng chung một lời đánh giá: Người chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhà chính trị ưu tú, nhà thơ cách mạng lớn, luôn luôn ở trong trái tim những người cộng sản Việt Nam cũng như trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Cũng chính những trang viết ấy đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn về đồng chí Tố Hữu, về một con người luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Suốt mấy chục năm hoạt động cách mạng, lúc bị tù đày đến những giai đoạn khốc liệt, gian khổ của cách mạng nước ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược, cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đồng chí luôn làm tròn trách nhiệm mà Đảng, Bác Hồ giao cho. Dù ở cương vị công tác nào, được giao bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí Tố Hữu đã thể hiện một người lãnh đạo mẫu mực, sáng tạo và một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống kiên cường, bất khuất của người cộng sản, giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng. Con người đồng chí rất gần gũi, thủy chung với đồng chí, với nhân dân và tính tiên phong, gương mẫu có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng, đến thành quả cách mạng của dân tộc.

Nhớ lại những kỷ niệm về Tố Hữu, Trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên - người đã tham gia phong trào Mặt trận Bình dân 1937 nhận định: "Thời bấy giờ đối với tôi và biết bao thanh niên khác, thơ Tố Hữu là một trong các yếu tố có tác động mạnh mẽ đến sự giác ngộ cách mạng". Qua những lần được làm việc với đồng chí, Trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên cảm nhận rằng: “không sáo mòn và khá sắc sảo về quan điểm tư tưởng, đường lối, chủ trương, sáng tạo, năng động, về khả năng tập hợp, đoàn kết, sức thuyết phục của một người chủ trì”.

Cuốn sách cũng đã tập hợp một số bài viết trước nay ít có về đồng chí Tố Hữu. Ðó là bài viết của những người làm kinh tế, làm khoa học kỹ thuật..., những bài viết soi tỏ những khía cạnh còn ẩn khuất trong sự nghiệp của Tố Hữu. Lâu nay, chúng ta biết đến Tố Hữu với tư cách là một nhà thơ, nhà chính trị. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm, đam mê, trí tuệ, Tố Hữu đã làm việc hết mình trên các lĩnh vực công tác mà Ðảng đã giao phó. Các tác giả: Vũ Ðình Liệu, Trần Phương, Nguyễn Ngọc Trìu, Ðoàn Duy Thành, Vũ Ðình Cự, Phạm Thành... đã viết về Tố Hữu trong công tác thủy sản, nông nghiệp, thương nghiệp, dầu khí, khoa học và công nghệ cao...

Với tác giả Trần Phương trong bài viết “Những kỷ niệm sâu sắc về anh Tố Hữu”, ông đã chia sẻ những câu chuyện về Tố Hữu khi đồng chí làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Tố Hữu đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, đồng chí Tố Hữu đã nhận ra việc đổi mới là một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Sau khi xuống Vĩnh Phú khảo sát thực tiễn và trao đổi với đồng chí Kim Ngọc rồi về Hải Phòng làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành, Bí thư Huyện ủy Đồ Sơn, Ban lãnh đạo Hợp tác xã Đoàn Xá, trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Tố Hữu hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến của nhân dân và tham gia xúc tiến việc ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư “Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp” (gọi tắt là Chỉ thị “Khoán 100”). Chỉ thị được ban hành là một dấu mốc quan trọng nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trong sản xuất nông nghiệp, mở đầu cho quá trình dân chủ hóa về mặt kinh tế, đưa ruộng đất gắn liền với người lao động, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, tạo động lực kích thích phát triển sản xuất.

Cùng với các hoạt động cách mạng, Tố Hữu đồng thời là một nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa - nghệ thuật và là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Những bài viết của các tác giả: Nguyễn Khoa Ðiềm, Nguyễn Ðình Hương, Trần Hoàn, Hữu Thọ, Hà Ðăng, Trần Lâm, Ðỗ Phượng, Vũ Khiêu, Nguyễn Duy Quý, Ðào Nguyên Cát, Vũ Hữu Ngoạn...; của các nhà văn, nhà phê bình văn học như: Ðặng Thai Mai, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Ðình Thi, Bảo Ðịnh Giang, Hữu Thỉnh... đã khá phong phú để nói lên sự nghiệp đồ sộ của nhà thơ dân tộc - nhà thơ thời đại Tố Hữu.

Có thể nói, cuốn sách như món quà có ý nghĩa tri ân về một con người - một con người bình dị, khiêm tốn, uy tín trong cuộc sống và phong cách lãnh đạo. Thông qua những bài viết đó đã thể hiện những phẩm chất cao quý, ngời sáng mà đồng chí Tố Hữu đã để lại cho đời sau hình ảnh một người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo có uy tín lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. Mong rằng cuốn sách sẽ được đọc và suy tưởng để cùng nhớ về một con người xiết bao thân yêu với mọi trái tim Việt Nam yêu nước qua bao đoạn đường máu lửa...

Bình luận