Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Ngày đăng: 24/03/2021 - 09:03

Sáng 23/3/2021, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi họp báo.

Tham dự buổi họp báo còn có các đồng chí: Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội; Trần Sỹ Thanh - Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội; Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh buổi họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Tại buổi họp báo, đồng chí Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thông tin về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 24/3/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 08/4/2021).

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, vì vậy bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Về công tác xây dựng pháp luật: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Về công tác giám sát và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước: Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021; Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).

Sau đó, Quốc hội dành khoảng 07 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Do sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới cho một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Chính trị đã tiến hành xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thống nhất cao cần sớm kiện toàn sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bộ Chính trị cũng đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin về chương trình và nội dung kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Về công tác thông tin, tuyên truyền tại Kỳ họp: Để bảo đảm công tác thông tin tuyên truyền về kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức và vận hành Trung tâm Báo chí kỳ họp tại tầng B1, Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội. Theo đó, Trung tâm Báo chí sẽ mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút hằng ngày (trừ những ngày Quốc hội nghỉ) để các phóng viên báo chí tác nghiệp; tổ chức phát thẻ sự kiện theo nguyên tắc ưu tiên các cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích sát với nội dung của buổi họp.

Theo đồng chí Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thực hiện nguyên tắc làm việc công khai của Quốc hội, tại kỳ họp này, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, tham gia đưa tin về chương trình nghị sự của Quốc hội. Theo chương trình dự kiến, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp, các phiên thảo luận về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1); Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.

Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại buổi họp báo về kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Tại kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với phóng viên tác nghiệp. Để bảo đảm công tác an ninh, trật tự trong việc tổ chức thành công kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đề nghị phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí luôn tuân thủ các quy định của Trung tâm Báo chí kỳ họp và hướng dẫn của Bộ phận an ninh kỳ họp, như: tác nghiệp đúng vị trí quy định khu vực dành cho báo chí; sử dụng đúng thẻ báo chí kỳ họp và thẻ sự kiện hằng ngày; không tự ý thực hiện việc phát thanh, truyền hình trực tiếp về các nội dung phiên họp khi không được sự đồng ý của Văn phòng Quốc hội.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về công tác nhân sự, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, để bảo đảm sự đồng bộ trong công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ dành khoảng 07 ngày để xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Quốc hội lần này chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không phải kiện toàn tất cả và đây là kiện toàn cho khóa XIV. Sau khi cuộc bầu cử diễn ra, đến tháng 7/2021, Quốc hội sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự cho khóa XV và việc tuyên thệ diễn ra bình thường theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí

Theo đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một người khi giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội thì phải tuyên thệ, đó là Hiến định. Có thể một người sắp tới đây được bầu là Chủ tịch nước của khóa XIV và đầu khóa sau tiếp tục được bầu giữ chức vụ này thì vẫn tuyên thệ nhậm chức. Việc kiện toàn nhân sự sớm nhằm bảo đảm các vị trí nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò, triển khai Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tổng số có 25 chức danh được kiện toàn tại kỳ họp này.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch nước, một số Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, bầu mới Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng như Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.

Đề cập về người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri cả nước mong muốn Quốc hội khóa mới bầu được những đại biểu xứng đáng. Hiện nay, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội vẫn đang trong quá trình hiệp thương lần thứ ba trước khi công bố danh sách. Vì thế, những kiến nghị liên quan đến người ứng cử vẫn được Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp nhận, tiếp thu để có một Quốc hội khóa XV đổi mới, đáp ứng được yêu cầu của cử tri.

Theo quochoi.vn

Bình luận