Mối quan hệ giữa bất biến và vạn biến, giữa cái không thay đổi và cái thay đổi, giữa bản thể và hiện tượng, giữa cái nhất (cái một) và cái đa (cái nhiều),... là vấn đề trung tâm của triết học xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể. Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, bản thể là vật chất, nhưng nó luôn vận động biến đổi, luôn chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác; nó bất sinh bất diệt. Trong thế giới không có gì khác ngoài những quá trình vật chất đang vận động, chuyển hóa lẫn nhau, là nguồn gốc, nguyên nhân, kết quả của nhau.
Đây là cơ sở lý luận để tiến hành phân tích cái bất biến và cái vạn biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cái bất biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập, tự do, hạnh phúc và dân chủ. Bốn cái bất biến này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau và được chia làm hai cấp độ: cấp độ thứ nhất là độc lập, còn cấp độ thứ hai là ba cái còn lại. Hai cấp độ này cũng không tách rời nhau khiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách Triết lý "Dĩ bất biến, ứng vạn biến“ trong tư tưởng Hồ Chí Minh do GS, TS. Nguyễn Hùng Hậu làm chủ biên nhằm phân tích, giới thiệu rõ hơn triết lý này trong tư tưởng của Người. Từ việc đưa ra những lý luận về mối quan hệ biện chứng giữa cái bất biến và cái vạn biến trong triết học, tác giả đã đi sâu vào phân tích cái bất biến và cái vạn biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời đưa ra mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Từ những phân tích, nghiên cứu này, cuốn sách đã nêu cái bất biến và cái vạn biến trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, những vận dụng triết lý này của Đảng và Nhà nước ta nhằm đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.