Trần Đức Thảo Tuyển tập, tập 1

Ngày đăng: 30/10/2017 - 14:10

Giáo sư Trần Đức Thảo (1917-1993) là nhà triết học có uy tín trong và ngoài nước, học giả uyên bác của Việt Nam. Trần Đức Thảo là nhà hiện tượng học nổi danh với tư duy sắc sảo có khả năng soi chiếu các vấn đề phức tạp nhất của triết học. Tư tưởng của Trần Đức Thảo trải rộng trên rất nhiều vấn đề, từ triết học đến sử học, nhân học, sinh học, ngôn ngữ học, văn học, tôn giáo học… Những vấn đề ông quan tâm cũng là những nội dung rất căn cốt của triết học Mác - Lênin, như chủ nghĩa duy vật, phép biện chứng, bản thể luận, nhận thức luận, lôgích học, cùng những đề tài nhân sinh liên quan trực tiếp đến số phận và hoạt động của con người, của xã hội...

tran duc thao20102017

Từ khi tiếp cận chủ nghĩa Mác (Marx) đến khi qua đời, ông đã dành toàn bộ thời gian để hiện thực hóa phương pháp luận mácxít, làm cho triết học gắn chặt với đời sống xã hội và vận mệnh dân tộc, được đánh giá là người có nhiều công lao trong việc phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác.

Vừa có tư duy lôgích sắc sảo, ông lại có một năng lực trừu tượng hóa cao và khả năng biết đặt ra và giải quyết các vấn đề triết học dưới ánh sáng của những phát kiến khoa học mới bằng các phương pháp nghiên cứu liên ngành. Suốt đời cống hiến cho khoa học, luôn luôn suy tư về triết học, GS. Trần Đức Thảo đã để lại một di sản triết học đồ sộ với hàng trăm tác phẩm được viết bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Đức. Các tác phẩm của GS. Trần Đức Thảo được nghiên cứu nhiều ở nước ngoài, được giới triết học phương Tây đánh giá rất cao. Phần lớn các tác phẩm của ông được xuất bản ở Pháp, bằng tiếng Pháp, rồi được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và được xuất bản ở các nước như Hunggari, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản... Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có một phần nhỏ các tác phẩm của ông được giới thiệu với bạn đọc trong nước.

Bộ sách Trần Đức Thảo tuyển tập (dự kiến 3 tập) bao gồm những tác phẩm chủ yếu của GS. Trần Đức Thảo từ năm 1946 đến khi ông qua đời. Bộ sách là một tài liệu rất có giá trị, giúp bạn đọc, nhất là những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực triết học, có thể tiếp cận, tìm hiểu một cách có hệ thống, toàn diện và thấu đáo hơn những giá trị tư tưởng triết học của GS. Trần Đức Thảo, cũng như năng lực tư duy khoa học của ông.

Tập I Tuyển tập Trần Đức Thảo được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (26-9-1917 – 26-9-2017), gồm 16 công trình, sớm nhất là bài Về Đông Dương.

Bài Về Đông Dương được viết trong xà lim nhà tù Prison de la Santé từ tháng 9 đến tháng 12-1945 lúc ông bị bắt vì các phát ngôn nhiệt liệt ủng hộ nền độc lập của Đông Dương. Trong bài viết này, nhà yêu nước trẻ tuổi - nhà triết học tương lai - lên án mạnh mẽ sự hà khắc và “mức độ tàn bạo hiếm có” (tr.36) của thực dân Pháp và cho rằng, nếu không bị đô hộ trong 80 năm thì Đông Dương đã “có đủ thời gian cần thiết” để trở thành một xứ hiện đại; nó sẽ trở thành một xứ “hiện đại nếu không có chế độ thực dân” (tr.22). Đặc biệt, ngay lúc bấy giờ ông đã khẳng định chắc chắn rằng, “chế độ đó không thể cải cách được mà chỉ có thể bị xóa bỏ” (tr.50) khi đó mới có thể “tạo ra một quốc gia mới” (tr.50).

Thái độ chống các quan lại thực dân Pháp nói riêng và chủ nghĩa thực dân Pháp nói chung ở Đông Dương của Trần Đức Thảo bộc lộ rõ trong bài Các quan hệ Pháp - Việt Nam. Ông viết: “Những người Pháp ở Đông Dương không bao giờ che giấu thái độ phản động và sự đồng tình của họ đối với chủ nghĩa phát xít” (tr.71). Tuy vậy, “Việt Minh không chống lại những người da trắng hay văn minh phương Tây, mà chỉ đơn giản là chống lại chế độ thực dân” (tr.71). Việt Nam rất muốn có hòa bình và đã nhượng bộ để cố gắng cứu vãn hòa bình, song sự khiêu khích và sự lấn tới của thực dân Pháp đã buộc Việt Nam phải chiến đấu và “cuộc kháng chiến vũ trang là cách duy nhất mà nó có được để bảo vệ các quyền của mình” (tr.88).

Trần Đức Thảo cũng kịch liệt chống lại cách nhìn nhận sai trái về các sự kiện diễn ra ở Đông Dương trong bài Sự diễn giải các sự kiện Đông Dương theo chủ nghĩa Trotsky.

Điều đặc biệt là khi đọc các công trình trên đây của Trần Đức Thảo, chúng ta thấy rõ rằng, nhà triết học không mô tả các sự kiện một cách giản đơn mà luôn đặt các sự kiện đó trong mối tương quan với triết học và từ cách nhìn triết học. Dưới ngòi bút của Trần Đức Thảo, triết học luôn gắn chặt với hiện thực sống động của cuộc sống xã hội.

Một số công trình nghiên cứu giai đoạn sau khi ông trở về nước tham gia kháng chiến và giảng dạy đại học được in trong Tuyển tập tập I này liên quan đến lĩnh vực lịch sử nước nhà, đến những tác phẩm được ông gọi là các tác phẩm văn học bất hủ, “những áng văn kiệt tác” (tr.681), những “tác phẩm thiên tài của văn hóa dân tộc” (tr.690) như Bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo và xã hội Việt Nam trong thời kỳ thịnh của chế độ phong kiến hoặc bài Nội dung xã hội “Truyện Kiều”.

Trong hai công trình Những bước tiến hóa của hệ thần kinhBiện chứng pháp của hệ thần kinh, Trần Đức Thảo trình bày khá cặn kẽ, theo sự hiểu biết khoa học của thời đó, về các bước tiến hóa của hệ thần kinh dẫn đến khả năng phản ánh thực tại khách quan ở các trình độ khác nhau ở động vật và khả năng cao nhất là sự nhận thức ở con người.

Phần lớn các công trình được đưa vào tập I liên quan đến chủ đề lịch sử triết học trong đó có triết học Hêghen (Hegel), triết học của chủ nghĩa Mác, triết học hiện sinh, hiện tượng học; đến mối quan hệ giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính những công trình trong nhóm đề tài này, nhất là Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, đã làm nên tên tuổi của GS. Trần Đức Thảo trong triết học thế giới.

Trong bài Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học (1946) lần đầu tiên Trần Đức Thảo xem xét mối quan hệ giữa các học thuyết của hai trường phái này. Ông nhận xét xác đáng rằng, “hiện tượng học chỉ mới là lời kêu gọi của cảm thức hành động hơn là sự hướng dẫn cho một hành động thực tế” (tr.54), trong khi đó “bản chất của phân tích marxiste, với tư cách là phân tích thực tiễn, chủ yếu là để rút ra, từ sự phân tích thực tại, đòi hỏi của một sự vượt quá biện chứng, nơi sự thật của nó được thực hiện” (tr.66).

Trần Đức Thảo khảo cứu và rút ra những điểm giá trị trong triết học Hêghen trong công trình “Hạt nhân duy lý” trong phép biện chứng của Hegel (1956). Theo ông, “trong triết học của Hegel, nơi tư tưởng của phương Tây trước Marx đạt tới đỉnh cao nhất, lịch sử của thế giới được biểu lộ trong những quan điểm biện chứng của nó, với những mâu thuẫn nội tại, trong tư tưởng của mỗi thời kỳ, dẫn tới sự thủ tiêu các hình thái cũ và tiến lên một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, Hegel đã chỉ mô tả quá trình đó một cách trừu tượng trong phạm vi thuần túy của tinh thần” (tr.786-787), còn chính Mác và Ăngghen mới là những người đã cải tạo phép biện chứng đó của Hêghen thành phép biện chứng duy vật. Ông đánh giá rằng, mặc dù “phép biện chứng duy nhất có tính xác thực là phép biện chứng duy vật” (tr.791), “tuy nhiên triết học Hegel vẫn giữ nguyên giá trị tiến bộ của nó” (tr.791).

Bạn đọc có thể tìm thấy trong bài Chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1949) mối quan hệ giữa hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh với triết học Mác qua đánh giá sau đây: “Hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh là những nỗ lực có nhiều triển vọng nhất, trong sự trở về với cái cụ thể, chính là ở trong phép biện chứng nội tại của chúng mà chúng ta sẽ tìm thấy một sự dẫn dắt tự nhiên đi tới các khái niệm của học thuyết của Marx” (tr.151). Đây thật sự là cái nhìn khách quan về những điểm chung của ba trường phái triết học lớn của thế giới. Tuy nhiên, càng về sau Trần Đức Thảo càng xa rời cả hai học thuyết này để đứng về phía duy vật biện chứng.

Có nhiều điều bổ ích cho người đọc khi đọc phần GS. Trần Đức Thảo phân tích, đối chiếu, so sánh quan điểm của Đềcác (Descartes) và của Huxen (Husserl) về nhận thức, về phép quy giản hiện tượng học trong bài Những nguồn gốc của phép quy giản hiện tượng học (được hoàn thành từ năm 1944 nhưng mãi đến năm 1949 mới được xuất bản). Theo tác giả, “phép quy giản hiện tượng học chỉ cụ thể hóa ý nghĩa của lĩnh vực đã được chủ đề hóa trước hết bởi cái cogito của Descartes” (tr.297).

Những ai quan tâm đến sự tiến triển của triết học từ cổ đại cho đến nay có thể tìm thấy nhiều điều bổ ích trong công trình Triết lý đã đi đến đâu? (1950). Trong công trình này, Trần Đức Thảo đã xem xét sự ra đời, sự tiến triển của các học thuyết triết học gắn liền với các giai đoạn lịch sử phát triển của xã hội. Sau những trăn trở, suy tư xem triết lý đã đi đến đâu, ông đã đến với chủ nghĩa Mác và phép biện chứng duy vật, vì như ông viết: “Chủ nghĩa Marx được chúng tôi xem là giải pháp duy nhất có thể hình dung cho những vấn đề mà chính hiện tượng học nêu ra” (tr.244). Riêng đối với chủ thể nhận thức thì “chỉ duy nhất phép biện chứng duy vật cho phép chủ thể tự hiểu mình và tự làm chủ bản thân mình trong hiện thực thực sự của tồn tại của nó” (tr.520).

Như trên đã nói, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, chính là công trình đã làm nên tên tuổi của GS. Trần Đức Thảo, trong triết học thế giới. Đọc công trình này, chúng ta thấy được sự uyên bác của ông về rất nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, từ các khoa học như kinh tế học, tâm lý học, sinh học cho đến các khoa học trừu tượng như toán học, lôgích học, v.v.. Sự thật là, để đi đến công trình này, ngay từ năm 1942 ông đã bắt đầu quan tâm đến hiện tượng học và liên tục những năm sau đó ông nung nấu về chủ đề này, tập trung mọi tinh lực suy tư về nó, tìm tòi tư liệu ở mọi nơi, nhất là thu thập, khai thác, nghiền ngẫm thấu đáo những công trình của Huxen.

Có thể nói, Trần Đức Thảo đã trình bày cực kỳ chặt chẽ, đầy đủ và trung thành nguyên vẹn về một Huxen. Bên cạnh việc đưa ra những nhận xét phê phán hoặc không đồng tình đối với Huxen, Trần Đức Thảo đã đưa ra một đánh giá khá chuẩn xác giá trị và công lao của hiện tượng học. Ông viết: “Giá trị chủ yếu của hiện tượng học là đã hoàn toàn vứt bỏ chủ nghĩa hình thức trong chính quan điểm của chủ nghĩa duy tâm và đã đặt mọi vấn đề về giá trị trên lãnh địa của cái cụ thể” (tr.260). Cái cụ thể ở đây chính là “những vật” đã được Huxen nói đến. Trần Đức Thảo giải thích rằng, “vật” hay “những vật” chính là “tính vĩnh hằng của các bản chất đến tính chủ quan được cảm nhận” (tr.260).

Trong một lời giới thiệu rất ngắn công trình lớn này của GS. Trần Đức Thảo, chúng tôi không thể nào dẫn ra đầy đủ và chi tiết tất cả các nội dung hết sức phong phú và quan trọng chứa đựng trong nó. Song, chắc chắn một điều là sự gặp gỡ của Trần Đức Thảo với triết học của Mác mà “tính xác thực của chủ nghĩa duy vật biện chứng được chứng minh trong tính biện chứng lịch sử hiện thực” (tr.259) trên cơ sở thực tiễn xã hội sống động trên thế giới và của cuộc kháng chiến chống thực dân của nhân dân Việt Nam đã đưa triết học của ông thành triết học chính trị - hành động và trên con đường tiến tới triết học duy vật nhân văn của chủ nghĩa Mác.

GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn

TS. Võ Văn Bé

Bình luận