Để phục vụ cho việc nghiên cứu, quán triệt, học tập và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Về quá trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Sách do PGS, TS. Lê Minh Quân, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn.
Ngoài lời mở đầu và kết luận, cuốn sách gồm 9 chương:
Chương 1: Dân chủ và dân chủ hóa - những lý thuyết và mô hình chủ yếu.
Chương 2: Những xu hướng phát triển mới của thế giới với dân chủ hóa hiện nay.
Chương 3: Quá trình dân chủ hóa trên thế giới hiện nay.
Chương 4: Dân chủ hóa trong quá trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
Chương 5: Xây dựng nhà nước pháp quyền với dân chủ hóa ở Việt Nam hiện nay.
Chương 6: Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực với dân chủ hóa ở Việt Nam hiện nay.
Chương 7: Phát triển xã hội công dân với dân chủ hóa ở Việt Nam hiện nay.
Chương 8: Mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng với dân chủ hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Chương 9: Dân chủ hóa ở cơ sở nước ta hiện nay.
Trên cơ sở tìm hiểu các quan niệm và khái niệm lý thuyết và mô hình dân chủ hóa, những yếu tố tác động và quá trình dân chủ hóa trên thế giới, cuốn sách phân tích nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của quá trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Tác giả đã phân tích làm rõ dân chủ luôn là ước vọng của con người trong mọi thời đại. Nó cần như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của một nhà nước. Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh, muốn có nó phải đấu tranh, thậm chí phải hy sinh xương máu.
Dân chủ và cuộc đấu tranh vì dân chủ hay dân chủ hóa, cũng như hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển, là một xu thế lớn của thời đại. Cuộc đấu tranh vì dân chủ, cũng như vì hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đã và đang có những bước tiến mới. Hơn thế, dân chủ và dân chủ hóa còn ngày càng trở thành mục tiêu và động lực, nội dung và phương thức của phát triển xã hội theo hướng bền vững.
Ở nước ta hiện nay, dân chủ trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới. Vấn đề dân chủ và dân chủ hóa ngày càng có tầm quan trọng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, những khó khăn, thách thức trong quá trình dân chủ hóa cũng cản trở công cuộc phát triển đất nước. Nhận thức về vấn đề dân chủ đã khó khăn và phức tạp, nhưng nhận thức về dân chủ hóa hay quá trình hiện thực hóa những mơ ước, những giá trị dân chủ trong đời sống còn khó khăn và phức tạp hơn. Những vấn đề về mục tiêu, động lực, nội dung, hình thức và phương pháp; nguyên nhân, kinh nghiệm, nguyên tắc, phương châm và bước đi của dân chủ hóa luôn là những vấn đề khó khăn và mới mẻ đòi hỏi phải giải quyết.