Vận dụng tư tưởng khoan dung trong bối cảnh Việt Nam hiện nay

Ngày đăng: 06/09/2016 - 08:09

Khoan dung là một phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của con người. Trong cuộc sống đời thường, khoan dung được hiểu một cách đơn giản là biết tha thứ, bỏ qua những sai lầm của người khác. Tuy nhiên, khi đọc cuốn sách Vận dụng tư tưởng khoan dung trong bối cảnh Việt Nam hiện nay của TS. Nguyễn Thị Phương Mai, bạn đọc sẽ được tiếp cận khái niệm này một cách cặn kẽ với những khía cạnh sâu xa, mang tính triết học và lý luận sâu sắc.

nghi-luan-xa-hoi-ve-long-khoan-dung

Cuốn sách trình bày khái lược về sự ra đời, phát triển của tư tưởng khoan dung trong lịch sử triết học, đặc biệt là tư tưởng khoan dung trong nhận thức và hoạt động của Mahatma Gandhi (nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ) và của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như việc vận dụng tư tưởng đó vào bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Van dungkhoan dungCuốn sách đã đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau về khoan dung dưới nhiều góc độ. Chẳng hạn như: trong Từ điển bách khoa Việt Nam, khoan dung là thái độ ứng xử rộng lượng của người trên đối với người dưới quyền; trong tiếng Latinh là phẩm chất đặc trưng cho thái độ đối với những người khác cũng như đối với cá nhân có phẩm giá bình đẳng với mình... Ngoài ra, khoan dung còn có nghĩa khác là chịu đựng, nhẫn nhục, kiên tâm một cách thụ động, là tự nguyện đón nhận những đau khổ,... Hay theo một số quan điểm khác: khoan dung là tôn trọng, chấp nhận và đánh giá cao tính phong phú, đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người, khoan dung không phải là sự nhượng bộ, sự hạ mình hay nhận đặc ân,... Với sự đa dạng trong cách hiểu thế nào là khoan dung?, đã cho thấy đây là một khái niệm có nội hàm phong phú. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đã trình bày khá cụ thể về sự ra đời và phát triển của tư tưởng khoan dung qua các thời kỳ khác nhau với những đặc điểm mang tính xã hội.

Để hiểu giá trị tích cực của khoan dung, tác giả cuốn sách tập trung phân tích tư tưởng khoan dung của hai nhà cách mạng, hai nhà tư tưởng là Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là những đại diện tiêu biểu nhất có đóng góp to lớn cho tư tưởng khoan dung, đã được UNESCO công nhận và tôn vinh là các nhà văn hóa lớn của nhân loại. Việc tiếp biến tư tưởng khoan dung từ lịch sử xa xưa cho đến hiện tại ở Mahatma Gandhi có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn đến hướng đi trong đường lối chính trị của Ấn Độ, không chỉ ở thời đại của ông mà cả trong giai đoạn hiện nay. Tư tưởng khoan dung của ông là sự kết hợp tích cực từ truyền thống Ấn Độ giáo, từ tư tưởng khoan dung phương Tây và từ kinh nghiệm thực tiễn. Với Mahatma Gandhi, khoan dung không chỉ bó gọn trong việc điều chỉnh hành vi đạo đức, thể hiện sự tôn trọng tự do tín ngưỡng; mà nó còn trở thành điều kiện thể hiện tôn trọng sự sống, hướng đến sự bình đẳng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, điều này được ông thể hiện cụ thể trong việc đề xuất, thực hiện xóa bỏ chế độ đẳng cấp khắc nghiệt ở Ấn Độ.

Còn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng khoan dung không phải chỉ là sách lược tình thế của một nhà cách mạng, không phải là sự "hạ cố" của "bề trên" với "người dưới" mà được xây dựng trên tinh thần nhân ái, niềm tin vào bản chất tốt đẹp, vào khả năng hướng thiện của con người để cổ vũ, lôi cuốn họ vào sự nghiệp giải phóng con người. Tư tưởng khoan dung của Người không phải là tình yêu thương chung chung, là sự thỏa hiệp vô nguyên tắc hay nhượng bộ vô điều kiện mà nó phải được xây dựng trên nền tảng của công lý, chính nghĩa, là thái độ kiên quyết chống lại chiến tranh và tội ác, chống lại mọi áp bức, bất công. Nhìn chung, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng khoan dung của Người không bó hẹp trong phạm vi đạo đức cá nhân hay dân tộc, mà đã mở ra tầm nhân loại. Trong tư tưởng khoan dung của Người có sự kết tinh của tình hữu nghị, yêu thương, tôn trọng và đoàn kết vì hòa bình giữa các dân tộc, chủng tộc, tôn giáo. Như vậy, bằng việc phân tích một cách sâu sắc tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh, cuốn sách đã cho thấy điểm nổi trội trong tư tưởng khoan dung của Người thể hiện ở chỗ: Người không đứng trên nhân dân, không đứng ngoài nhân dân để ban phát khoan dung; trái lại tư tưởng khoan dung của Người thể hiện ở sự hòa hợp, gắn bó keo sơn giữa lãnh tụ với nhân dân.

Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở hai đất nước với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong hoạt động và tư tưởng của hai lãnh tụ đều có điểm giống nhau, đó là sự tôn trọng con người ở mọi phương diện. Về phương pháp đấu tranh của mỗi người cũng khác nhau, song điểm xuất phát giống nhau ở chỗ đều tôn trọng sự sống, tự do tín ngưỡng của mỗi người, tôn trọng đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc.

Với những nội dung cuốn sách cung cấp đã cho thấy, sự nhận thức và luận giải về tư tưởng khoan dung cũng chi phối nhất định đến việc xây dựng đường lối, các chính sách đối ngoại và đối nội trong quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia. Theo đó, khoan dung có vai trò quan trọng đặc biệt trong thời đại ngày nay. Bởi Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác đang đứng trước những thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trước tình hình đó, chúng ta cần phải đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa thế giới hiện đại. Chúng ta phải kịp thời đấu tranh với những xâm nhập văn hóa độc hại, coi thường giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, trong đó có truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc. Cuốn sách cũng cho rằng, để loại bỏ được những thói xấu đó thì tinh thần khoan dung phải được giáo dục thành nhân sinh quan, thành nếp sống, và phải được truyền bá rộng rãi bằng giáo dục,... Đặc biệt, để kế thừa và phát triển tư tưởng khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương quan trọng như phát động thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong đó có việc giáo dục đạo đức văn hóa khoan dung cho thế hệ trẻ,... Trải qua nhiều thế hệ tư tưởng khoan dung ngày càng được gạn lọc và bồi đắp thêm. Nhờ có khoan dung, chúng ta đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc chống xâm lược. Khoan dung là phương thức hữu hiệu để bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa. Kế thừa tư tưởng khoan dung trong truyền thống và từ tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước phát triển thêm tư tưởng khoan dung thông qua việc thực hiện dân chủ hóa toàn diện các mặt của đời sống xã hội, từ lĩnh vực kinh tế, chính trị cho đến văn hóa, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền hòa bình bền vững trên trái đất.

Với những lập luận cùng những phân tích chặt chẽ, sâu sắc, cuốn sách sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về một giá trị truyền thống đáng quý của dân tộc cũng như thấy được giá trị mang tầm thời đại của tư tưởng khoan dung. Đặc biệt, trong một xã hội đầy biến động như hiện nay, những nội dung trong cuốn sách sẽ là những chỉ dẫn quan trọng góp phần vào quá trình xây dựng, đoàn kết gắn bó giữa con người với con người, giữa các dân tộc, quốc gia trên thế giới với nhau.

Bùi Thu

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả