Xu hướng đa cực, đa trung tâm
Khi dự báo tình hình thế giới trong những năm sắp tới, Đại hội XII của Đảng đã nêu: "Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn"[1]. Nhận định đó phản ánh một xu hướng biến đổi của tình hình thế giới trong những thập niên gần đây và sắp tới.
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã, "chiến tranh lạnh" và trật tự thế giới hai cực kết thúc. Mỹ muốn thiết lập một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu để lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhất là trong 10 năm gần đây, tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, thế giới từng bước chuyển từ đơn cực sang đa cực, đa trung tâm do tương quan lực lượng, sức mạnh của các nước lớn có sự thay đổi nhanh chóng.
Mỹ hiện nay tuy vẫn là cường quốc số một thế giới, song Mỹ đã suy giảm sức mạnh tương đối trong tương quan so sánh với các cường quốc khác. Mỹ vẫn là nền kinh tế số một thế giới, tính chung cả về tổng GDP, lĩnh vực vốn và khoa học - công nghệ, những vị thế đó đang đứng trước những thách thức to lớn, ngày càng bị thu hẹp với các trung tâm quyền lực khác. Mỹ từ chỗ chiếm 31% năm 2000 giảm xuống còn khoảng 20% GDP toàn cầu hiện nay. Năm 2000, GDP của Mỹ gấp 12 lần của Trung Quốc, nhưng đến năm 2012 chỉ còn gấp khoảng 1,9 lần. Trong khi đó thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng tăng, lên đến gần 1.100 tỷ USD năm 2012. Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài về kinh tế, hàng tiêu dùng hầu như phụ thuộc vào nhập khẩu, trở thành con nợ lớn nhất thế giới với tổng số nợ nước ngoài lên đến 4.500 tỷ USD (riêng nợ của Trung Quốc là 1,6 nghìn tỷ USD). Về chính trị, vị thế và uy tín của Mỹ có chiều hướng ngày càng giảm sút. Sức mạnh quân sự của Mỹ tuy còn vượt trội so với các quốc gia trên thế giới, nhưng khoảng cách so với các nước như Nga, Trung Quốc đang bị thu hẹp dần. Không phải cái gì Mỹ muốn đều có thể làm được.
Trong khi đó, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ và sức mạnh quân sự không ngừng được nâng cao. Sau hơn 30 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đạt được những thành tựu thần kỳ, kinh tế phát triển nhanh liên tục (tốc độ trung bình 9,7%/năm), với GDP năm 2012 lên hơn 8.200 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1980, GDP của Trung Quốc (khoảng 189 tỷ USD) bằng 17,4% GDP của Nhật Bản (1.087 tỷ USD) và bằng 6,6% GDP của Mỹ (2.863 tỷ USD); nhưng 32 năm sau (năm 2012), với khoảng 8.227 tỷ USD, GDP của Trung Quốc đã vượt GDP của Nhật Bản và bằng 50,6% GDP của Mỹ (16.245 tỷ USD). Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lên đến 3.312 tỉ USD, đứng hàng đầu thế giới. Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quốc phòng - an ninh, trở thành cường quốc toàn cầu, có vai trò quyết định các vấn đề quốc tế; ngân sách cho quốc phòng năm 2012 là 106,6 tỷ USD (đứng thứ hai sau Mỹ). Trung Quốc cũng trở thành cường quốc tầm cỡ thế giới về khoa học - công nghệ, được xếp hàng đầu thế giới về những ngành khoa học - công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, vũ trụ, gien, công nghệ xanh,...
Nước Nga đã có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trở lại là một trong những nước lớn hàng đầu về kinh tế, quân sự. Sau thời gian suy giảm kéo dài, từ năm 2000 đến năm 2014, kinh tế Nga đã có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6 - 7%/năm. GDP của Nga đạt khoảng 1.954 tỷ USD, có dự trữ ngoại tệ lên tới 527 tỷ USD (đứng thứ ba thế giới). Nga tiếp tục duy trì vị trí cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Liên minh châu Âu (EU) ngày càng có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu về kinh tế, EU với 27 nước thành viên là một thực thể kinh tế lớn, có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới. Năm 2012, GDP của EU đạt khoảng hơn 16.210 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng GDP toàn cầu. EU còn là một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của thế giới, nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ đứng đầu thế giới. EU có vai trò quan trọng trong việc thiết lập phần lớn các luật lệ thương mại và tài chính quốc tế thông qua các thể chế tài chính quốc tế như G8, IMF, WB, WTO,...
Nhật Bản tiếp tục duy trì địa vị cường quốc kinh tế, từng bước tăng cường sức mạnh về chính trị và quân sự, ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Năm 2012, GDP của Nhật Bản đạt khoảng 6.072 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản có nền khoa học - công nghệ phát triển cao, nhiều ngành khoa học - công nghệ của Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới, nhất là công nghệ cao.
Ấn Độ đang phát triển để trở thành cường quốc kinh tế, quân sự. Sau 20 năm cải cách kinh tế, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế luôn duy trì tốc độ phát triển ở mức cao (bình quân 7%/năm), trở thành một trong mười nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Năm 2012, GDP của Ấn Độ đạt khoảng 1.743 tỷ USD. Ấn Độ là nước có lực lượng lao động đông, tay nghề cao, giỏi tiếng Anh nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế tri thức. Ấn Độ có tiềm lực quân sự mạnh, là cường quốc quân sự ở khu vực.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nước lớn và sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nước đó, trong những năm qua, thông qua quá trình hợp tác, liên kết, cạnh tranh, đấu tranh, đã hình thành nhiều trung tâm, nhiều tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế mới trong một thế giới kết nối, toàn cầu hóa. Chẳng hạn: Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi (BRIC); Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Hợp tác kinh tế Á - Âu (ASEM); Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột kinh tế, văn hoá - xã hội, chính trị - an ninh; Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR); Khu vực tự do thương mại châu Mỹ (FTAA); Các tổ chức kinh tế và chính trị (không có Mỹ) ALBA ở châu Mỹ; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),...
(Trích trong sách:Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016)