Xuất bản loạt sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 26/06/2015 - 10:06

Cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời cùng những tác phẩm giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những di sản vô cùng quý báu mà Người để lại cho toàn dân tộc ta. Đến nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nghiên cứu, học tập trước tác của Người vẫn luôn là nhu cầu bức thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam. Vừa qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tổ chức biên soạn, xuất bản sêri sách về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhằm phục vụ thiết thực nhu cầu nghiên cứu, học tập của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Xuat ban loat sach HCM

Sêri sách gồm 22 cuốn, chủ yếu là các tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách của các học giả uy tín, của những người thân cận với Bác Hồ viết về Người. Qua những kỷ niệm, sự kiện, những mẩu chuyện được góp nhặt, chuyển tải bằng những cảm xúc, tình cảm dạt dào, bằng tất cả lòng kính trọng, ngưỡng mộ nhưng rất chân thành, toàn bộ chân dung một con người vĩ đại mà thật gần gũi, cao cả mà thật bình dị dường như được khắc họa lại thật rõ ràng, nổi bật từ những trang sách nhỏ bé. Điều đặc biệt là sêri sách này không phải là những cuốn sách nặng trịch, dày cộp, trình bày khô cứng như trong hình dung, quan niệm của nhiều người về sách chính trị, mà là những cuốn sách nhỏ xinh, mỏng nhẹ, có thể cầm gọn trong lòng bàn tay, thậm chí là bỏ túi được khi đi du lịch hoặc di chuyển. Các cuốn sách này được trình bày dễ đọc, bắt mắt, sinh động, bìa in chữ nổi, thiết kế đẹp. Sách được tổ chức phát hành rộng khắp trong toàn quốc, trong đó tập trung phát hành tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Khu di tích Kim Liên.

Không chỉ là một vị anh hùng dân tộc, Hồ Chí Minh còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người đã để lại một sự nghiệp văn chương vừa phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, vừa sâu sắc về tư tưởng, là những di sản tinh thần vô giá, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Trong số hàng trăm tác phẩm thơ ca, truyện, ký, văn chính luận của Người, trong lần xuất bản này, Nhà xuất bản lựa chọn giới thiệu tới bạn đọc một số tác phẩm nổi tiếng, được xem là mẫu mực, như: Nhật ký trong tù, Lịch sử nước ta, Sửa đổi lối làm việc, Đời sống mới, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Di chúc...

Trong di sản thơ ca của Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù là tập thơ tiêu biểu nhất, một tác phẩm văn học xuất sắc, giàu giá trị nghệ thuật, được đánh giá là một văn kiện lịch sử quan trọng, có tác dụng giáo dục sâu sắc phẩm chất và đạo đức cách mạng cho nhiều thế hệ. Gồm 133 bài thơ, tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về sự tàn bạo của nhà tù Quốc Dân đảng, vừa phản ánh tâm hồn, nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh nặng nề và khắc nghiệt nhất.

Lịch sử nước ta là một bài diễn ca lịch sử được diễn đạt bằng thể thơ lục bát, gồm 208 câu. Là một tác phẩm tuyên truyền, cổ động, nên Lịch sử nước ta được Người viết rất ngắn gọn với câu từ dễ hiểu, đại chúng, nội dung phong phú, gần gũi, súc tích, hàm chứa ý nghĩa tập hợp, đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc. Không chỉ là tác phẩm có giá trị đặc biệt về phương diện sử học, giúp cho người dân Việt Nam hiểu tường tận gốc tích, cội nguồn của dân tộc mình, đất nước mình, tác phẩm còn thể hiện dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời điểm Việt Nam giành được độc lập, chứng tỏ sự nhạy cảm đặc biệt của Người đối với lịch sử, vận mệnh dân tộc, nắm bắt chiều hướng phát triển của thời đại.

Sửa đổi lối làm việcĐời sống mới là những tác phẩm có tính định hướng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thời đại mới. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra vô cùng ác liệt, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, với quan điểm cốt lõi: coi cán bộ là gốc của mọi công việc và huấn luyện, giáo dục tư cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ phải là công việc gốc của Đảng. Trong tác phẩm, Bác chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, những thói hư tật xấu của một số cán bộ, đảng viên lúc đó, đến nay, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn, là bài học bổ ích, thiết thực trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Cũng trong năm 1947, Bác viết tác phẩm Đời sống mới dưới bút danh Tân Sinh, chỉ rõ bước đường đời sống mới một cách vắn tắt, rõ ràng, thiết thực, dễ hiểu, nhằm giáo dục cho cán bộ, nhân dân nếp sống mới, yêu nước, cần kiệm liêm chính, chỉ đạo và động viên phong trào “Xây dựng đời sống mới” trong nhân dân sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Vừa đi đường vừa kể chuyện ghi lại một số mẩu chuyện về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính Người kể trên đường ra mặt trận trong chiến dịch Biên giới 1950. Những câu chuyện đầy xúc động như thể giúp cho con đường ngắn bớt và xua tan mệt mỏi, qua đó giúp người nghe hình dung về dòng chảy hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác khoảng từ năm 1923 đến trước ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.

Khởi thảo từ năm 1965, đến 1969 thì hoàn thành, bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào từng câu chữ muôn vàn tình thương yêu đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Di chúc của Bác không chỉ là những lời căn dặn của vị Cha già dân tộc mà còn là nguồn cổ vũ lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành di sản tinh thần vô giá để lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Tuy nhiên, muốn nắm được những thông tin cơ bản nhất, nhưng cũng quan trọng nhất cho mỗi người khi nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc giả nên tìm đọc cuốn sách Hồ Chí Minh - Tiểu sử. Cuốn sách trình bày một cách hệ thống, ngắn gọn, cô đọng về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng đạo đức của Người.

Để có cái nhìn toàn diện, khách quan về tầm vóc, tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu, tìm đọc những tác phẩm viết về Người cũng là việc làm cần thiết. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc và là người bạn chiến đấu gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tác phẩm Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gì? đã đúc rút lại những điểm cốt yếu mà chúng ta cần học ở Người như: học trung với nước, hiếu với dân; học đoàn kết toàn dân; học phấn đấu; học cần, kiệm, liêm, chính... Còn thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một “người giúp việc” thực thụ và gần gũi với Bác, đồng chí Vũ Kỳ, là người duy nhất biết rõ việc Bác Hồ viết Di chúc. Trong bốn năm Bác viết bản Di chúc, ngoài đồng chí Vũ Kỳ, không ai biết việc làm này của Bác. Trong hồi ký Bác Hồ viết Di chúc, đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại việc làm thiêng liêng của bậc vĩ nhân qua những trang viết chân thực, làm xúc động lòng người. Còn các tác phẩm Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của GS. Trần Văn Giàu và Học tập đạo đức Bác Hồ của GS. Vũ Khiêu lại cho người đọc cảm nhận, ở con người Hồ Chí Minh, sự vĩ đại không chỉ được tạo nên từ những tư tưởng, những suy nghĩ và những hành động vĩ đại, mà còn được tạo nên bởi những điều giản dị nhất. Qua sự thể hiện chân thành mà sâu sắc của hai học giả, chân dung con người vĩ đại Hồ Chí Minh được phác họa từ những nét cơ bản, thanh cao nhất.

Thông qua các cuốn sách Hồ Chí Minh về suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị hay Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người đọc lại được tiếp cận tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách linh hoạt, đa diện từ nhiều khía cạnh. Từ những câu chuyện nhỏ, cảm động, những trích dẫn tiêu biểu từ những bài nói, bài viết của Người là những bài học để chúng ta suy ngẫm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Ngoài ra, độc giả có thể tìm thấy nhiều hơn nữa những bài học bổ ích, những câu chuyện vui, cảm động, những phác họa chân thực, những phẩm chất cao đẹp, đáng học tập từ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều tác phẩm khác của Người và các tác phẩm viết về Người trong số các đề tài sách xuất bản lần này.

Giao Linh

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)


 

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả