Trong khối di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản đã được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là: Cuốn sách Đường cách mệnh, tác phẩm Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu trữ tại Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 01/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm giới thiệu và lan tỏa giá trị những tác phẩm bảo vật quốc gia trong di sản Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại đến đông đảo bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách 5 bảo vật quốc gia (Đường cách mệnh; Nhật ký trong tù; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước; Di chúc).
Cuốn sách tập hợp, giới thiệu toàn văn 5 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là bảo vật quốc gia, tuyển chọn từ bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, gồm 15 tập, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021.
Đường cách mệnh là cuốn sách tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Đây được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam và là cẩm nang quý, định hướng cho mọi hoạt động của cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó và các giai đoạn tiếp theo.
Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) là tập thơ chữ Hán theo thể Đường luật do Nguyễn Ái Quốc sáng tác trong thời gian bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 khi Người sang Trung Quốc. Tác phẩm có giá trị đặc biệt về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật diễn tả, phản ánh tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng của người chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục trước kẻ thù, mà nét nổi bật dễ nhận thấy nhất trong toàn bộ tác phẩm là tinh thần yêu nước, lạc quan cách mạng.
Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 19/12/1946 và được phát đi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào sáng 20/12/1946. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến, mang tính khái quát, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc nhất định thắng lợi.
Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin để bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đã thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sĩ hăng hái lên đường đánh giặc, giành độc lập, tự do cho non sông, đất nước.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản gốc do Người viết từ ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969, là một văn kiện lịch sử, di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những tinh hoa, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời đại
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, góp phần tôn vinh, lan tỏa sâu rộng giá trị, ý nghĩa và sức sống trường tồn của hệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.