Xuất bản sách lý luận chính trị - định hướng và giải pháp

Ngày đăng: 18/10/2013 - 10:10

1. Tầm quan trọng và ý nghĩa của sách lý luận, chính trị và công tác xuất bản sách lý luận chính trị

   Trong cơ cấu sách ở nước ta hiện nay, sách lý luận, chính trị có vị trí quan trọng và ý nghĩa to lớn về nhiều mặt; không chỉ đối với việc nâng cao trình độ nhận thức chung của xã hội, củng cố nền tảng tư tưởng chính trị tinh thần của chế độ, tăng cường giáo dục ý thức hệ sâu rộng trong Đảng và trong các tầng lớp nhân dân mà còn chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận chính trị để giữ vững sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng và trong xã hội đối với lý tưởng, mục tiêu và con đường phát triển mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Cong bo an pham ky niem 120 nam ngay sinh Chu tich HCM 260Công bố ấn phẩm kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

   Xuất bản đi liền với phát hành. Đưa sách đến với đông đảo các đối tượng công chúng độc giả đồng thời phải nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thông tin, truyền tải tri thức bằng nhiều hình thức đa dạng, làm cho sách trở nên sống động, thu hút sự quan tâm chú ý ngày càng nhiều của công chúng. Phát triển văn hóa đọc vừa nhằm bồi dưỡng niềm tin và đức tin cho quần chúng vừa nhằm gây dựng tiềm lực tư tưởng, tinh thần của xã hội. Bằng cách đó, văn hóa thấm sâu vào trong kinh tế và chính trị, tạo thành động lực tinh thần cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường xã hội tích cực, lành mạnh cho sự phát triển, từ phát triển con người đến phát triển cộng đồng xã hội. Không có sách thì không có tri thức, mà không có tri thức thì như Lênin nói, sẽ không có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Một cách gần gũi và trực tiếp hơn, có thể nói, trong đời sống hiện đại ngày nay, khi kinh tế tri thức, xã hội thông tin, xã hội học tập đang hối thúc chúng ta trong nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì sách nói chung và sách lý luận, chính trị nói riêng phải hiện diện trong cuộc sống tinh thần của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, công sở, ở khắp mọi nơi, mọi vùng miền, địa phương và cơ sở trong cả nước. Xã hội càng hướng tới văn minh, hiện đại càng không thể thiếu vắng sách, không thể yếu kém về văn hóa đọc. Quan tâm đến sách, trong đó có mảng sách lý luận, chính trị là quan tâm tới văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần. Đây là nguồn trữ năng làm thành nguồn lực nội sinh, nguồn sức mạnh nội sinh của phát triển. Nó còn là phương thức đảm bảo cho xã hội phòng ngừa, giảm thiểu những tổn thương xã hội, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của không ít người trước tác động mặt trái của kinh tế thị trường, cùng những hệ lụy xã hội do nó gây ra cũng như những hệ quả tiêu cực của công nghệ thông tin, của mở cửa, hội nhập.

   Hơn lúc nào hết, khi kinh tế rơi vào trì trệ, giảm phát và suy thoái, lạm phát gia tăng, nợ công, nợ xấu tiến đến giới hạn nguy hiểm, tham nhũng vẫn còn là quốc nạn, khí hậu và môi trường diễn biến phức tạp, những ám ảnh về thảm họa sinh thái đang ngày một hiện hình cùng với những tiềm ẩn về mất ổn định chính trị - xã hội là một nguy cơ không nhỏ và sẽ lớn dần lên đe dọa sự bình yên của chính thể… thì cần phải chú trọng nhiều hơn những giải pháp cho nó từ chính trị thể chế, từ đạo đức, từ văn hóa. Liệu pháp ấy không thể không gắn liền với sách và văn hóa đọc sách, nhất là sách lý luận, chính trị. Thời của Lênin, khi tình thế cách mạng chín muồi, sôi động, giữa những biến đổi mau lẹ, hối hả của muôn vàn sự kiện và tình huống, bằng lý trí sáng suốt và mẫn cảm đặc biệt của nhà tư tưởng chiến lược, ông bình tĩnh tìm lời giải lý luận cho những câu hỏi thực tiễn bằng cách đọc sách, sách lịch sử tư tưởng triết học và các học thuyết chính trị.

   Thời của những cơn bão táp khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, từ nước Mỹ lan tỏa ra Tây Âu và các địa chính trị khác trên thế giới, các chủ tư bản đi tìm mua và đọc Tư bản của Mác như một sự cứu rỗi và giải thoát. Sự thực ấy rất đáng phải suy ngẫm. Hồ Chí Minh cũng vậy. Bên thềm của cách mạng, giữa núi rừng Việt Bắc và trong hang đá lạnh, Người dịch sử Đảng (lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô) và ở thời điểm vận mệnh chế độ dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời đã ngàn cân treo trên sợi tóc, giữa cuộc đàm phán để cứu vãn nền hòa bình mong manh với Chính phủ Pháp trên nước Pháp, năm 1946, Người vẫn có thể bình tâm viết một loạt bài về chiến thuật du kích và binh pháp Tôn Tử. Cũng giữa núi rừng Việt Bắc, khi cuộc kháng chiến trường kỳ mới bắt đầu vào năm 1947, Người viết Sửa đổi lối làm việc, trù tính việc cải cách thể chế, giáo dục cán bộ, chọn khâu đột phá để sửa đổi, đổi mới là phương pháp, là lối làm việc và cách lãnh đạo. Người phê phán thói coi khinh lý luận, bệnh lười biếng không chịu đọc sách cũng như bệnh giáo điều, đọc sách mà không hiểu sách, học mà không hành của “hạng trí thức một nửa”. Rõ ràng, thái độ đối với lý luận, sâu xa ra là thái độ đối với thực tiễn và cuộc sống.

   Thái độ đối với sách và sự học sách, việc đọc sách lại là thái độ đối với văn hóa, thuộc những tầm khác nhau đối với văn hóa. Không chú trọng sách lý luận, chính trị thì không thể hình thành được văn hóa chính trị, đó không chỉ là văn hóa lãnh đạo và cầm quyền của những người có trọng trách mà còn là văn hóa ứng xử của mỗi một con người trong việc tham dự vào đời sống chính trị, tức là tham chính.

   Sách lý luận, chính trị ở nước ta hiện nay là một lĩnh vực đáng phải quan tâm đặc biệt, bởi những lẽ, những căn cứ sau đây:

   - Số lượng sách và bản sách không ít nhưng chất lượng lại chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị cũng như sự mong đợi của công chúng độc giả; sức thuyết phục thực tế do sách mang lại chưa ngang tầm với những đòi hỏi của thực tiễn đổi mới để phát triển của xã hội, trong đó có yêu cầu đổi mới chính trị, đổi mới hệ thống chính trị, cải cách hành chính và cải cách tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một mạnh mẽ. Do đó, cần phải đặc biệt quan tâm tới yêu cầu nâng cao chất lượng xuất bản sách lý luận chính trị mà mấu chốt là chất lượng các công trình, các tác phẩm, đưa vào xuất bản. Sự quan tâm tới sách lý luận, chính trị trước hết và trực tiếp là giải quyết tình huống bất cập này.

   - Đời sống chính trị trong Đảng và nước ta hiện nay, nhất là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, đột phá vào thể chế để vượt qua điểm nghẽn của phát triển đòi hỏi sách lý luận, chính trị phải đóng được vai trò của một công cụ sắc bén, một trong những phương thức hữu hiệu thúc đẩy chính trị phát triển theo hướng khoa học hóa, dân chủ hóa và hiện đại hóa.

   - Yêu cầu tăng cường những đảm bảo chính trị cho sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo phòng ngừa phản phát triển, thực hiện phát triển nhanh và bền vững, đã khách quan hóa tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị cũng như hoạt động lý luận tư tưởng chính trị của Đảng ta, ở nước ta.

   - Xu hướng phát triển của xã hội ta là vượt qua tính chất của một xã hội nông nghiệp, trình độ của nền kinh tế nông nghiệp, tiến tới xã hội công nghiệp hiện đại, định hình thể chế pháp quyền - dân chủ để giải quyết vấn nạn tham nhũng, tự nó đã đòi hỏi sách lý luận, chính trị phải mang một diện mạo khởi sắc mới, chất lượng sách phải đáp ứng các đối tượng, cũng như từng bước ngang tầm với trình độ lý luận chính trị của quốc tế, khu vực và thế giới trên những vấn đề chung toàn cầu hóa, mở cửa và hội nhập.

   - Công tác xuất bản sách lý luận, chính trị và chất lượng sách lý luận, chính trị xét trên các phương diện lý luận và thực tiễn, tư tưởng và học thuật, đặc trưng phương pháp và phong cách, chính trị và văn hóa chính trị… ở thời điểm hiện nay có rất nhiều cơ hội để phát triển. Nhưng cơ hội đó do chính thời cuộc tạo ra và nếu tận dụng được, thì sách lý luận, chính trị sẽ là loại sách chủ lực đóng góp vào sự hình thành và phát triển văn hóa chính trị Việt Nam thời đổi mới, hiện đại hóa.

   Bối cảnh đó, xét ở trong nước là những tổng kết lớn liên quan tới lý luận chính trị và xuất bản sách lý luận chính trị: 30 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn, 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân vận… đặc biệt là nhìn lại 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác tư tưởng, lý luận, 10 năm thực hiện chỉ thị 20 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới, 10 năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản… Đó là chưa nói tới đổi mới giáo dục - đào tạo toàn diện, căn bản, mạnh mẽ sẽ tác động rất mạnh tới đổi mới xuất bản và chất lượng xuất bản sách, trong đó có sách lý luận, chính trị, cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, nguồn lực và nhân lực của các nhà xuất bản, của ngành xuất bản và của cả nước nói chung.

   Đó là những căn cứ cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của sách lý luận, chính trị và công tác xuất bản sách lý luận, chính trị ở nước ta hiện nay.

   Từ đó, cần làm rõ định hướng và giải pháp xuất bản sách lý luận, chính trị ở nước ta trước yêu cầu mới, tình hình mới.

2. Những định hướng xuất bản sách lý luận, chính trị

   Định hướng chính trị

   Xuất bản sách lý luận, chính trị phải hướng vào phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của xã hội nói chung. Đó là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức tạo nền tảng đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đây là định hướng chính trị tổng quát, xác định rõ nhiệm vụ chính trị trọng đại, nổi bật và bao trùm nhất của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Đây cũng chính là đường lối của Đảng được Đại hội XI thông qua, là cơ sở để huy động và quy tụ mọi nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với hệ mục tiêu của đổi mới, từng bước tiến tới phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.

   Xét theo xu thế và triển vọng lâu dài, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2020, hướng tầm nhìn tới giữa thế kỷ XXI được Đại hội XI của Đảng thông qua chính là định hướng chính trị chiến lược của phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quán triệt những quan điểm và định hướng đó và thể chế hóa, cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách, giải pháp, đưa Nghị quyết vào cuộc sống và tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết - đó là nhiệm vụ chính trị to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

   Việc xuất bản sách lý luận, chính trị hiện nay phải thể hiện đúng định hướng chính trị nêu trên mà các nhà xuất bản, với vai trò nòng cốt, chủ đạo của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, cần phải nỗ lực, chủ động và sáng tạo thực hiện.

   Theo định hướng chính trị tổng quát này, cần xuất bản những loại sách lý luận, chính trị nào? Có thể kể đến các loại sách sau:

   - Các tác phẩm kinh điển mácxít và các tác phẩm của Hồ Chí Minh (kể cả sách tra cứu, sách tiểu sử chính trị, tiểu sử khoa học, bộ sách về lịch sử chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin, bộ sách về tư tưởng Hồ Chí Minh). Trong những lần tái bản cần chú ý cập nhật những thành tựu nghiên cứu mới, khảo cứu, sưu tầm, dịch thuật…

   - Sách văn kiện Đảng. Ngoài bộ Văn kiện Đảng toàn tập, cần đặc biệt chú trọng xuất bản sách văn kiện đại hội thời kỳ đổi mới và các nghị quyết Trung ương (theo nhiệm kỳ đại hội).

   - Sách toàn tập, tuyển tập hay tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của các lãnh tụ Đảng, lãnh đạo cấp cao qua các thời kỳ: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

   - Các bộ sách giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, là những học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả các tướng lĩnh quân đội, các nhà hoạt động văn hóa, xã hội.

   - Các sách tổng kết lý luận - thực tiễn đổi mới.

   - Sách nghiên cứu, chuyên khảo, chuyên đề từng lĩnh vực, sách giới thiệu những mô hình điển hình, những địa phương, những phong trào để lại những dấu ấn đặc sắc, có tác dụng tốt để giáo dục truyền thống. Đặc biệt quan trọng là các sách về xây dựng Đảng, lý luận về đảng cầm quyền, về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.

   - Hệ thống sách tham khảo từ các đảng, các nước, từ lịch sử đến hiện đại, kể cả sách giới thiệu kinh nghiệm, thành tựu phát triển của các nước, cung cấp một cách nhìn đa chiều, gợi mở cho tư duy lãnh đạo, quản lý.

   - Những công trình đặc sắc, có tầm vóc của các nhà nghiên cứu, các học giả, chính khách trên thế giới phân tích và dự báo xu hướng vận động, phát triển, biến đổi của thế giới, thời đại…

   Những loại sách nêu trên cũng chính là sách cần đọc, đáng đọc, nên đọc, cung cấp chất liệu hình thành nhu cầu văn hóa đọc của các nhà lãnh đạo.

   Trong tình hình và bối cảnh hiện nay, trên cơ sở quán triệt định hướng chính trị nêu trên, còn cần phải chú trọng xuất bản loại sách phục vụ cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận, phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống “diễn biến hòa bình”, phòng ngừa và đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

   Với định hướng chính trị, cũng đồng thời là định hướng tư tưởng, sách lý luận, chính trị nhằm phục vụ các yêu cầu: Bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, kiên trì đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hình thành và phát triển nhận thức lý luận mới về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

   Định hướng thực tiễn

   Định hướng thực tiễn rất quan trọng đối với hoạt động thực tiễn của chúng ta trong công cuộc đổi mới. Nó cũng đồng thời có vai trò và ý nghĩa quan trọng to lớn đối với hoạt động nghiên cứu và xuất bản sách hiện nay, trong đó có sách lý luận, chính trị. Thực tiễn chẳng những là nguồn gốc, là cơ sở của nhận thức, là tính hướng đích của mọi hoạt động mà còn là tiêu chuẩn của chân lý. Chỉ có trong thực tiễn và hoạt động thực tiễn, tính đúng - sai của nhận thức, của chân lý mới được kiểm định, đánh giá. Tư tưởng lý luận cũng phải qua thực tiễn mới thấy được giá trị và ý nghĩa của nó đến mức nào, nó có phù hợp với thực tiễn hay không, do đó, cần thiết phải thực tiễn hóa lý luận, tức là vận dụng, thực hành lý luận trong thực tiễn cuộc sống. Lênin đã từng nhận xét, thực tiễn cao hơn lý luận vì nó phong phú, đa dạng, muôn vẻ và thường xuyên biến đổi mà không một khái quát lý luận nào có thể dung nạp, phản ánh hết và phản ánh kịp thực tiễn. Cũng do vậy, phải thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận mới. Đó là con đường lý luận hóa thực tiễn, đạt tới sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, coi đó là bản chất, là nguyên tắc cao nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh nêu rõ học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn, vừa phải chống bệnh lý luận suông, vừa phải chống bệnh coi khinh lý luận, kinh nghiệm chủ nghĩa, rơi vào thực tiễn mù quáng. Chú trọng tính thiết thực, không phù phiếm, hình thức, khoa trương nên Người đòi hỏi phải thường xuyên làm công tác thực tế, đọc sách cũng như nghiên cứu để bổ sung kiến thức, để thực hành, để hành động, phải chống bệnh giáo điều, máy móc, sách vở. Phải nắm lấy thực tiễn, nắm vững tinh thần và phương pháp Mác - Lênin để ứng xử với con người và công việc cho đúng. Cơ sở lý luận giúp chúng ta nhận thức sáng tỏ định hướng thực tiễn là như vậy, nó đảm bảo cho hoạt động của chúng ta có căn cứ khoa học đáng tin cậy nhất, chính là luôn xuất phát từ thực tiễn và trở về với thực tiễn cuộc sống sinh động. Cũng dựa trên định hướng thực tiễn mà nâng cao tính tự giác, sáng tạo và chú trọng hiệu quả trong hoạt động. Xuất bản sách lý luận, chính trị đi đúng định hướng thực tiễn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay cần phải chú ý những vấn đề sau đây:

   - Bám sát tình hình thực tiễn ở trong nước và trên thế giới để xác định chiến lược xuất bản sách, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch xuất bản để sách đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp những sách có giá trị nâng cao nhận thức lý luận đồng thời cung cấp thông tin thiết thực, hữu ích, hữu dụng mà lãnh đạo, quản lý đang cần có lời giải đáp. Đó là những tình huống đang đặt ra trong đổi mới và phát triển, gợi mở sự tìm tòi về động lực, về giải pháp, về cơ chế, chính sách, nguồn lực.

  - Thực tiễn và tính thiết thực mà sách đem lại cho người nghiên cứu, người hoạt động thực tiễn, nhà lãnh đạo quản lý là không giống nhau.

  - Các vấn đề vừa rất cơ bản vừa rất bức xúc lúc này là làm thế nào để phát triển bền vững, phòng tránh phát triển xấu? Do đó phải có tầm nhìn và hành động ra sao đối với nhà lãnh đạo, quản lý? Làm thế nào để đổi mới mô hình tăng trưởng, để tái cấu trúc kinh tế, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, để thực hành được dân chủ, để kiểm soát quyền lực, để chống được tham nhũng, nhất là tham nhũng chính sách gắn với lợi ích nhóm? Làm thế nào để tăng trưởng gắn với công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các lĩnh vực, trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường? Giải quyết các mối quan hệ trong phát triển như thế nào? Quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị và hệ thống chính trị, giữa Đảng (lãnh đạo) với Nhà nước (quản lý) và nhân dân (làm chủ)?

  - Những vấn đề thực tiễn cần phải giải quyết một cách có lý luận, những vấn đề lý luận phải thấm nhuần thực tiễn, được nhận thức và giải quyết bằng thực tiễn, trong thực tiễn.

   Hệ thống sách lý luận chính trị với tư cách là sách tham khảo cho một, một số hoặc nhiều đối tượng khác nhau, thuộc nhiều trình độ khác nhau phải quan tâm tới thực tiễn đó. Có như vậy, sách lý luận chính trị mà chúng ta xuất bản và phát hành mới thu hút được sự quan tâm của xã hội, nhất là trong chính giới, không chỉ từ chủ đề, nội dung của sách mà còn là phương pháp thể hiện, phong cách tác giả, từ sách và đọc sách đến cuộc sống, đem lại câu trả lời cần thiết: Đổi mới để phát triển ở Việt Nam.

   Định hướng khoa học và văn hóa

   Xuất bản sách là một công việc khoa học nghiêm túc và cũng là một hoạt động văn hóa tinh thần, theo đúng nghĩa của nó. Đó là một nỗ lực sáng tạo góp vào việc thực hiện hệ giá trị chân - thiện - mỹ của văn hóa, thúc đẩy sự phát triển của xã hội và hoàn thiện nhân cách con người.

   Xuất bản sách lý luận, chính trị không thể không dựa trên định hướng phát triển khoa học chính trị (trong đó có bộ phận cốt yếu của nó là chính trị học - triết học của chính trị) và thực hành văn hóa chính trị. Làm cho mọi người, trên tư cách công dân của nó (một con người chính trị) quan tâm tới sách và đọc sách lý luận, chính trị, hình thành một nhu cầu văn hóa trong đời sống hằng ngày đó là văn hóa đọc, nhất là văn hóa đọc của các nhà lãnh đạo. Đó là sứ mệnh của các nhà khoa học, các cơ quan xuất bản, của các biên tập viên miệt mài trên từng trang bản thảo để rồi đưa sách tới bạn đọc.

   Yêu cầu của định hướng khoa học và văn hóa đối với xuất bản sách lý luận, chính trị không tách rời định hướng chính trị và định hướng thực tiễn. Nó đề cao trách nhiệm chính trị, năng lực sáng tạo khoa học, tính trung thực đạo đức và cả chuẩn mực ứng xử văn hóa đối với công việc, với con người của những người làm công tác xuất bản như một nghề nghiệp, cần phải chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa.

   Với định hướng này, phải thể hiện được tư duy đổi mới, tinh thần khách quan khoa học, trọng sự thật, lẽ phải, chân lý, trong việc xây dựng bản thảo sách và xuất bản sách. Cần phải phòng ngừa những tiêu cực thương mại hóa, thực dụng, vụ lợi rất dễ xảy ra trong nền kinh tế thị trường, tác động tới hoạt động khoa học và văn hóa này. Muốn tạo ra sách hay, sách tốt, đúng về khoa học, nghiêm túc về chính trị cần phải tạo được môi trường và quan hệ ứng xử văn hóa giữa các tác giả, các cộng tác viên khoa học với nhà xuất bản, với các biên tập viên, giữa giới khoa học với giới chính trị. Tinh thần dân chủ, tính nhân văn, sự chân thành phải được thể hiện trong các mối quan hệ, trong quá trình sản xuất tri thức, tiêu dùng tri thức, cảm thụ văn hóa. Hợp tác - chia sẻ trách nhiệm - tôn trọng - tin cậy lẫn nhau là những chuẩn mực cần thiết để có sách hay, có nhiều sách hay, có nhiều công chúng, độc giả, nhất là độc giả là những người có trọng trách lãnh đạo, quản lý.

   3. Giải pháp

   Những điều trình bày ở trên cũng đã gián tiếp nêu ra một số giải pháp đối với xuất bản sách lý luận chính trị, hướng tới nâng cao chất lượng và hiệu quả của nó. Từ những định hướng đã nêu, có thể cụ thể hóa thành những giải pháp chủ yếu để thực hiện sau đây:

  - Nhận thức đúng đắn về vai trò của lý luận chính trị, sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện chiến lược xuất bản sách lý luận, chính trị ở nước ta hiện nay và trong 1, 2 thập kỷ tới, chú trọng đặc biệt tới dòng sách phục vụ cho yêu cầu lãnh đạo, quản lý cấp cao, hình thành và phát triển văn hóa đọc ở các nhà lãnh đạo, của công chúng nói chung. Đây cũng là nỗ lực xây dựng tiềm lực trí tuệ, tinh thần của Đảng và trong xã hội.

  - Chú trọng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên khoa học của nhà xuất bản và bản thân hoạt động xuất bản cũng phải coi trọng nghiên cứu khoa học. Xây dựng đội ngũ biên tập có trình độ khoa học cao, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi và có kỹ năng giao tiếp khoa học, ứng xử văn hóa. Điều mấu chốt để có chất lượng cao trong việc xuất bản sách là phải đảm bảo chất lượng sách của các tác giả. Đó chính là trình độ khoa học của các chuyên gia, kết hợp với trình độ cao của người biên tập.

  - Kết hợp tính chuyên sâu với tính đa dạng, phổ thông trong việc xây dựng hệ thống sách xuất bản về lý luận chính trị, bảo đảm việc phục vụ, đáp ứng yêu cầu dùng sách, đọc sách của đông đảo công chúng độc giả. Chú trọng sách cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý từ cao cấp đến địa phương và cơ sở.

  - Tổ chức các diễn đàn thảo luận, quảng bá thông tin, sự giao tiếp văn hóa khoa học giữa nhà xuất bản với tác giả và bạn đọc, đặc biệt là đối tượng bạn đọc có trình độ cao, có vị thế xã hội quan trọng, qua đó tìm hiểu nhu cầu sách, đánh giá chất lượng sách và hiệu quả đọc sách, hiệu ứng của sách.

  - Tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước trong xuất bản sách lý luận chính trị.

  - Cải thiện chế độ nhuận bút và áp dụng các biện pháp tạo động lực cho sự phát triển sách lý luận, chính trị, quan hệ giữa nhà xuất bản với các cộng tác viên.

 

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Bình luận