Gắn kết các thành viên gia đình từ những tủ sách
Sáng 28-6, buổi tọa đàm chia sẻ về lợi ích của tủ sách gia đình đã diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, diễn giả Nguyễn Lệ Chi đến từ Chibook cho rằng tủ sách gia đình rất quan trọng, đây vừa là không gian trao đổi kiến thức, vừa là nơi gắn kết các thành viên lại với nhau.
“Yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng tủ sách gia đình chính là cha mẹ, họ cần làm gương cho con bằng việc hình thành thói quen đọc hàng ngày và không được để quá trình này bị đứt đoạn, bởi khi bắt đầu lại sẽ rất khó khăn cho trẻ”, bà Chi chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ - tâm sự: “Để con trẻ ham thích đọc thì bản thân mỗi phụ huynh cũng phải có một tình yêu với sách. Việc đọc nhiều sách sẽ giúp cha mẹ có định hướng đúng đắn để lựa chọn cho con cái trước thị trường sách đa dạng như hiện nay”.
Anh Trần Thiện Tùng - người sáng lập tổ chức Không gian đọc - lại có một suy nghĩ khác về lợi ích của tủ sách gia đình.
Anh Trần Thiện Tùng - người sáng lập tổ chức Không gian đọc - khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho trẻ đọc sách giấy thay vì đọc trên máy tính - Ảnh Mai Thụy
Anh Tùng bày tỏ: “Đọc sách là xây dựng trí tưởng tượng và tư duy độc lập cho mỗi thành viên. Vì cùng một cuốn sách nhưng suy nghĩ của người đọc lại vô cùng đa dạng, nên cha mẹ cần xem việc hướng dẫn con trẻ đọc sách là một cách tìm người đồng hành với mình để cùng nhau chia sẻ tri thức…”.
Anh khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho trẻ đọc sách giấy thay vì đọc trên máy tính, điện thoại. Điều này sẽ giúp trẻ có ý thức về một không gian sách hiện hữu, giúp trẻ chăm đọc hơn.
Bên cạnh việc xây dựng thói quen đọc sách, mỗi gia đình cũng cần phải thiết kế tủ sách phù hợp với từng thành viên nhưng vẫn tạo ra một không gian mở để khuyến khích đọc sách của nhau.
Trò chuyện về vấn đề này, bà Thanh Thúy cho biết bà thường xuyên để vài đầu sách mình thấy hay vào ngăn sách của trẻ để khơi gợi trí tò mò và giúp con giải thích những vấn đề khó hiểu trong những cuốn sách ấy.
Thực tế cho thấy, trẻ em thường có xu hướng chọn sách có nhiều tranh ảnh, đó cũng là lý do các em hay đọc truyện tranh và các bậc phụ huynh vì bận việc nên cũng không quan tâm con đang đọc sách gì, nội dung thế nào.
Bà Nguyễn Lệ Chi cho rằng cha mẹ nên chủ động cân bằng các thể loại sách bằng cách cho trẻ tiếp xúc với những cuốn sách văn học, khoa học có nhiều tranh ảnh và dần hướng trẻ đến một số đầu sách khó hơn.
Để thêm sự gắn kết trong gia đình, mỗi thành viên có thể giành thêm thời gian ghi chép về những điều mình đã đọc để trao đổi với nhau. Điều này sẽ tăng khả năng viết lách, suy nghĩ và giúp trẻ sẵn sàng chia sẻ những kiến thức của mình không chỉ cho người thân mà còn với cộng đồng.
MAI THỤY
(Theo http://tuoitre.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023