5 sự kiện xuất bản nổi bật năm 2017
Đại hội Hội Xuất bản đưa ra phương hướng hoạt động 5 năm tới, Ngày sách Việt Nam được hưởng ứng, Hà Nội có phố sách… là các sự kiện nổi bật trong năm.
Năm 2017, toàn ngành xuất bản cho ra đời gần 300 triệu bản sách tương đương khoảng 26.000 đầu sách. Đây là con số xuất bản ổn định trong vài năm qua.
Trong năm qua, nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng xuất bản phẩm từ cơ quan quản lý, Hội Xuất bản, các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc lại được tổ chức nhiều hơn, được hưởng ứng nhiều hơn và phát huy hiệu quả.
1. Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam 2017-2022
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ IV diễn ra ngày 24-5 tại Hà Nội. Đại hội có ý nghĩa quan trọng với ngành xuất bản, bầu ra ban chấp hành mới, đề ra phương hướng, mục tiêu hoạt động của Hội trong 5 năm tới (2017-2022).
Ông Hoàng Vĩnh Bảo được bầu làm Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV. Ảnh Hoàng Hà.
Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Đại hội đại biểu lần thứ IV là sự kiện quan trọng của Hội Xuất bản Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại của Internet, sách và ngành xuất bản vẫn không mất đi giá trị truyền thống văn hóa lâu đời vốn có.
Đại hội bầu ra ban chấp hành mới của Hội Xuất bản gồm 31 thành viên, trong đó, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Chủ tịch Hội.
Đại hội cũng đưa ra phương hướng hoạt động cho Hội Xuất bản trong nhiệm kỳ IV. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; chăm lo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; phát huy vai trò tổ chức hội trong xây dựng văn hóa đọc.
Hội Xuất bản tham gia với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, cơ chế và các quy định chi tiết thực hiện Đề án Giải thưởng Sách quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng; tổ chức tốt việc trao Giải thưởng Sách quốc gia trong 5 năm 2017-2022; xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc, trong đó tập trung vào các khu vực trọng điểm với các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn.
2. Ngày Sách Việt Nam 21-4
Vào năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Qua ba năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa được cộng đồng đón nhận và tôn vinh.
Khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 4 tại Hà Nội. Ảnh Quỳnh Trang.
Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 được nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức trên cả nước hưởng ứng. Trong đó, điểm nhấn là Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 6 đến 10-4) với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng”. 20 sự kiện gắn với văn hóa đọc được tổ chức trong khuôn khổ Hội sách.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc, như: phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại các trường học, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức các hoạt động về văn hóa đọc trong lực lượng an ninh, quốc phòng…
3. Hội sách Quốc tế Việt Nam lần thứ 6
Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam năm 2017 được tổ chức từ ngày 23 đến 27-8 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Đây là sự kiện được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hai năm một lần, nhằm giới thiệu, quảng bá sách Việt Nam, là cầu nối giữa bạn đọc với sách, tạo nên sự gắn kết, trao đổi hợp tác giữa xuất bản Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đông đảo bạn đọc đến tham dự khiến Hội sách Quốc tế - Việt Nam trở nên quá tải. Ảnh Việt Hùng.
Năm nay, mặc dù thời tiết thất thường, Hội sách vẫn thu hút đông đảo bạn đọc tham dự. Đặc biệt, hai ngày cuối Hội sách diễn ra vào cuối tuần nên lượng độc giả tham quan, mua sách quá tải.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ban tổ chức sự kiện, tổng số lượng sách phục vụ bạn đọc của Hội sách khoảng gần 10 triệu bản, với tổng doanh thu khoảng trên 10 tỉ đồng.
Hội sách có sự tham gia của các đơn vị xuất bản, phát hành nước ngoài như: công ty Wedge Holdings Co. Ltd.; công ty Vista P.S; công ty Tuttle Mori Thailand; các nhà xuất bản John Wiley & Sons; Pearson; Cengage… Đặc biệt, buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm bản quyền của giám đốc công ty Tuttle Mori Thailand cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm quý báu về bản quyền cho giới xuất bản Việt Nam.
4. Hà Nội có Phố sách 19/12
Phố sách 19/12 được khánh vào ngày 1-5, nằm trên đường 19/12 dài 200m, thuộc quận Hoàn Kiếm. Đây là điểm đến cho những “mọt sách” sau địa chỉ quen thuộc là phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí.
Phố sách - điểm hẹn mới của người dân yêu sách ở Thủ đô.
Không gian Phố sách xây dựng hài hòa với cảnh quan, kiến trúc vốn có của khu vực xung quanh. Các gian hàng được thiết kế đơn giản, đồng nhất theo phương án kiến trúc không gian phố cổ.
Trong không gian Phố sách có những tiện ích như sân trung tâm làm nơi tổ chức sự kiện, hàng ghế nghỉ cho độc giả nghỉ chân đọc sách, quán café, trung tâm quản lý…
Phố sách 19/12 được đánh giá là một không gian đẹp, không chỉ nhiều sách bày trong các gian hàng thiết kế thân thiện, mà khuôn viên còn có nhiều cây xanh, hoa.
Từ khi khánh thành, nhiều sự kiện về văn hóa đọc đã được tổ chức ở đây. Tuy nhiên, gần đây, một số đơn vị tham gia Phố sách phản ánh những điểm bất cập, kiến nghị ban quản lý có biện pháp điều chỉnh, thay đổi nhằm hỗ trợ cho hoạt động tại Phố sách được hiệu quả.
5. Sự tham gia sâu hơn của Việt Nam trong hoạt động với Hội sách Frankfurt
Trong năm 2017, nhiều hoạt động trao đổi hợp tác giữa đại diện Hội sách Frankfurt với các nhà quản lý phía Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam được thúc đẩy.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (phải) làm việc với Chủ tịch Hội sách Frankfurt.
Tháng 3, ông Juergen Boss - Chủ tịch Hội sách Frankfurt - có buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung. Buổi làm việc hướng tới vấn đề hai bên đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nhân lực để Hà Nội có thể tổ chức các hội sách quy mô lớn trong thời gian tới.
Vào tháng 7, một khóa học đặc biệt do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và Hiệp hội sách Quốc tế Frankfurt tổ chức. Trong 3 ngày, 150 học viên là lãnh đạo, biên tập viên các nhà xuất bản, công ty sách, cán bộ làm công tác phát hành, marketing, giao dịch bản quyền, xuất bản nội dung số được truyền đạt kinh nghiệm nhằm phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công tác xuất bản.
Giảng viên khóa học là các chuyên gia giàu kinh nghiệm về công tác xuất bản đến từ Đức như: Thạc sĩ Claudia Kaiser - Phó Chủ tịch Hội sách Quốc tế Frankfurt, Thạc sĩ Linda Vogt - Biên tập viên sách Văn học NXB Ullstein Buchverlage, Thạc sĩ Karin Monika - Giám đốc dự án Kỹ thuật số của NXB Sách giáo khoa Grafe und Unzer và NXB Random Germany.
Tháng 10-2017, Việt Nam tham dự Hội sách Frankfurt tại Đức với quy mô tổ chức và sự chuẩn bị gây ấn tượng. Có 7 đơn vị xuất bản của Việt Nam tham gia hội sách lớn nhất thế giới này. Gian hàng sách Hà Nội, Việt Nam nhận được sự đánh giá cao từ bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội sách Frankfurt.
Trong thời gian diễn ra hội chợ, gian hàng từ Việt Nam có nhiều khách tham quan và trao đổi bản quyền. Tại đây còn tổ chức buổi giao lưu về sách và văn hóa đọc với các nước ASEAN.
Thu Hiền
(Theo news.zing.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023