Nâng cao hiệu quả xuất bản và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay
Vài con số về thực tế xuất bản ở Việt Nam
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, liên tiếp các năm 2015, 2016, 2017, toàn ngành xuất bản xuất bản được khoảng 360 triệu bản sách/năm, biên độ chênh lệch giữa các năm không đáng kể. Con số bình quân 4 đầu sách/người được thống kê hằng năm không thể hiện được nhiều ý nghĩa về văn hóa đọc của chúng ta, bởi khoảng 80% trong số đó, tương đương 290 triệu bản sách là sách giáo khoa, giáo trình, và chỉ thuộc về một nhà xuất bản là Nhà xuất bản Giáo dục. Lượng còn lại, khoảng 70-80 triệu bản sách, được chia đều cho 59 nhà xuất bản, để phục vụ cho nhu cầu đọc sách của khoảng 90 triệu dân trong cả nước. Như vậy, nếu trừ đi số sách giáo khoa, giáo trình, thì số đầu sách được tiêu thụ trên đầu người mỗi năm ở Việt Nam thật sự quá khiêm tốn: khoảng 80 triệu bản sách/khoảng 90 triệu dân, tức là chưa đến 1 đầu sách/người/năm. Đây là một con số quá thấp.
Ngành xuất bản Việt Nam vẫn còn nhỏ yếu về quy mô, nhà xuất bản, doanh nghiệp xuất bản Việt Nam vẫn thuộc khu vực nghèo nhất trong nền kinh tế. Doanh thu toàn ngành xuất bản năm 2016 đạt hơn 2.000 tỉ đồng, vẫn thua doanh thu của một doanh nghiệp bán lẻ văn hóa phẩm là Fahasa với khoảng 2.400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là ngành xuất bản nước ta không tiến bộ và phát triển. Trong thời gian qua, ngành xuất bản đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ như: thiết lập những cơ chế thông thoáng hơn, xây dựng những chính sách phát triển dài hạn trong xuất bản, xác định tầm nhìn phát triển ngành đến năm 2030. Nhà nước cũng đã từng bước thực hiện xã hội hóa các khâu, các mặt trong cả phát hành lẫn xuất bản; đồng thời dần hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản có không gian phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả.
Các cơ quan quản lý xuất bản cũng đã có những việc làm thiết thực cùng các nhà xuất bản, đơn vị phát hành tạo thêm sức bật cho sự phát triển của ngành. Ví dụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phối hợp với các đơn vị xuất bản và phát hành tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc một cách khá quy mô, bài bản, thực sự đã trở thành ngày hội đọc sách toàn dân, được sự ủng hộ tích cực của đông đảo các tầng lớp xã hội cũng như giới truyền thông, báo chí... Bên cạnh đó, các Hội chợ Sách do Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành đứng ra tổ chức hằng năm,… tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.
Đặc biệt, sự ra đời của các đường sách, phố sách tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận. Có thể nói, với sự tham gia rất tích cực của Hội Xuất bản Việt Nam, cụ thể là Chi nhánh phía Nam, việc ra đời Đường Sách Nguyễn Văn Bình vào năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh là một thành công lớn của giới xuất bản Việt Nam trong việc lan tỏa văn hóa đọc, tôn vinh ngành xuất bản. Tiếp nối thành công đó, sự ra đời của Phố Sách Hà Nội (phố 19-12) vào tháng 5 vừa qua là một bước tiến quan trọng, khẳng định và thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp ở Hà Nội đối với việc phát triển văn hóa đọc. Sự ra đời của đường sách và phố sách ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thổi luồng không khí mới cho công chúng, độc giả, và xét cho cùng, là nhân tố rất mới, thể hiện sự thay đổi về chất của hoạt động xuất bản, phát hành sách, cũng là thông điệp mà ngành xuất bản - in - phát hành gửi tới bạn đọc cả nước.
Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn, vất vả, song chúng ta luôn tự tin và tin tưởng vào sự phát triển của ngành xuất bản - in - phát hành, vào sự mở rộng và tăng trưởng của thị trường sách cũng như văn hóa đọc nước nhà.
Một số khó khăn cần tháo gỡ trong thực tế hoạt động
- Mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật. Về một số điều khoản bất cập trong Bộ luật hình sự 2015 có một số điều khoản bất cập, mâu thuẫn với Luật xuất bản hiện hành, cụ thể như việc hình sự hóa khá nghiêm trọng đối với nhiều lỗi hành chính trong hoạt động xuất bản.
- Luật xuất bản hiện nay, mặc dù về cơ bản là một bộ luật hữu hiệu, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý và phát triển ngành xuất bản, ghi nhận sự có mặt và đóng góp của các đơn vị làm sách tư nhân, thể hiện tư tưởng từng bước xã hội hóa trong lĩnh vực này của Đảng và Nhà nước, nhưng hiện nay các đơn vị xuất bản vẫn gặp một số khó khăn do Luật đề ra những điều khoản quá cụ thể, có nhiều chi tiết rất gò bó, khiến cho các đơn vị xuất bản gặp nhiều lúng túng trong việc thực hiện. Ví dụ như:
+ Điểm a khoản 1 Điều 27 Luật xuất bản quy định phải đưa họ và tên dịch giả ra bìa sách là một điều khoản quá cụ thể, khó thực hiện và rất dễ làm mất tính mỹ thuật của bìa sách. Trên thực tế, tính chuyên nghiệp và trình độ thiết kế bìa sách ở Việt Nam chưa cao, chưa đồng đều, nay áp dụng quy định này, nhiều cuốn sách, nhất là sách từ điển, bách khoa thư, phải đưa đầy đủ họ tên hay bút danh nhóm tác giả, tập thể dịch giả... làm cho không gian cho trình bày bìa càng hạn chế, khiến khó có thể thiết kế được bìa sách có tính sáng tạo và tính thẩm mỹ cao. Hiện nay, một số đơn vị xuất bản đối phó bằng cách ghi “Tập thể tác giả”, “Tập thể dịch giả”, để không phạm luật. Để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật xuất bản, việc giải thích cho họ cũng trở nên rất vất vả.
+ Việc phải đăng ký lại và chờ cấp số giấy phép mới đối với một cuốn sách được tái bản trong cùng một năm cũng là một quy định chặt chẽ hơn mức cần thiết. Quy định này đã làm cho các đơn vị xuất bản bỏ lỡ cơ hội phát hành kịp thời xuất bản phẩm cho bạn đọc và thị trường, vì thị trường sách Việt Nam có đặc thù là “nguội” đi rất nhanh. Quy định này, thực tế đã đưa các nhà xuất bản và đối tác phát hành vào thế bị động trong việc cung ứng, phát hành xuất bản phẩm.
+ Quy định ký hợp đồng ba bên cũng là quy định chưa tính toán nhiều đến tính thực tiễn của việc thực hiện, bởi vì đối với mảng sách liên kết thì các nhà xuất bản hầu như không quan tâm đến việc in ấn, hoàn toàn không có liên hệ với nhà in. Việc bắt buộc phải có tên nhà in trên quyết định xuất bản nhiều khi cũng gây khó khăn cho cả nhà xuất bản lẫn đối tác liên kết bởi có trường hợp sau khi ký hợp đồng ba bên, vì một lý do khách quan nào đó, nhà in không có khả năng thực hiện hợp đồng, dẫn đến nhà xuất bản và đối tác liên kết lại phải mất một thời gian để tìm nhà in mới, thỏa thuận lại, và cấp lại quyết định xuất bản mới.
+ Ngoài ra, một số quy định tại khoản b Điều 10 Luật xuất bản, xung quanh việc tuyên truyền “lối sống dâm ô, đồi trụy”, “tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục” cũng rất chung chung, mơ hồ, không rõ ràng, rất dễ quy kết.
Một số giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay
- Cần xây dựng một bộ Luật xuất bản cởi mở hơn, hiệu quả hơn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các đơn vị, doanh nghiệp xuất bản; có những chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ cho ngành xuất bản như giảm thuế, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp xuất bản, in và phát hành sách, kể cả khu vực tư nhân; cụ thể hóa chủ trương ưu tiên phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước; tiến hành thử nghiệm cổ phần hóa một số nhà xuất bản đang gặp nhiều khó khăn; tăng thêm quyền chủ động cho các đơn vị xuất bản tư nhân, để phát huy tiềm năng của toàn ngành xuất bản - in - phát hành, tiến tới xây dựng một thị trường xuất bản tiên tiến và hội nhập sâu với thế giới.
- Phát triển tốt và nhân rộng mô hình đường sách, phố sách ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, biến các đường sách, phố sách này trở thành các tuyến phố sách kiểu mẫu, là hạt nhân lan tỏa văn hóa đọc, là điểm đến không chỉ của bạn đọc yêu sách ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn của độc giả cả nước và du khách nước ngoài.
- Hoạt động hội chợ là hoạt động quan trọng của ngành xuất bản - in - phát hành. Trong tương lai, cần đưa các hội chợ sách ở Việt Nam lên bước phát triển mới về quy mô và chất lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, thuận tiện với công chúng, tiến tới tổ chức các hội chợ sách chuyên đề, có quy mô phù hợp để phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng.
- Trước thực trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt là đối với sách điện tử đang gia tăng một cách đáng lo ngại, cần có các chương trình, giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức về bản quyền sách với công chúng, có các chế tài cụ thể để xử lý vi phạm bản quyền sách điện tử.
- Về tổng thể, việc ngành xuất bản vẫn thiếu một loạt các tiêu chí cụ thể để xây dựng bộ tiêu chuẩn về xuất bản phẩm như quy định về độ tuổi bạn đọc, thể loại xuất bản phẩm: là sách người lớn, sách thiếu nhi, sách phục vụ các đối tượng đặc thù, sách về giáo dục giới tính, sách về sức khỏe sinh sản,... khiến cho cả phía nhà xuất bản và độc giả đều khá lúng túng trong việc xuất bản, phát hành và tiếp cận xuất bản phẩm. Đơn cử như ngành xuất bản Việt Nam hiện nay vẫn khó xuất bản các sách có tranh, ảnh khỏa thân trong cả mảng sách y học lẫn sách mỹ thuật do thiếu vắng các tiêu chí trên. Hoặc trong khi ngành điện ảnh bắt đầu có các loại phim phân loại về độ tuổi như: 13+, 16+ và có những khuyến cáo về nội dung, thì ngành xuất bản của chúng ta vẫn khá bị động. Thực tế này dẫn đến việc dư luận và báo chí rất dễ có những đánh giá không trúng, không khách quan, thiếu chính xác... về xuất bản phẩm và nhà xuất bản. Hội Xuất bản Việt Nam, với tư cách là nghiệp đoàn của các đơn vị xuất bản - in - phát hành sách cả nước cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị thành viên để sớm xây dựng một bộ tiêu chuẩn về xuất bản phẩm cụ thể, góp phần tích cực vào sự phát triển hơn nữa về chất của sách Việt, cũng như văn hóa đọc của người Việt.
Vũ Hoàng Giang
Phó Giám đốc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam
1. Đưa các hội chợ sách ở Việt Nam lên bước phát triển mới về quy mô và chất lượng.
2. Đưa Ngày Sách Việt Nam thực sự trở thành ngày hội đọc sách toàn dân.
3. Cần nhân rộng mô hình Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh và Phố Sách Hà Nội.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023