Nhà xuất bản và thị trường sách
Tóm tắt: Trong nền kinh tế thị trường, thị trường là trung tâm của mọi hoạt động kinh tế. Không có thị trường thì không có doanh nghiệp. Đối với thị trường sách và nhà xuất bản cũng vậy. Thị trường sách cung cấp đầu vào và đón nhận đầu ra của nhà xuất bản. Vì vậy, chính sách phát triển thị trường có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của nhà xuất bản.
Từ khóa: kinh tế thị trường, nhà xuất bản, thị trường sách
1. Những vấn đề cơ bản về thị trường sách
Xét về bản chất, có thể hiểu thị trường sách là tổng hòa các mối quan hệ trao đổi hàng hóa sách, gồm các mối quan hệ cung, cầu, giá cả và phương thức thanh toán trong quá trình thực hiện sự trao đổi sách giữa người cung cấp với người có nhu cầu về hàng hóa sách.
Sự biến đổi trong quan hệ cung cầu của thị trường sách là động lực thúc đẩy các hoạt động thương mại. Khi “cầu” lớn hơn “cung” sẽ xuất hiện hiện tượng thiếu sách, được gọi là “thị trường bên bán”. Lúc này, trên thị trường sẽ xuất hiện sự cạnh tranh giữa những người có nhu cầu đối với sách dẫn đến giá cả trao đổi sách tăng, có tác dụng kích thích sản xuất. Ngược lại, khi “cung” lớn hơn “cầu” thì sách trên thị trường bị ế đọng, được gọi là “thị trường bên mua”. Lúc này, trên thị trường xảy ra hiện tượng cạnh tranh giữa những người cung ứng dẫn đến giá cả trao đổi sách giảm xuống, ảnh hưởng xấu đến sản xuất.
Bất kỳ nơi nào, lúc nào có đủ 5 yếu tố: hàng hóa, cung, cầu, giá cả và phương thức thanh toán thì sẽ diễn ra hoạt động của thị trường. Với đặc thù của thị trường sách thì sách chính là hàng hóa; người cung cấp hàng hóa sách được hiểu là các đơn vị xuất bản; trong khi người có nhu cầu về hàng hóa sách có thể là cá nhân hay cơ quan, tổ chức với động cơ mua sách nhất định và có khả năng mua sách. Ngoài ra có thể nói, trên thị trường sách, việc trao đổi thông tin thị trường là rất cần thiết. Nếu thiếu thông tin thì thị trường không phát triển. Thông tin của thị trường sách gồm: thông tin về xuất bản sách, thông tin về phát hành, thông tin về nhu cầu và thông tin về giá sách.
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường sách, trong đó có thể kể đến những nhân tố chính sau:
Một là, nhân tố chính trị, pháp luật. Một nền chính trị ổn định và hệ thống pháp luật chặt chẽ, sẽ là cơ sở bảo đảm cho các nhà xuất bản, các doanh nghiệp xuất bản tham gia thị trường một cách thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, đạt hiệu quả cao.
Hai là, nhân tố kinh tế. Nền kinh tế có tốc độ phát triển cao và bền vững có ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu sách trong toàn xã hội. Kinh tế phát triển sẽ làm cho nhu cầu đời sống tinh thần tăng cao; người dân có điều kiện quan tâm đến sách nhiều hơn; đồng thời có điều kiện vật chất để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tinh thần đó.
Ba là, nhân tố dân số. Đây là nhân tố cơ bản nhất ảnh hưởng tới nhu cầu thị trường sách. Xét một cách tổng thể, dân số càng đông thì lượng cầu về sách càng lớn. Ngoài ra, các yếu tố như kết cấu dân cư, trình độ dân trí, phân bổ dân số, đặc điểm địa lý vùng, miền… cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường sách.
Bốn là, nhân tố văn hóa xã hội. Nhân tố này bao gồm các đặc điểm xã hội, truyền thống văn hóa, trình độ văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, thói quen đọc sách, tín ngưỡng, tôn giáo, quan niệm đạo đức… của các thành viên trong xã hội. Nhân tố văn hóa xã hội, đặc biệt là văn hóa đọc có ảnh hưởng lớn tới khuynh hướng nhu cầu sách của các thành viên trong xã hội, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường sách.
Năm là, nhân tố khoa học và công nghệ. Đây là nhân tố ngày càng có vai trò quan trọng, làm cho kết cấu thị trường liên tục thay đổi. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất sẽ giúp cho chất lượng sách ngày càng được nâng cao, giá cả hợp lý, hình thức ngày càng hấp dẫn độc giả,… làm cho nhu cầu của thị trường sách tăng lên.
Sáu là, nhân tố giáo dục. Sự phát triển về quy mô giáo dục làm cho nhu cầu của thị trường sách tăng cao, đồng thời, kết quả của nền giáo dục phát triển là những con người có trình độ, năng lực, có nhu cầu tìm hiểu thông tin, tri thức cũng làm cho nhu cầu về sách tăng cao.
2. Nhà xuất bản và thị trường sách
Vai trò của thị trường sách với nhà xuất bản
Trong nền kinh tế thị trường, thị trường sách có vị trí hết sức quan trọng đối với hoạt động của nhà xuất bản. Thị trường sách vừa là mục tiêu, vừa là môi trường của hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hóa sách của nhà xuất bản. Trên thị trường, người mua, người bán và các thành phần trung gian sẽ trao đổi, mua bán hàng hóa sách và tiến hành các dịch vụ liên quan đến sách.
Quá trình sản xuất xã hội nói chung gồm 4 khâu: sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng thì thị trường gồm hai khâu phân phối và trao đổi. Đó là khâu trung gian cần thiết, là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Thị trường sách cũng vậy, do đó, nó có tác động nhiều mặt đến sản xuất và tiêu dùng sách của xã hội:
Một là, thị trường sách là yếu tố bảo đảm cho sản xuất sách phát triển liên tục với quy mô ngày càng mở rộng và bảo đảm phân phối hàng hóa sách phù hợp với điều kiện, thị hiếu (sở thích) của người tiêu dùng một cách đầy đủ, kịp thời, thuận lợi.
Hai là, thị trường sách không chỉ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sách của người dùng, mà còn gợi mở những nhu cầu về sách để các nhà xuất bản nắm bắt, cung cấp cho người dùng sách những xuất bản phẩm có chất lượng cao, văn minh, hiện đại, sát với nhu cầu thực tiễn.
Ba là, dự trữ hàng hóa sách phục vụ sản xuất của nhà xuất bản và tiêu dùng sản xuất, giảm bớt dự trữ ở các khâu tiêu dùng, bảo đảm việc điều hòa cung cầu.
Bốn là, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân ngày càng phong phú, đa dạng, văn minh của các nhà xuất bản.
Nhà xuất bản với việc nghiên cứu thị trường
Phân chia thị trường sách
Phân chia thị trường sách là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà xuất bản, trở thành một trong những vấn đề mấu chốt quyết định sự thành bại trong sản xuất, kinh doanh của nhà xuất bản. Các nhà xuất bản dựa vào tính đa dạng về nhu cầu của thị trường sách và sự khác nhau về hành vi mua sách của người tiêu dùng để phân chia toàn bộ thị trường thành một số thị trường nhỏ hơn với những đặc trưng giống hoặc tương tự nhau. Việc phân chia thị trường sách có tác dụng:
- Giúp nhà xuất bản phát hiện cơ hội từ những thị trường nhỏ, từ đó xác lập thị trường mục tiêu và tổ chức khai thác cho đúng và trúng.
- Giúp nhà xuất bản xác định ưu thế của mình trong thị trường, từ đó tập trung mọi nguồn lực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; giúp cho việc nâng cao tốc độ phản hồi thông tin và chất lượng thông tin của thị trường; điều chỉnh kịp thời cơ cấu xuất bản phẩm, giá cả, hình thức phát hành sách nhằm nhanh chóng đưa sách vào thị trường đã chọn, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của thị trường.
Xác định thị trường mục tiêu
Thị trường mục tiêu là một hoặc một số thị trường nhỏ mà nhà xuất bản đã lựa chọn để triển khai chiếm lĩnh thị trường nhằm thu được hiệu quả cao nhất. Thị trường mục tiêu là kết quả của việc phân chia thị trường. Nhà xuất bản phải dựa vào mục tiêu kinh doanh và nguồn lực của mình để lựa chọn thị trường mục tiêu hợp lý và xác định chiến lược kinh doanh của mình trên thị trường mục tiêu. Việc xác định thị trường mục tiêu của nhà xuất bản phải căn cứ vào quá trình phân tích, đánh giá các thị trường đã chia nhỏ. Cụ thể qua 5 bước sau:
Một là, phân tích, đánh giá quy mô thị trường đã phân chia. Việc lựa chọn quy mô thị trường mục tiêu tùy thuộc vào quy mô và mục tiêu kinh doanh của nhà xuất bản, nhằm tập trung các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhà xuất bản có quy mô nhỏ thì nên lựa chọn thị trường có quy mô nhỏ và ngược lại.
Hai là, phân tích, đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường đã phân chia. Đây là bước rất quan trọng. Cần lựa chọn thị trường có tiềm năng phát triển lâu dài làm thị trường mục tiêu.
Ba là, sức hấp dẫn của thị trường đã phân chia. Đó là khả năng thu hút, lôi cuốn được sự quan tâm của số đông người tiêu dùng sách trên thị trường. Các yếu tố sau đây sẽ được xem xét để đánh giá sức hấp dẫn của một thị trường: 1) Nếu sức cạnh tranh của thị trường không lớn thì sức hấp dẫn sẽ lớn và ngược lại; 2) Nếu hàng hóa sách khác có thể dễ dàng thay thế thì sức hấp dẫn của thị trường sẽ nhỏ và ngược lại; 3) Nếu số lượng người tiêu dùng sách lớn, sức mua mạnh thì sức hấp dẫn của thị trường sẽ lớn và ngược lại.
Bốn là, mục tiêu và nguồn lực của nhà xuất bản. Về cơ bản, việc lựa chọn thị trường mục tiêu cần phải phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển dài hạn của nhà xuất bản; phù hợp với khả năng bảo đảm của các nguồn lực hay nói cách khác, thị trường mục tiêu là thị trường phát huy được tác dụng các nguồn lực của doanh nghiệp xuất bản.
Cạnh tranh trên thị trường sách
Cạnh tranh là quy luật phổ biến của nền kinh tế thị trường. Đối với thị trường sách cũng vậy. Năng lực cạnh tranh, tính tích cực, chủ động tham gia vào cạnh tranh trên thị trường sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các nhà xuất bản, quyết định đến sự tồn tại của nhà xuất bản trên thị trường. Cạnh tranh trên thị trường sách bao gồm các phương thức sau:
Một là, cạnh tranh về chủng loại sách. Điều này đòi hỏi sự nhanh nhạy của nhà xuất bản, nhanh chóng, kịp thời cung cấp cho thị trường những loại sách phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng sách, nhờ đó, nhà xuất bản chiếm được thị trường nhanh nhất. Đây là phương thức cạnh tranh cơ bản nhất.
Hai là, cạnh tranh về chất lượng sách. Đối với các sách cùng chủng loại, để chiếm lĩnh được thị trường, doanh nghiệp xuất bản cần tập trung đầu tư vào chất lượng cả về nội dung và hình thức của xuất bản phẩm. Trong quá trình cạnh tranh trên thị trường, cạnh tranh về chủng loại sách là phương thức cơ bản nhưng cũng dễ bị cạnh tranh nhất. Vì vậy, nhà xuất bản nào cung cấp cho thị trường sách có chất lượng cao, được người tiêu dùng sách tín nhiệm sẽ chiếm lĩnh được thị trường.
Ba là, cạnh tranh về giá sách. Phương thức này thường được áp dụng khi nhu cầu thị trường sách tương đối thiếu. Trong điều kiện hai phương thức cạnh tranh trên chưa giúp nhà xuất bản chiếm lĩnh được thị trường thì giá cả chính là phương thức cạnh tranh hữu hiệu. Hiện nay, thị trường đã chuyển từ thị trường bên bán sang thị trường bên mua nên cạnh tranh giá cả cũng rất gay gắt.
Bốn là, cạnh tranh về tuyên truyền, tiếp thị. Đối với phương thức cạnh tranh này, nhà xuất bản sử dụng các biện pháp tuyên truyền nhằm tác động vào nhận thức của người tiêu dùng sách để tranh thủ sự lựa chọn mua của họ. Trong phương thức này, cần lưu ý tới các yếu tố: năng lực tuyên truyền, nghệ thuật tuyên truyền và tốc độ tuyên truyền.
Năm là, cạnh tranh về cung cấp các dịch vụ phục vụ người tiêu dùng sách. Trong điều kiện sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt của thị trường sách như hiện nay, nhà xuất bản nào cung cấp các dịch vụ tốt nhất sẽ có cơ hội lớn để giành thắng lợi trong cạnh tranh.
Phát triển thị trường sách
Một thị trường sách mới bao hàm rất nhiều yếu tố như: sự cung cấp mới, nhu cầu thị trường mới và những mối quan hệ thị trường mới, v.v.. Một yếu tố thị trường thay đổi có thể làm thay đổi tình hình của thị trường, từ đó hình thành nên một thị trường mới. Trong cơ chế thị trường hiện nay, để có thể phát triển thị trường sách một cách hiệu quả, cần tiến hành thực hiện đồng bộ những biện pháp sau:
Phát triển sản phẩm sách
Sản phẩm sách là yếu tố thị trường hết sức quan trọng. Trong quan hệ thị trường, ý nghĩa thị trường của một sản phẩm sách không phụ thuộc vào đặc tính của bản thân sản phẩm mà phụ thuộc vào việc đặc tính đó có thể thỏa mãn nhu cầu thị trường hay không. Thay đổi tính năng, kết cấu, công nghệ sản xuất, hình thức và giá cả của sản phẩm sách trên thị trường cũng như các yếu tố khác của sản phẩm và thuộc tính của nó sẽ dẫn đến sự thay đổi tương ứng của thị trường, từ đó dẫn đến sự xuất hiện một thị trường mới. Điều đó đòi hỏi nhà xuất bản cần có những đánh giá, phân tích sâu sắc về sản phẩm sách để quyết định lựa chọn việc phát triển sản phẩm sách trong lĩnh vực phát triển thị trường.
Phát triển nhu cầu sách
Nhu cầu sách là yếu tố quan trọng nhất trong thị trường sách. Nhu cầu sách thay đổi sẽ dẫn tới sự thay đổi thị trường sách. Nhu cầu thị trường sách là biểu hiện cụ thể về nhu cầu văn hóa của con người, đồng thời phản ánh khách quan điều kiện sinh tồn của con người.
Mặc dù lĩnh vực sáng tạo trong xuất bản phẩm cũng phải chú ý đến nhu cầu thị trường nhưng khi lựa chọn điểm cần tập trung sáng tạo ở sản phẩm sách, nhà xuất bản cần chú ý nhiều đến những nhân tố như năng lực kỹ thuật, điều kiện tài nguyên của nhà xuất bản. Trong khi đó, lĩnh vực phát triển nhu cầu thì lại trực tiếp nhằm vào người tiêu dùng. Vì thế, phân tích đúng thực trạng của nhu cầu thị trường và nắm bắt được xu thế phát triển của nó là yếu tố quan trọng cần xét đến khi muốn phát triển nhu cầu sách. Theo các nhà nghiên cứu thị trường, một điểm phát triển nhu cầu sách có thể chứa đựng nhiều điểm sáng tạo sản phẩm sách. Khi lựa chọn lĩnh vực thay đổi về nhu cầu nào làm lĩnh vực phát triển thị trường, nhà xuất bản cần phải xem xét đầy đủ đến các tính chất liên quan đến nhu cầu thị trường, đồng thời phân tích, đánh giá đầy đủ về hiện trạng, điều kiện và triển vọng phát triển của thị trường
Phát triển khách hàng
Khách hàng, hay nói cách khác là người tiêu dùng sách, là nguồn tài nguyên thị trường của nhà xuất bản. Nhu cầu thị trường sách chính là nhu cầu của người tiêu dùng sách. Do đó, tiến hành phát triển thị trường trên cơ sở những nhu cầu khác nhau của khách hàng khác nhau là một nguyên tắc cơ bản mà nhà xuất bản cần xem xét, phân tích, đánh giá đầy đủ khi tiến hành phát triển thị trường.
Nhu cầu của khách hàng ngày càng phong phú, đa dạng, vì vậy, nếu không tạo được sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh trên thị trường thì nhà xuất bản sẽ gặp phải thách thức rất lớn. Khi xây dựng chiến lược phát triển thị trường, nhà xuất bản cần phải tiến hành phân nhỏ thị trường, lựa chọn lĩnh vực phát triển thị trường một cách thích hợp. Đồng thời, khi phân loại khách hàng, nhà xuất bản cần phải xem xét đầy đủ đến tình hình thị trường, hành vi thị trường và hiệu ứng tác động lẫn nhau giữa chúng trong cùng một đối tượng khách hàng, từ đó nhận định một cách chính xác động cơ mua sách của họ; lựa chọn những khách hàng phù hợp để tập trung phát triển thị trường mục tiêu, giảm thiểu sự mạo hiểm của việc phát triển thị trường.
*
Các nhà xuất bản, để có thể tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường, đều phải nhận thức được các quy luật cơ bản của thị trường. Đó là quy luật giá trị, quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh. Tôn trọng tính khách quan của quy luật để vận dụng một cách thông minh luôn là một bài học quý. Vì vậy, các nhà xuất bản nói chung và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nói riêng cần quan tâm đến xây dựng chính sách thị trường nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển thị trường của mình. Để làm được điều đó, các nhà xuất bản cần phải có bộ phận nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp.
Quang Duy
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023