5 năm Ngày Sách Việt Nam: Hàng ngàn tủ sách đã đến được thư viện mọi vùng miền
Không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức và văn hóa đọc, khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc ở Việt Nam còn mang hàng ngàn tủ sách đến với các thư viện ở mọi vùng miền, góp phần hình thành thói quen đọc sách từ rất sớm của thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 285/QĐ-TTg ngày 14.2.2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, đã có 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc, với nhiều hoạt động phong phú nhằm tuyên truyền, phổ biến, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa tinh thần của sách, thu hút người dân đến với ngày Hội, từ đó tạo ra thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân. Điển hình, tại Thanh Hóa 100% trường học trong tỉnh thực hiện phát động phong trào đọc sách trong nhà trường. 27/27 huyện thị tổ chức “Ngày Sách Việt Nam” trong hệ thống thư viện, phòng đọc nhà văn hóa làng bản. Thư viện tỉnh Thanh Hóa duy trì tổ chức lễ khai mạc triển lãm sách với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng”.
Các hoạt động của hệ thống thư viện công cộng đã có nhiều hình thức tổ chức phong phú, đặc biệt là các hoạt động phục vụ lưu động đã đưa sách về cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi và hải đảo. Tại các cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang, bộ phận thư viện với sự giúp đỡ, hướng dẫn của hệ thống thư viện công cộng đã có chuyển biến tích cực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả phù hợp với từng đối tượng. Nhiều chương trình phối hợp thực hiện Ngày Sách Việt Nam được đánh giá cao. Phối hợp ngành giáo dục tổ chức Ngày Sách Việt Nam ở các trường, thư viện học vùng sâu, vùng miền núi các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Cà Mau...; phối hợp với ngành công an tổ chức đem sách đến các trại giam, trung tâm điều trị cai nghiện. Phối hợp Ban chỉ huy quân sự tổ chức Ngày Sách Việt Nam ở các đồn biên phòng, hải đảo. Phục vụ sách người khuyết tật, khiếm thị ở các huyện, thị xã.
Thông qua Dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động”, năm 2018, Bộ VHTTDL đã tổ chức lễ trao tặng 8 xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện (trị giá hơn 8 tỉ đồng) cho 8 thư viện tỉnh; vận động tài trợ để các thư viện có thêm phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử và sách nói phục vụ cho người khiếm thị…
Ngoài những hoạt động của Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành, đơn vị và địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa chào mừng Ngày Sách Việt Nam, đơn cử như tỉnh Quảng Trị đã tuyên truyền sâu rộng về Ngày Sách thông qua hình thức thi trên facebook, truyền thông online và offline. Năm 2015, từ nguồn xã hội hóa và vận động của Sở TT&TT, Ban tổ chức đã trao tặng trên 11.000 đầu sách, tặng cho 9 đơn vị gồm các trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Chương trình sách hóa nông thôn Quảng Trị kêu gọi các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp, cá nhân, cựu học sinh đóng góp xây dựng 63 tủ sách lớp học với hơn 5.000 bản sách...
Nhiều Bộ, ngành, đơn vị và địa phương cũng đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xuất bản có sự phối hợp, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao xuất bản phẩm lưu chiểu của địa phương cho các thư viện cấp tỉnh nhằm hỗ trợ các thư viện công cộng có nguồn sách báo địa phương có chất lượng phục vụ người dân đến đọc thường xuyên cũng như khi tổ chức Ngày Sách Việt Nam. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, nhiệt tình, sáng tạo, có đóng góp tích cực trong việc khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá và lưu giữ sách.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản tập trung giới thiệu các đầu sách có chất lượng tốt, tổ chức các sự kiện giao lưu, tọa đàm, ra mắt sách và trao đổi bản quyền; bố trí nhân lực, tài chính... khi tham gia các Hội Sách, từ năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ TT&TT phối hợp tổ chức chung một Hội Sách tại địa điểm Hoàng thành Thăng Long và một gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức). TP Hà Nội đang nghiên cứu để đăng ký trở thành Thủ đô sách thế giới vào năm 2022.
BT: Kiều Trang
Theo Báo Văn hóa
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023