Bản án chế độ thực dân Pháp là một tác phẩm chính luận sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc, viết bằng tiếng Pháp và ra mắt lần đầu vào năm 1925 tại Paris, trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân Pháp đang diễn ra mạnh mẽ ở các thuộc địa. Tác phẩm này không chỉ phản ánh sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân mà còn khẳng định quyền tự do, độc lập của các dân tộc thuộc địa. Với 12 chương và 1 phụ lục, ra đời giữa lúc làn sóng cách mạng đang dâng lên mạnh mẽ ở khắp các thuộc địa của thực dân Pháp, phong trào yêu nước của Việt Nam đang sôi nổi diễn ra khắp Bắc - Trung - Nam và giữa lúc Nguyễn Ái Quốc đang nỗ lực giáo dục, tổ chức lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đồng thời kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia bị áp bức trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập.
Với cách hành văn ngắn gọn, súc tích, giản dị, trong sáng và châm biếm sâu sắc, tác phẩm đã tố cáo và lên án đanh thép những tội ác tày trời của chủ nghĩa thực dân nói chung và chủ nghĩa thực dân pháp nói riêng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Với những bằng chứng cụ thể, tác phẩm đã vạch rõ nguồn gốc của mọi sự áp bức bóc lột, mọi nỗi khổ cực của quần chúng ở các thuộc địa.
Tác phẩm được xuất bản lần đầu ở Việt Nam vào năm 1946 tại Hà Nội, bằng tiếng Pháp; năm 1960 tác phẩm được xuất bản lần đầu bằng tiếng Việt, tiếp tục được tái bản vào các năm 1975, 1976, 1985 và được in trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập. Nó không chỉ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào cách mạng Việt Nam mà còn được đón nhận tại các nước thuộc địa khác. Bản án chế độ thực dân Pháp là một trong những tác phẩm quan trọng của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện sự sâu sắc trong tư tưởng và chiến lược cách mạng của Người, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh chống thực dân và giải phóng dân tộc.