Cuốn sách được viết với cách tiếp cận tổng quát theo phương pháp triết học - thực tiễn với hai phương diện: một là, phương diện lý luận chung với cách tiếp cận mới để lý giải thực tế về mâu thuẫn lợi ích nhóm; hai là, phân tích khái quát mang tính gợi mở về một số mâu thuẫn, xung đột lợi ích nhóm cụ thể vào loại phức tạp nhất đang nổi lên hiện nay.
Tác giả đã đề cập một vấn đề lý luận và thực tiễn đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu lý luận ở nước ta hiện nay: bản chất, đặc điểm mâu thuẫn, xung đột, nội dung, thực tế mâu thuẫn, xung đột lợi ích ở một số nước trên thế giới. Ngoài ra, còn đề cập việc nhận dạng một số mâu thuẫn xung đột lợi ích hiện nay cũng như tính chất và cách nhìn dự báo gần về vấn đề này. Đặc biệt, chương cuối cuốn sách, tác giả bàn đến việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích nhóm, giai tầng xã hội thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước.
Có thể nói, mâu thuẫn, xung đột lợi ích nhóm đang là một thực tế nóng hổi ở nước ta trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, song chưa có nhiều các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này một cách hệ thống, nhất là về mặt lý luận dựa trên sự tổng kết thực tiễn. Do vậy, cuốn sách Bàn về mâu thuẫn xung đột lợi ích hiện nay được xuất bản có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta nhận ra sự vận động, biến đổi của xã hội một cách đa dạng, cụ thể hơn, giúp cho việc đề xuất các giải pháp được nhạy bén hơn, phù hợp hơn trong quản lý xã hội.