Bao giờ những kẻ ăn cắp sách phải ra tòa?

Ngày đăng: 28/07/2011 - 15:07

Bản quyền trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam ngày càng bát nháo, không còn là ngoại lệ mà đã thành hiện tượng, không dừng lại ở sự vụ nhỏ lẻ mà đã mang tính hệ thống. Nhưng vẫn chưa có ai bị kiện vì làm sách lậu.

Nạn nhân quen thuộc của những vụ in lậu sách - First News, vừa lên tiếng về việc hàng chục đầu sách của mình bị "luộc". Nhưng lần này, First News kiên quyết hơn, "thề" sẽ theo kiện đến cùng.

Quyết tâm đi kiện
Gọi là nạn nhân quen thuộc, vì First News cùng nhiều đơn vị xuất bản khác, đặc biệt những thương hiệu nổi tiếng thường cho ra lò những cuốn sách ăn khách, nhiều năm qua là mục tiêu béo bở mà các đối tượng làm lậu luôn nhắm đến.

alt
Bạn đọc bình thường phân biệt nổi những đôi sách một giả, một thật này không? Ảnh: V.T

Khó có thể kể hết những đầu sách của First News đã bị làm giả, và số lần đơn vị làm sách này tổ chức họp báo hoặc gửi thông cáo về việc bị xâm phạm sở hữu trí tuệ. Con số sau đây sẽ cho một hình dung về hiện trạng: Không lâu sau thời điểm Việt Nam gia nhập công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật năm 2004, First News công bố 5 đầu sách bị in lậu. 7 năm sau, ngày 26/7 vừa qua, đơn vị này thông báo mình bị "luộc" đến 73 đầu sách.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, trở nên hoang mang hơn với thực tế ngày càng bi đát: "7 năm qua First News đã đóng hơn 6,8 tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước, nhưng không được bảo hộ về bản quyền, chống in lậu. Tôi có kinh nghiệm làm sách đã 17 năm, nhưng vẫn không biết phải làm cách nào để giải quyết tình trạng này".

Việc các đầu sách bán chạy của First News gần như cứ ra lò liền bị dân làm lậu tại thị trường Hà Nội chụp lấy làm giả hàng loạt ngay, là chuyện... không có gì mới. Việc đơn vị này mải miết kêu gào từ những năm đầu đất nước tham gia luật chơi bản quyền quốc tế cho đến nay, cũng đã chán chê. Diễn biến dẫn đến động thái kiên quyết của First News lần này nằm ở hai tình tiết mới.

Thứ nhất, thủ đoạn của dân làm lậu sách đã bước đến giai đoạn trắng trợn, tàn nhẫn hơn. Ít ai có thể ngờ, giá những cuốn sách lậu giờ đây lại cao hơn sách gốc, từ 20% đến 70%! Chẳng hạn cuốn 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, giá bìa 32.000 đồng, ngoài cửa hàng, sách lậu ghi giá vống lên 55.000 đồng, cao hơn đến 72%.

Với 16 tựa sách giả chỉ tính riêng của First News bị đẩy giá cao hơn sách gốc như thế, dù giới in lậu đã trưng biển giảm giá để bẫy người mua, thì vẫn cứ lãi ròng. Dân làm lậu ngày càng tham ăn hơn, bởi chưa cần tăng giá, với cách sống trên lưng người khác, với hàng chục đầu sách lậu xếp chữ sai lỗi, in ấn lem nhem, các đối tượng này cũng đã gom về số tiền bất chính rất lớn.

Thứ hai, First News đã có người đồng hành trong hành trình tìm công bằng và giành lại uy tín cho mình. Tập đoàn xuất bản Compass Media của Mỹ đã cử người sang Việt Nam tham gia tìm hiểu và xúc tiến việc kiện các đơn vị vi phạm tác quyền. 9 đầu sách học tiếng Anh TOEIC và TOEFL iBT cùng toàn bộ đĩa CD đính kèm mà tập đoàn này bán bản quyền cho First News, đã bị in lậu tại hầu hết các trường, trung tâm ngoại ngữ trên cả nước!

Kiện được không?

Cách đây chưa lâu, từng có đại diện nhà xuất bản Oxford của Anh cùng một số nhà xuất bản ngoại văn nổi tiếng khác có văn phòng tại Việt Nam, tham gia tổ chức họp báo về việc sách của mình bị vi phạm tác quyền tràn lan và nói sẽ kiện. Tuy nhiên, sự việc chìm nhanh vào quên lãng, không có một kẻ ăn cắp sách nào phải hầu tòa.

alt
Dòng chữ này đã nói đủ thực trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng và ngày càng tàn nhẫn. Ảnh: V.T

Lần này, đại diện tập đoàn xuất bản Compass Media cũng tuyên bố sẽ cùng đối tác thưa kiện. Bà Joanne Jalbert, Giám đốc kinh doanh marketing và bản quyền quốc tế của tập đoàn này, khẳng định: "Đến 95% số đầu sách của First News bị vi phạm bản quyền. Nếu không kiện, First News có thể phải đóng cửa. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải theo kiện đến cùng".

Bà Joanne Jalbert cho biết thêm, nếu chưa có phương pháp nào để cân bằng lợi ích của các bên trong việc thụ hưởng từ các xuất bản phẩm, thì đã đến lúc cần phải dùng biện pháp mạnh. "Chúng tôi đã có biện pháp, sẽ hành động ngay từ hôm nay và tiếp tục giám sát trong tương lai, đại diện của Compass Media nói.

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Chống hàng giả Hà Nội - chia sẻ: “Chúng tôi quản lý hàng giả trên nhiều lĩnh vực để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm sách. Nếu đi mua thực phẩm, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn rất kỹ, do liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Nhưng mua sách thì người ta ít lựa chọn, mà chỉ xem giá bìa có hợp với túi tiền của mình không thôi chứ ít khi quan tâm sách lậu hay sách thật. Nhưng giá sách giả, sách lậu, sách photo mà cao hơn sách thật thì rõ ràng là xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng”.

Đã nhiều vụ việc "chìm xuồng" như điển hình kể trên. Khá hơn một chút, có một vài vụ mà kẻ vi phạm tác quyền cũng chỉ bị phạt vi phạm hành chính 15 đến 20 triệu đồng, trong khi số tiền thiệt hại tính bằng tỷ đồng. Chính ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội chống hàng giả, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, người từng tham gia "hốt" nhiều vụ sách lậu cùng First News, cũng thừa nhận: "Bắt cóc bỏ đĩa, không giải quyết được gì nhiều. Không thể thay đổi trong ngày một ngày hai".

Vậy thì tất cả lại cùng ca điệp khúc cũ "sống chung với lũ", trong bối cảnh xã hội có đầy đủ luật lệ, cuộc sống ngày càng văn minh? Luật sư Châu Huy Quang, công ty luật LCT Lawyers, cho biết: "Cơ sở pháp lý của Việt Nam đã khá đầy đủ để áp dụng vào những vụ việc như thế này. Khó ở đây là chứng minh thiệt hại. Nhưng nếu làm đồng bộ, lâu dài thì sẽ làm được". Tuy không tiết lộ cụ thể nhưng ông Quang nói sẽ trợ giúp First News củng cố chứng cứ, sàng lọc đối tượng, thực hiện các bước đồng bộ về pháp lý để khởi kiện ra tòa dân sự 3 đối tượng ở TP.HCM và Hà Nội.

Sách lậu có thêm biến tướng, trong khi nhiều người lại dễ dãi mua cuốn sách hợp túi tiền chứ không đắn đo phân biệt hàng giả - kém chất lượng giống như khi chọn mua thực phẩm, hàng hóa khác. Nhà quản lý ngoài việc tuyên truyền suông vẫn chưa thấy động thái bảo vệ, dẹp loạn mạnh tay hơn. Nhiều nạn nhân cũng chưa dám mạnh dạn hành động. Không thể ngồi than vãn mãi, dù biết rằng được vạ thì má đã sưng không biết bao lần.

Bản quyền trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam không hề bớt bát nháo, không còn là ngoại lệ mà đã thành hiện tượng, không dừng lại ở sự vụ nhỏ lẻ mà đã mang tính hệ thống. Liệu có còn giới hạn chịu đựng nào ở đây không? Cũng sẽ đến lúc có một tên ăn cắp sách nào đó phải ra tòa chứ?

Võ Tiến

First News cho biết nguồn sách lậu xuất phát từ các lò in lậu của khoảng 11 "trùm in lậu" nổi tiếng Hà Nội như Tuấn Anh với 8 máy photocopy, Hưng, Lập Vầu, Giang Hói, Mạnh..., chuyên "luộc" quy mô các loại sách không chỉ của First News mà còn của nhiều đơn vị khác. Thông qua các nhà sách bán sỉ ở Hà Nội, sách lậu được chuyển đi khắp các địa phương miền bắc như Yên Bái, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vinh... để tiêu thụ với số lượng lớn.

Công nghệ làm lậu sách ngày càng cao, nên First News đưa ra các đặc điểm nhận dạng để người đọc tránh mua lầm: Bìa sách lậu được scan lại hoàn toàn, chế bản in offset bốn màu, hai mặt, hơi mờ (chỉ bằng 90% so với bìa gốc), ghi đầy đủ tên nhà xuất bản và tên First News. Ruột sách được photocopy hoàn toàn, kể cả trang bản quyền đã ký với nhà xuất bản, có thể nhận diện được bằng chữ đậm nhưng không sắc nét, hình trong sách mờ, lem nhem.

Theo Vietnamnet

Bình luận