Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành (2013)
Hiến pháp năm 2013 được ban hành là bước phát triển quan trọng trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Với vai trò là đạo luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp tác động đến toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta, do đó, công tác nghiên cứu khoa học về Hiến pháp là rất cần thiết, không chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động triển khai, thi hành Hiến pháp mà còn là cơ sở quan trọng trong nghiên cứu và thi hành các văn bản pháp luật khác. Cuốn sách Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành (2013) là công trình khoa học chuyên sâu về Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, được tập thể các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật biên soạn, nêu bật được những điểm mới, phù hợp với những thay đổi của thực tiễn đất nước hiện nay của Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 kế thừa giá trị cốt lõi của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992, đồng thời thể chế hóa sâu sắc và toàn diện các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Hiến pháp là cơ sở hiến định, tạo ra không gian rộng mở cho các văn bản dưới Hiến pháp quy định cụ thể về từng lĩnh vực nên nội dung Hiến pháp mang tính khuôn khổ, nguyên tắc và tạo động lực cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, hoạt động nghiên cứu Hiến pháp có vai trò quan trọng, không chỉ phục vụ cho việc triển khai thi hành Hiến pháp mà còn có giá trị nền tảng trong việc nghiên cứu, xây dựng và thi hành các văn bản luật và dưới luật khác. Để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu Hiến pháp, tập thể tác giả (Chủ biên là GS.TS. Hoàng Thế Liên) đã tổng hợp các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn để biên soạn cuốn sách Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành (2013). Tập thể tác giả là những người công tác tại các đơn vị đã tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến trong việc xây dựng và thực thi Hiến pháp như: Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Tư pháp,... do đó, nội dung, quan điểm, bình luận trong cuốn sách mang tính nghiên cứu chuyên sâu về khoa học pháp lý nói chung và về Hiến pháp nói riêng.
Nội dung cuốn sách được chia thành 11 chương, tương ứng với từng chương trong Hiến pháp, bao gồm: Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Chính quyền địa phương; Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.
Với mỗi chương, các tác giả đi từ những khái quát chung, sau đó chỉ ra những giá trị được Hiến pháp năm 2013 kế thừa từ các bản Hiến pháp trước, đồng thời làm rõ những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Hiến pháp để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước; phù hợp với các quan điểm, chủ trương đổi mới của Đảng trên nhiều lĩnh vực.
Ở phần bình luận cụ thể từng điều luật của Hiến pháp, các tác giả phân tích những điểm chính yếu cần lưu ý; bên cạnh đó, phân tích những đổi mới, tiến bộ về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến trong Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đó. Các phân tích được thực hiện trên nhiều khía cạnh nhằm làm rõ nguồn gốc, vai trò hiến định; đồng thời, những nhận định về tình hình đất nước và thực trạng thực thi Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật khác cũng được đề cập. Ngoài ra, các tác giả còn chỉ ra sự thay đổi toàn diện trong hệ thống pháp luật dựa trên những đổi mới của Hiến pháp năm 2013.
Với cách trình bày rõ ràng, đưa ra những nhận định và phân tích chặt chẽ, sâu rộng trên nhiều khía cạnh, cuốn sách giúp người đọc hiểu được tinh thần và nội dung cơ bản của Hiến pháp, từ đó thực hiện đúng theo Hiến pháp. Cuốn sách Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành (2013) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản là tài liệu cần thiết cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên luật, các cán bộ thuộc hệ thống cơ quan thi hành pháp luật trong quá trình nghiên cứu, triển khai thi hành Hiến pháp và quá trình nghiên cứu, xây dựng, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023