Xét một cách tổng quát, các mục tiêu xã hội nhằm phục vụ con người là cái đích để hướng tới của mọi chiến lược phát triển. Nếu không dựa trên các tiêu chí của xã hội, không dựa theo nhu cầu của con người thì mọi mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Đồng thời, các mục tiêu xã hội cũng thể hiện những kết quả thực tế của tăng trưởng. Vì vậy, cơ cấu xã hội và những vấn đề xã hội bức xúc là một bức tranh sống động và chân thực hơn tất cả những gì lý thuyết nêu lên. Việc nhìn nhận, xem xét và đánh giá đúng bức tranh này sẽ là cơ sở để xây dựng các chiến lược, chính sách xã hội hợp lý, vì con ngời và vì sự phát triển chung.
Đối với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thực hiện công bằng xã hội đi kèm với tăng trưởng kinh tế là yêu cầu tiên quyết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể nhanh chóng xóa bỏ mọi vấn đề xã hội bức xúc như: phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, tệ nạn xã hội... để thực hiện sự bình đẳng hoàn toàn; không thể ngay lập tức xóa bỏ hoặc không chấp nhận các “mặt trái” đó trong khi nền kinh tế thị trường vẫn đang ở trạng thái bắt đầu hình thành; lại càng không thể phủ nhận vai trò quyết định của kinh tế thị trường đối với sự tăng trưởng kinh tế cũng như tác dụng của nó với tư cách là phương tiện không thể thiếu để đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách Cơ cấu xã hội Việt Nam và những vấn đề xã hội bức xúc trong quá trình đổi mới do GS, TS. Đỗ Nguyên Phương và TS. Trần Xuân Kiên làm chủ biên sẽ cung cấp cho bạn đọc những số liệu thống kê, phân tích, đánh giá khái quát và sâu sắc theo nhiều chiều kích khác nhau về những khía cạnh, những vấn đề liên quan đến cơ cấu xã hội và những nguy cơ, tệ nạn xã hội trong quá trình xây dựng đất nước hiện nay. Đồng thời, cuốn sách gợi mở những giải pháp để có thể giải quyết các vấn đề này một cách thỏa đáng trên cơ sở tận dụng những nguồn nội lực của nền kinh tế, từ những thành quả của tăng trưởng nhờ ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường.
Qua cuốn sách, các tác giả đã cho thấy rằng, để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa cơ cấu xã hội - giai cấp với tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, yêu cầu quan trọng hàng đầu ở Việt Nam hiện nay là phải phát huy được sức mạnh tổng thể của dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sức mạnh của cả dân tộc chỉ có thể được phát huy khi mọi thành viên trong xã hội đều có khả năng nhận được sự công bằng tương đối trong từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời việc thực hiện các biện pháp huy động sức mạnh đó lại chính là cơ chế để giải quyết công bằng dựa trên các thành quả tăng trưởng.
Nội dung cuốn sách gồm bốn chương:
- Chương I: Cơ cấu xã hội, cơ cấu xã hội - giai cấp trong quá trình đổi mới trình bày một số vấn đề lý luận và phân tích thực trạng về cơ cấu xã hội, cơ cấu xã hội - giai cấp ở nước ta hiện nay.
- Chương II: Cơ cấu xã hội - giai cấp với tăng trưởng, phát triển kinh tế và công bằng xã hội cho người đọc hiểu rõ hơn về khái niệm “công bằng xã hội” trong lịch sử và trong thời đại ngày nay; tác động của sự biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp đối với tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội; thông qua đó, chỉ ra những ảnh hưởng của các chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.
- Chương III: Một số vấn đề xã hội bức xúc trong quá trình đổi mới phân tích những nhận thức, thực trạng, thách thức và cách giải quyết trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội như: môi trường, dân số, lao động, việc làm, sự phân hóa giàu nghèo và các tệ nạn xã hội.
- Chương IV: Quan điểm, phương hướng và giải pháp cơ bản nhằm giải quyết hợp lý các mối quan hệ kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng xã hội gợi mở những chiến lược, giải pháp ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô nhằm hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo ra sự công bằng và bình đẳng về cơ hội cho mọi người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, các tầng lớp và nhóm xã hội.
Cuốn sách sẽ là một bức tranh chân thực và sống động với những phân tích từ nhiều mặt của các nhà nghiên cứu về kinh tế - xã hội và giai cấp Việt Nam trong các bước vận động mới của xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa.