Trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước Pháp là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: từ một người yêu nước Người trở thành một chiến sĩ cộng sản. Tại đây, Người đã thay mặt Hội Những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi đến Hội nghị Vécxây bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”; cũng tại đây Người được đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã mở ra cho Người nhận thức về con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Người là một trong những đại biểu các thuộc địa của Pháp đứng ra thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, chống chủ nghĩa thực dân tại chính nước Pháp; Người đã tham gia Đại hội Tua và được coi là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam… Và năm 1946, Người trở lại Pháp để tìm cách bảo vệ nền độc lập và hòa bình trước khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chín năm.
Cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp do Phạm Hoàng Điệp biên soạn sẽ giúp bạn đọc nắm được toàn bộ những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp, hiểu sâu sắc hơn những suy nghĩ và tình cảm của những người cộng sản, các chính khách và trí thức, và hơn cả là nhân dân Pháp dành cho Người. Cuốn sách còn cho thấy một giai đoạn hoạt động đầy khó khăn, hiểm nguy trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với những suy nghĩ, trăn trở của Người vì nền độc lập, tự do cho đất nước, để từ đó mỗi người dân VIệt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm yêu quý, trân trọng giá trị của nền độc lập, tự do ấy.
Cuốn sách gồm ba phần:
- Phần thứ nhất trình bày những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp từ năm 1911 đến tháng 9-1946. Trong phần này, các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chia thành ba giai đoạn chính: giai đoạn 1911-1920, giai đoạn 1920-1923 và giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9-1946.
- Phần thứ hai với tên gọi: Hình ảnh Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Pháp thể hiện tình cảm của nhân dân Pháp đối với Người.
- Phần thứ ba gồm tập hợp danh mục thư, bài viết, trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến nước Pháp từ năm 1919 đến 1969.