Chức năng văn hóa - tư tưởng và nhiệm vụ kinh doanh của hoạt động xuất bản

Ngày đăng: 10/12/2013 - 10:12

Chức năng văn hóa - tư tưởng và nhiệm vụ kinh doanh của hoạt động xuất bản có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ. “Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc”1.

sachthamkhao

Xuất bản là một lĩnh vực quan trọng, một “binh chủng” của công tác tư tưởng. Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong những năm qua, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của độc giả, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất bản vẫn còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý nhà nước về xuất bản còn nhiều hạn chế, lúng túng. Một số nhà xuất bản đi chệch định hướng chính trị, xa rời tôn chỉ mục đích, để lọt nhiều ấn phẩm có nội dung sai trái, lệch lạc về quan điểm, tư tưởng, chính trị, định hướng thẩm mỹ, lối sống, ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức của độc giả, nhất là giới trẻ. Do chạy theo lợi nhuận, những nhà làm sách thường cố nắm bắt nhu cầu của độc giả, coi độc giả là “thượng đế” dẫn đến có lúc trên thị trường tràn ngập một số thể loại sách do nhiều đơn vị cùng xuất bản trong khi những mảng sách khác lại thiếu hụt. Một số nhà xuất bản và các nhà sách đua nhau xuất bản và phát hành những loại sách như “dạy làm giàu”, “dạy thành công” nhưng thực chất chỉ là những mánh lới, thủ đoạn để giành tối đa lợi nhuận, lợi thế trên thương trường; sách bói toán, mê tín, dị đoan... Việc xâm phạm bản quyền tác giả (cả trong và ngoài nước) tiếp tục xảy ra nghiêm trọng, thể hiện ở nhiều loại sách, song tập trung nhiều nhất là ở các mảng sách tham khảo, truyện tranh, sách nhạc. Nạn in và phát hành sách lậu, sách giả đang là một vấn nạn đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản. Vì lợi nhuận, sách lậu, sách giả không chỉ tràn lan ở các thành phố lớn mà còn có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Dù có nhiều quy định cụ thể về xử phạt đối với các hành vi in và phát hành sách lậu, nhưng đến nay vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết mà còn có chiều hướng gia tăng, với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn. Sách lậu được bày bán công khai trong các hiệu sách, nhà sách, trên đường phố, thậm chí xâm nhập cả vào trường học… Những mảng sách bị in lậu nhiều hiện nay là các loại sách văn học, sách phổ biến kiến thức khoa học, sách giáo khoa, sách tham khảo dùng cho học sinh phổ thông. Đặc biệt là mảng sách tham khảo - mảng sách chiếm thị phần lớn nhưng chưa có sự quản lý thống nhất của cơ quan quản lý, do nhiều nhà xuất bản thực hiện.

Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chức năng văn hóa - tư tưởng và nhiệm vụ kinh doanh của hoạt động xuất bản - hai nhiệm vụ có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ với nhau, trong đó nhiệm vụ chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ hàng đầu.

Để giải quyết đúng đắn mối quan hệ này, đưa hoạt động xuất bản phát triển đúng hướng, tạo ra nhiều ấn phẩm có giá trị phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, cần phải tiếp tục đổi mới nhận thức tư duy về công tác xuất bản.

Trước hết, cần nhận thức sâu sắc về sự phát triển bền vững của sự nghiệp xuất bản, không thể chỉ quan tâm kinh doanh thuần túy mà không tính đến yếu tố văn hóa - tư tưởng. Chức năng văn hóa - tư tưởng và nhiệm vụ kinh doanh có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ. Thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh mới bảo đảm hoàn thành có hiệu quả và thiết thực chức năng văn hóa - tư tưởng. Ngược lại làm tốt chức năng văn hóa - tư tưởng sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh. Cần phải nắm vững chức năng văn hóa - tư tưởng vừa là động lực vừa là mục tiêu của nhiệm vụ kinh doanh. Chức năng văn hóa - tư tưởng của hoạt động xuất bản suy cho cùng là hướng đến con người. Không dựa vào nguồn lực con người, không thể có phát triển bền vững.

Thứ hai, nhận thức sâu sắc, toàn diện về vai trò, mục tiêu và động lực của chức năng văn hóa - tư tưởng của hoạt động xuất bản, không chỉ về quyền lợi và nghĩa vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, mà còn về quan niệm, tư tưởng, ý thức chủ thể của người dân. Chức năng văn hóa - tư tưởng là động lực phải được hiểu theo hai chiều thuận và nghịch. Thực hiện tốt chức năng văn hóa - tư tưởng sẽ có tác dụng thúc đẩy nhiệm vụ kinh doanh. Song, mặt khác cũng chính chức năng văn hóa - tư tưởng lại là lực cản đối với nhiệm vụ kinh doanh nếu quá coi trọng chức năng này mà không quan tâm đúng mức hiệu quả của nhiệm vụ kinh doanh.

Thứ ba, nghiên cứu sự phát triển của xuất bản Việt Nam phải gắn với xu thế của thời đại. Có hai tiêu chí đánh giá sự phát triển sự nghiệp xuất bản của một quốc gia. Tiêu chí hiện đại dựa vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh và sự phát triển khoa học công nghệ, góp phần tăng trưởng kinh tế, xây dựng ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Tiêu chí tiến bộ dựa vào các giá trị nhân văn, văn hóa, đạo đức, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, quan tâm đến mọi thành viên của xã hội do chức năng văn hóa - tư tưởng của hoạt động xuất bản mang lại. Trong đó, tiêu chí hiện đại là cơ sở (phát triển nhiệm vụ kinh doanh), tiêu chí tiến bộ là mục tiêu (chức năng văn hóa - tư tưởng).

Tóm lại, phát triển sự nghiệp xuất bản đúng đắn đòi hỏi phải đặt hiệu quả xã hội lên vị trí hàng đầu, thực hiện một cách hài hòa hiệu quả xã hội với hiệu quả kinh tế bằng cách sáng tạo nên nhiều ấn phẩm có giá trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Việc phát triển sự nghiệp xuất bản trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải vừa chú ý đến hoạt động xuất bản công ích, vừa phát triển hoạt động xuất bản kinh doanh, nhằm tạo nên những nguồn lực mới cho xuất bản, đáp ứng nhu cầu đọc và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa, cập nhật tri thức đa dạng của nhân dân. Cần tiến hành phân loại một cách khoa học các lĩnh vực và đơn vị khác nhau trong ngành xuất bản để xác định đơn vị sự nghiệp và đơn vị doanh nghiệp, từ đó có biện pháp quản lý và xử lý thích hợp. Phát huy tính tích cực của các doanh nghiệp xuất bản, bảo đảm tạo điều kiện cho các đơn vị này có khả năng tự chủ về tài chính, tránh sự bao cấp quá mức của Nhà nước, làm cho xuất bản trở thành một lĩnh vực năng động về phương cách hoạt động, hiệu quả về kinh tế, đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.

TRẦN QUỐC DÂN

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật

***

1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bình luận