Tây Bắc là một trong những vùng đất địa đầu của Tổ quốc Việt Nam, gồm 6 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, là địa bàn tụ cư và sinh sống của nhiều dân tộc, có điều kiện để phát triển kinh tế cửa khẩu, có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản và du lịch, vì vậy trong suốt chiều dài lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay, Tây Bắc luôn giữ một vị trí quan trọng với đất nước, đặc biệt là vấn đề dân tộc. Bên cạnh đó, Tây Bắc cũng là vùng được Đảng và Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Tuy vậy, hiện nay vùng Tây Bắc vẫn còn nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự còn đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề dân tộc. Hệ thống các chính sách dân tộc được ban hành và thực thi ở vùng Tây Bắc đa dạng về chủng loại và số lượng, có tầm bao quát toàn diện các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng.
Cuốn sách Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở vùng Tây Bắc (2001 - 2021)
nhằm hệ thống hóa các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã được thực thi từ năm 2001 đến 2021, nêu lên những ưu điểm và hạn chế, từ đó rút ra một số kinh nghiệm về hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đối với vùng Tây Bắc trong thời gian qua, có thể vận dụng trong những năm tiếp theo.