Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Ngày đăng: 24/12/2019 - 15:12

Việt Nam là quốc gia ven biển, đứng thứ 27/156 quốc gia có biển trên thế giới. Thứ hạng ấy được xác định bởi chiều dài bờ biển và diện tích mặt biển, nhưng hơn thế, biển Việt Nam còn có hàng nghìn đảo gần bờ và xa bờ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên không gian biển, đảo không chỉ được lưu trữ đầy đủ trong tư liệu ở 28 tỉnh, thành phố có biển, mà có ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và hầu khắp cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu khoa học và văn hóa cả Trung ương và địa phương; không chỉ gần 100 triệu dân trong cả nước luôn nhắc nhở, mà hàng triệu đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài cũng đều hiểu rõ. Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với biển, đảo phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và các văn bản pháp lý khác của quốc tế.

Để khái quát quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam với đầy đủ cơ sở khoa học và pháp lý, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông”.

Nội dung cuốn sách gồm 5 chương:

Chương 1: Tổng quan về biên đảo Việt Nam

Chương 2: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam trước thế kỷ XX

Chương 3: Thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975

Chương 4: Thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ năm 1976 đến năm 2017

Chương 5: Hiện trạng Biển Đông và cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Cuốn sách là tài liệu có ý nghĩa, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng về vần đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Bình luận